Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho nhân dân trên địa bàn huyện Trực Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng các vụ, việc trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng lên, góp phần giải quyết những vướng mắc về pháp luật ngay tại cơ sở, giảm các vụ khiếu kiện vượt cấp, đồng thời nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân.
Người dân tra cứu thông tin pháp lý tại bộ phận một cửa của thị trấn Cát Thành. |
Hàng năm, Phòng Tư pháp huyện chủ động phối hợp với các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai thực hiện công tác tuyên truyền và trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác… Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Định kỳ, Phòng Tư pháp huyện tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân cần được trợ giúp pháp lý để tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chú trọng tuyên truyền nhóm đối tượng có nhu cầu trợ giúp pháp lý về cùng một vấn đề hay cùng một nội dung cần tư vấn, trợ giúp.
Đồng chí Trần Văn Đỗ, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Trực Ninh cho biết: Để công tác phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật và công tác trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả cao, ngay sau khi sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo thành lập các tổ hòa giải. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 17/21 xã, thị trấn đã kiện toàn xong tổ hòa giải gồm 148 tổ với 1.036 hòa giải viên, đây là lực lượng vừa cung cấp các kiến thức pháp luật vừa là những trợ giúp viên sẵn sàng cung cấp, hướng dẫn khi người dân cần giải quyết các vấn đề có liên quan tới pháp lý. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức hơn 300 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý thông qua các hội nghị ở UBND các xã, thị trấn và ở các nhà văn hóa thôn, xóm; phát hàng nghìn tờ gấp, tài liệu và hàng trăm tin, bài về phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý trên hệ thống đài truyền thanh ở các xã, thị trấn; treo pa-nô, khẩu hiệu các nội dung về pháp luật. Trong 9 tháng năm 2022, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với các hội, đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên bố trí lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật vào các buổi sinh hoạt chuyên đề giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý, các tài liệu pháp luật liên quan đến các lĩnh vực đời sống hàng ngày như: Luật Đất đai, Luật Cư trú, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các chính sách đối với người khuyết tật, người thuộc diện hộ nghèo… Tại các xã, thị trấn cũng thành lập nhiều câu lạc bộ với pháp luật, như: Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” đã được thành lập ở 20 xã, thị trấn thường xuyên sinh hoạt, nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em. Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” đã thực sự trở thành cầu nối giữa chính quyền với người dân trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giải quyết khoảng 90% các vụ, việc nhỏ phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. Câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật” không chỉ giúp đoàn viên, thanh niên được tiếp cận, tìm hiểu pháp luật, cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành, mà còn trở thành sân chơi cho thanh niên trong các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, tăng cường công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là ngăn ngừa các loại tội phạm và tệ nạn xã hội ở lứa tuổi thanh niên.
Thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, hàng năm, Phòng Tư pháp huyện thực hiện tư vấn, giải đáp, cung cấp miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, đồng thời nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân. Xây dựng, ban hành các kế hoạch, hướng tới cụ thể hóa nội dung trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là các đối tượng đặc thù (người khuyết tật, người tái hòa nhập cộng đồng, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ vị thành niên…). Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã thực hiện gần 30 buổi trợ giúp pháp lý cho hơn 1.000 lượt người về các nội dung liên quan đến pháp luật như: hòa giải, tranh chấp đất đai, quyền thừa kế, hôn nhân và gia đình… Nhiều nội dung vướng mắc trong đời sống hàng ngày như việc xác định hộ nghèo, xác định người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; người già cô đơn không nơi nương tựa… được các trợ giúp viên pháp lý trực tiếp giải đáp cụ thể.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho người dân trên địa bàn vẫn còn gặp một số khó khăn như: nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao nên việc giải thích, hướng dẫn thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý vẫn còn nhiều khó khăn. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 mở rộng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và nhu cầu được trợ giúp pháp lý ngày càng nhiều, song số lượng trợ giúp viên pháp lý và nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý còn ít. Để tháo gỡ khó khăn, thời gian tới, Phòng Tư pháp huyện, các ngành chức năng cần tiếp tục đa dạng hóa phương pháp tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, đồng thời tiếp nhận ý kiến của người dân nhằm lựa chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng, trình độ dân trí, giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật, thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đồng thời, tham gia đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư./.
Bài và ảnh: Ngọc Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin