Cải cách hành chính, thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo động lực xây dựng huyện Giao Thủy ngày càng giàu đẹp

15:17, 22/01/2023

Doãn Quang Hùng
Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy

Giao Thủy nằm ở phía đông nam, cửa ngõ ra Biển Đông của tỉnh với bờ biển dài 32km; đông bắc giáp huyện Tiền Hải (Thái Bình); phía bắc giáp huyện Xuân Trường; phía tây giáp huyện Hải Hậu, có Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng đất bồi ngập mặn rộng hàng nghìn ha. Sau 30 năm hợp nhất với huyện Xuân Trường thành huyện Xuân Thủy, ngày 1-4-1997 huyện Giao Thủy được tái lập theo Nghị định 19-CP của Chính phủ. Sau 25 năm tái lập, từ một địa phương thuần nông với điểm xuất phát thấp, đến nay huyện Giao Thủy đã xây dựng được một nền kinh tế phát triển năng động; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, chủ động thực hiện “mục tiêu kép” vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch hiệu quả; tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của huyện Giao Thủy vẫn duy trì ổn định và có bước phát triển. Có 6/8 chỉ tiêu về kinh tế đạt và vượt kế hoạch đặt ra, trong đó có một số chỉ tiêu vượt cao tạo tiền đề khả quan để năm 2023 và các năm tiếp theo, huyện Giao Thủy phấn đấu tạo bước đột phá về phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao tặng lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thuỷ nhân kỷ niệm 25 năm tái lập.
Ảnh: Thành Trung

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao tặng lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thuỷ nhân kỷ niệm 25 năm tái lập.

Ảnh: Thành Trung

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp những tháng đầu năm, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt trong kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân; kịp thời triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phát triển sản xuất, kinh doanh ngay khi dịch được kiểm soát; đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của huyện duy trì ổn định và có bước phát triển so với năm 2021; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Xây dựng được cơ cấu kinh tế hợp lý; chuyển dịch tích cực (tỷ trọng sản xuất nông, lâm, thủy sản giảm xuống còn 33,78%; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng lên 66,22%). Thu ngân sách trên địa bàn của huyện ước đạt 348.679 triệu đồng, đạt 101,7% so với dự toán; thu nhập bình quân đầu người đạt 82 triệu đồng; Giá trị sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản ước đạt 6.609 tỷ đồng; giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác đạt trên 137,8 triệu đồng; 1ha nuôi thuỷ sản đạt gần 597,5 triệu đồng. Năng suất lúa cả năm tiếp tục đứng đầu toàn tỉnh, đạt 131,16 tạ/ha; sản lượng lương thực đạt 94.969 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 17.528 tấn, sản lượng thủy sản ước đạt 68.203 tấn. Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, tạo sự chuyển biến trong cơ cấu giá trị sản xuất. Tốc độ tăng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) ngành Công nghiệp và Xây dựng đạt 14,8%, trong đó sản xuất CN-TTCN đạt 16,05%; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 135 triệu USD.

 Huyện đã thẩm định, phê duyệt 16 đồ án Quy hoạch chung xây dựng xã đảm bảo tiến độ và chất lượng; lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng đô thị thị trấn Quất Lâm, trình thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập quy hoạch chung đô thị mới Đại Đồng; đề xuất các nội dung quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thuỷ và quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; huyện đã quy hoạch 6 khu công nghiệp, với tổng diện tích 2.410ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 822ha, đã trình UBND tỉnh đưa vào quy hoạch chung của tỉnh. Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được triển khai hiệu quả, đến nay đã có 17 xã, thị trấn đạt NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí mới. Huyện đã thẩm định xếp hạng thêm 32 sản phẩm OCOP (gồm 5 sản phẩm 4 sao, 27 sản phẩm 3 sao). Đặc biệt, trong năm 2022, huyện đã hoàn thành giải toả 118 ki-ốt sát biển tại khu du lịch Quất Lâm để phục vụ việc cải tạo xây dựng khu du lịch theo định hướng mới văn minh, hiện đại, được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đánh giá cao, nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Công tác giải phóng mặt bằng nói chung được thực hiện tốt, đảm bảo tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, nhất là tuyến đường bộ ven biển. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được quan tâm chỉ đạo, trong đó tập trung kêu gọi, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế về khảo sát, nghiên cứu để đầu tư trên địa bàn huyện (6 cụm công nghiệp, 1 khu công nghiệp được Tỉnh uỷ có văn bản đồng ý về chủ trương).

Một góc nông thôn mới kiểu mẫu xã Giao Phong hôm nay.
Ảnh: Thành Trung

Một góc nông thôn mới kiểu mẫu xã Giao Phong hôm nay.

Ảnh: Thành Trung

Phát huy những thành tựu đã đạt được, bước sang năm 2023, huyện Giao Thủy tập trung phát triển toàn diện kinh tế theo các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 với một số chỉ tiêu chủ yếu: thu nhập bình quân thực tế đầu người đạt 90 triệu đồng/năm trở lên; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 3%; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15%, dịch vụ tăng 11%; kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD. Về giải pháp huyện Giao Thuỷ chủ trương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã  hội và thu hút đầu tư. Phối hợp với các sở, ngành và sự chỉ đạo của UBND tỉnh sớm hoàn thành quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch,… Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện đảm bảo tiến độ kế hoạch năm 2023, đặc biệt là dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua địa bàn huyện; dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; dự án đường Thiện Lâm; dự án đường Cồn Nhì - Giao Thiện; dự án đường Cồn Nhất - Chợ Vọng; dự án đường Tả sông Sò; Khu công nghiệp Hải Long; Cụm công nghiệp Giao Thiện, Cụm công nghiệp Giao Yến 1; các khu dân cư tập trung và các công trình, dự án khác có liên quan... Tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XXVI và kế hoạch của UBND huyện về cải cách hành chính, thu hút đầu tư trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Phát triển các ngành CN-TTCN có công nghệ hiện đại; giá trị gia tăng cao và có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư thứ cấp tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hoá; đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Tích cực thực hiện các chương trình kế hoạch chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực quản lý điều hành và các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của huyện và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử cho công dân. Xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước…

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng và thành tựu nổi bật của chặng đường 25 năm tái lập, xây dựng và phát triển; đó là hành trang và động lực quan trọng để Xuân mới 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng miền quê biển Giao Thủy ngày càng giàu mạnh, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com