Chuyển biến trong thực hiện pháp lệnh dân chủ ở Giao Thủy

08:14, 28/12/2022

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể huyện Giao Thủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Từ đó tính công khai, dân chủ ngày càng thể hiện rõ nét, tác động tích cực tới việc xây dựng Đảng, chính quyền, tạo được niềm tin đối với nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thị trấn Quất Lâm với nhân dân.
Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thị trấn Quất Lâm với nhân dân.

Từ giai đoạn 2020 đến nay, huyện đã và đang triển khai 36 dự án quan trọng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó: 10 dự án phải thu hồi đất với tổng diện tích đất phải giải phóng mặt bằng là 517ha, số tiền đã chi trả, hỗ trợ người dân trên 82 tỷ đồng; 9 dự án thoả thuận giải phóng mặt bằng giúp doanh nghiệp với diện tích 28,55ha, số tiền trên 44 tỷ đồng; 17 công trình, dự án cải tạo, nâng cấp các công trình công cộng, các đường giao thông nông thôn tại các xã, thị trấn, vận động người dân tự giải tỏa các công trình trên đất và hiến đất để thi công công trình với trị giá quy đổi thành tiền khoảng gần 80 tỷ đồng. Xác định công tác công khai là vấn đề quan trọng vì vậy ngay khi có các dự án cần giải phóng mặt bằng, chính quyền các cấp trong huyện đã chỉ đạo tập trung tuyên truyền về lợi ích của dự án, tác động, ảnh hưởng tích cực của dự án đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đồng thời tiến hành công khai dự án, công khai chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của Nhà nước đối với từng loại đất được giải phóng mặt bằng. Cung cấp thông tin trích đo thửa đất tới từng hộ dân để các hộ biết diện tích vào, ra của gia đình mình cần giải phóng. Tổ chức họp các hộ dân có liên quan đến dự án để thống nhất công khai kết quả đo, để người dân trực tiếp đối chiếu diện tích, phản ánh để đi đến thống nhất, chốt số liệu, qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện bàn giao đất đảm bảo tiến độ thi công các dự án.

Cùng với công khai đối với các dự án, huyện còn công khai, dân chủ các nhiệm vụ như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dự toán, quyết toán ngân sách; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân; các chủ trương, chính sách để nhân dân vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo, bình xét hộ nghèo hàng năm; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư chương trình, dự án và các khoản huy động đóng góp của nhân dân; công khai về tài sản, thu nhập cá nhân đối với những người có nghĩa vụ kê khai tài sản UBND xã, thị trấn... Hình thức công khai thông qua các hội nghị họp dân tại các khu dân cư, thôn, xóm, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học, qua sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, hệ thống loa truyền thanh,...

Đồng chí Vũ Thị Tuyết Minh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Giao Thủy cho biết: Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định 11 nội dung công khai để dân biết, trong đó: 4 nội dung công khai bằng hình thức niêm yết; 7 nội dung công khai trên hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử của xã, thị trấn và thông qua trưởng xóm, tổ trưởng dân phố để thông báo đến nhân dân. Trên cơ sở đó, hàng năm, các xã, thị trấn đã thực hiện tốt việc công khai để nhân dân biết; những việc thông báo cho dân biết, dân bàn và dân quyết định; những việc dân tham gia ý kiến, chính quyền quyết định; những việc dân kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt và tạo điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, tham gia quản lý Nhà nước. Nhiều xã, thị trấn quan tâm cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân nhằm tạo tiếng nói chung trong thực hiện các chủ trương, chính sách cũng như giải quyết các khó khăn, tồn tại. 

Bên cạnh đó, các xã, thị trấn trong huyện phát huy hiệu quả vai trò hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Duy trì thực hiện các cuộc giám sát đối với các công trình, dự án góp phần đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả của các công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn. Công tác hòa giải ở cơ sở luôn được quan tâm, toàn huyện hiện có 195 tổ hòa giải được thành lập ở các thôn (xóm), tổ dân phố. Thành viên tổ hòa giải quy tụ được lực lượng nòng cốt, có uy tín, kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể tại thôn (xóm), tổ dân phố thực hiện tốt công tác hòa giải. Năm 2022, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và hòa giải 50 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong gia đình, mâu thuẫn hàng xóm và được giải quyết thành công. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần tích cực trong việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội từ cơ sở. Ngoài ra, UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng chức năng hướng dẫn các địa phương khi xây dựng hương ước, quy ước cần quan tâm lồng ghép những nội dung quan trọng khác vào hương ước, quy ước để nhân dân bàn, thảo luận, biểu quyết như: Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; không hát karaoke gây tiếng ồn trong khu dân cư theo thời gian quy định…

Với việc nghiêm túc thực hiện chế độ công khai các hoạt động theo Pháp lệnh 34, huyện Giao Thủy đã tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh toàn dân tham gia thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Năm 2022, huyện hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản đạt hơn 6.600 tỷ đồng. Toàn huyện đã có 17 xã, thị trấn đạt nông thôn mới nâng cao, xã Giao Phong là đơn vị đầu tiên của tỉnh đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí mới. Đã hoàn thành giải tỏa 118/118 ki-ốt tại khu du lịch biển Quất Lâm được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá cao, nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Công tác giải phóng mặt bằng được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, nhất là tuyến đường bộ ven biển. Toàn huyện đã quy hoạch 6 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 2.400ha, 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 822ha đã trình UBND tỉnh đưa vào Quy hoạch chung của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội giảm còn 0,59%. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục - đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững./.

Bài và ảnh: Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com