Nam Định được mệnh danh là vùng “đất học”, quê hương của 5 vị trạng nguyên nổi tiếng và nhiều nhà chính trị lỗi lạc, nhiều tướng lĩnh, nhà văn hóa, nhà khoa học lớn. Những giá trị cốt lõi và truyền thống hiếu học của cha ông là những bài học quý báu để phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng phát triển, đưa tỉnh ta gần 30 năm đứng trong tốp những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về giáo dục và đào tạo.
Cô và trò Trường Mầm non Trực Nội (Trực Ninh) trong một hoạt động góc. |
Theo sử sách, Nam Định là một trong những tỉnh có số người đỗ đạt cao với 5 vị trạng nguyên, 83 vị đại khoa và 378 vị cử nhân. Ngoài ra còn có nhiều người đỗ Hương cống, Tú tài, Nho sinh, Trùng thức… Để khuyến khích việc nỗ lực học tập vươn lên, từ xa xưa mỗi địa phương trong tỉnh đã có những quy định riêng về quỹ khuyến học. Ở xã Giao Phong, Bình Hòa (Giao Thủy), thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng)… quy định những ai đi học được miễn trừ các thứ sai dịch, ai thi đỗ lên hương ẩm, vào nhất nhị trường thứ vị được ngồi chiếu trên lý trưởng. Nhiều xã của huyện Ý Yên, Vụ Bản trước kia đều có lệ “học điền”. Ở Vụ Bản vào ngày 15 tháng Giêng, các vị chức sắc của làng tụ hội ở đình ra đề thi cho học trò. Những học trò ưu tú sẽ được thưởng một chiếc áo xanh da trời và một thúng thóc. Các xã Ninh Cường, Cát Chử (thuộc huyện Trực Ninh ngày nay), Liễu Đề (Nghĩa Hưng)... có lệ mời thầy giáo về dạy con em mình. Riêng xã Cát Chử có lệ mùa xuân mời học quan về chấm bài, chia làm ba loại lớn, vừa, bé, ai giỏi được tặng thưởng một cặp bánh dày nặng 2kg. Xã Hương Cát, nay thuộc xã Kim Thái (Vụ Bản), theo lệ ai dạy học trò địa phương sẽ làm nhà cho thầy ở, đồng thời trích 2 mẫu ruộng để vợ con thầy cày cấy, việc cấy, gặt phần lớn đều do các nhà đến làm giúp. Ở một số địa phương, những người đỗ Tiến sĩ, Phó bảng được làng cấp ruộng đất sử dụng, miễn thuế đến hết đời. Nhiều địa phương trong tỉnh còn xây văn miếu, văn tự, văn chỉ, từ đường, đền thờ... để tỏ lòng biết ơn những người học cao, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Không chỉ có những hình thức trao thưởng, biết ơn thầy giáo và những người có chí trong học tập, một số địa phương trong tỉnh còn khuyến khích người dân học nghề, giữ nghề và tỏ lòng thành kính, biết ơn người khai nghề như ở làng nghề chạm khắc La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) thờ ông tổ dạy nghề Ninh Hữu Hưng; làng rèn Vân Chàng, xã Nam Giang (Nam Trực) thờ sáu thầy dạy nghề và phong là “Lục vị thánh sư”, lập đền thờ làm thần hoàng làng; làng nghề trồng hoa Vị Khê thờ Thái úy Tô Trung Tự là ông tổ truyền nghề trồng hoa... Tuy quỹ khuyến học trước đây phát triển tự phát nhưng có hiệu quả to lớn tại các địa phương, góp phần xây dựng, vun đắp và duy trì truyền thống hiếu học của nhân dân trong tỉnh.
Bước vào thời kỳ đổi mới, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng Quỹ khuyến học của tỉnh được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động của các cấp Hội đã nhận đuợc sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp, ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể, cá nhân, các nhà tài trợ, doanh nhân, doanh nghiệp. Ở cấp tỉnh hiện có Quỹ khuyến học Lương Thế Vinh, Quỹ khuyến học của Hội Khuyến học tỉnh, Quỹ học bổng Hoàng Ngân của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Quỹ học bổng Vòng tay đồng đội của Hội Cựu chiến binh… với số quỹ từ vài trăm triệu đến vài chục tỷ đồng. Ở cấp huyện đã thành lập các Quỹ khuyến học mang tên các danh nhân trong lịch sử gắn với địa phương như: Nguyễn Hiền (Nam Trực), Phạm Văn Nghị (Nghĩa Hưng), Đào Sư Tích (Trực Ninh), Sóng Hồng (Xuân Trường), Trần Bích San (thành phố Nam Định), Tống Văn Trân (Ý Yên), Trần Hưng Đạo (Mỹ Lộc), Lương Thế Vinh (Vụ Bản), Vũ Văn Hiếu (Hải Hậu) với số tiền từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng. 100% các xã, phường, thị trấn có Hội Khuyến học và Quỹ khuyến học. Đặc biệt tại các thôn, làng, dòng họ, Quỹ khuyến học ngày càng được mở rộng về quy mô và góp phần lớn trong tổng số Quỹ khuyến học tại cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 312 đơn vị khuyến học cơ sở có Quỹ khuyến học từ 100 triệu đến 4 tỷ đồng. Số thu Quỹ trong toàn tỉnh được tăng lên theo từng năm, trong đó 5 năm qua các cấp Hội trong tỉnh đã thu được 337 tỷ 764 triệu đồng. Số dư Quỹ hiện tại còn gần 192 tỷ đồng, đứng trong tốp dẫn đầu toàn quốc. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn vận động các nhà tài trợ, ủng hộ hàng chục tỷ đồng hỗ trợ xây dựng trường học, mua trang thiết bị dạy học, hiến đất, tặng tủ sách, nhận đỡ đầu cho nhiều học sinh mồ côi cha và mẹ học hết lớp 12. Từ nguồn Quỹ khuyến học, các cấp Hội đã tổ chức trao thưởng kịp thời cho hàng chục nghìn giáo viên, học sinh có thành tích cao trong dạy và học, đạt giải quốc gia và quốc tế; trao hàng trăm nghìn học bổng, tặng hàng nghìn xe đạp, hàng nghìn dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, mồ côi… Riêng Quỹ khuyến học Lương Thế Vinh hiện nay có 36,6 tỷ đồng. Từ khi thành lập năm 2011 đến nay, Quỹ khuyến học Lương Thế Vinh đã góp phần “chắp cánh ước mơ” cho nhiều thế hệ học sinh có khát vọng vươn lên vì một tương lai tươi sáng, cống hiến cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Quỹ khuyến học Lương Thế Vinh đã động viên, hỗ trợ, khen thưởng cho hơn 6.200 lượt giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh; trong đó, khen thưởng cho trên 3.600 học sinh đoạt giải, giáo viên trực tiếp tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và các giáo viên, học sinh đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động dạy và học với số tiền trên 8,3 tỷ đồng; hỗ trợ trên 800 học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với số tiền gần 2,3 tỷ đồng; hỗ trợ cho 36 giáo viên, học sinh tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế với số tiền gần 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ cho trên 1.700 học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập số tiền trên 1,4 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 3 năm học (từ năm 2019 đến nay), mỗi năm học đã có hàng trăm học sinh đoạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế và nhiều thầy, cô giáo dạy giỏi đã được nhận thưởng từ quỹ. Quỹ khuyến học của tỉnh Hội 5 năm qua đã vận động 87 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đồng hương tài trợ với số tiền gần 17 tỷ đồng. Trong đó, đã khen thưởng cho giáo viên và học sinh dạy tốt, học tốt, trao học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi trên 13,7 tỷ đồng; hiện, số dư quỹ còn trên 3,2 tỷ đồng.
Với truyền thống hiếu học cùng với các phương thức duy trì và phát triển Quỹ khuyến học các cấp đã góp phần vào thành công của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh với thành tích hơn 1/4 thế kỷ đứng trong tốp dẫn đầu toàn quốc./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin