Tỉnh Nam Định có 19 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng có khu vực biên giới biển, dân số 56.181 hộ với 198.460 nhân khẩu, nhân dân chủ yếu làm nghề trồng lúa, làm muối và khai thác nuôi trồng thủy hải sản trên biển. Có 1.019 lều, chòi với 1.228 lao động tại vùng đầm, bãi nuôi trồng thủy sản ngoài đê; có 1.813 phương tiện nghề cá với 5.481 lao động (trong đó có 540 phương tiện có chiều dài từ 15m trở lên). Những năm qua, hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản ở khu vực biển đã và đang được Chính phủ, UBND tỉnh ưu tiên, khuyến khích phát triển, góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển, phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên hoạt động khai thác hải sản phần lớn là nhỏ lẻ, không theo tổ chức, quy củ, ý thức tuân thủ pháp luật của ngư dân không cao, thường sử dụng phương pháp, khai thác tận diệt, xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài gây ra những hệ quả tiêu cực trong đó là việc Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu Việt Nam.
Đồn Biên phòng Quất Lâm (Giao Thủy) đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chống khai thác thủy sản (IUU) cho ngư dân. |
Thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Thời gian qua, với quyết tâm, nỗ lực, cùng với cả hệ thống chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã triển khai quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các biện pháp tham gia góp phần sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) trong hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh, tiến tới đánh bắt có trách nhiệm và hiệu quả. Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, BĐBP tỉnh phối hợp với Sở NN và PTNT và chính quyền địa phương, các cơ quan báo chí của tỉnh, các huyện, xã ven biển tổ chức tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng cho quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh trên các vùng biển, đảo, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương liên quan đến hoạt động nghề cá và bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự trên vùng biển của tỉnh. Xây dựng phong trào quần chúng tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, tuyên truyền vận động ngư dân thực hiện, chấp hành tốt Luật Thủy sản không vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Sở NN và PTNT đã tổ chức 7 lớp tập huấn cho trên 2.830 lượt ngư dân trong đó tập trung tuyên truyền các nội dung như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Thuỷ sản 2017, Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Nghị định 71/2015/NĐ-CP ngày 3-9-2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan, phát hành hàng nghìn tờ rơi nội dung tuyên truyền về một số ranh giới biển; các quy định chống khai thác bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển của tỉnh, tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài; tình hình làm ăn, sản xuất khai thác nuôi trồng thủy hải sản của ngư dân, bảo vệ tài nguyên môi trường, nguồn lợi thủy sản, tình hình liên quan đến tai nạn, sự cố và phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển; tình hình chấp hành pháp luật, các quy định ở khu vực biên giới biển, hoạt động vi phạm của tàu cá khi khai thác thủy sản, vi phạm của ngư dân trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...; tình hình có liên quan đến tàu cá mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trên biển trên 10 ngày; tình hình hợp tác giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài trong lĩnh vực thu mua, xuất khẩu, nuôi trồng thủy sản có liên quan đến ngư dân trong tỉnh. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo cho công tác phối kết hợp tuần tra, kiểm soát trên biển được thường xuyên. Đã tổ chức 8 đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý 127 lượt phương tiện, trị giá 898,5 triệu đồng với các hành vi vi phạm các quy định về quản lý tàu cá; tham mưu cho UBND huyện Hải Hậu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 87,5 triệu đồng đối với 1 tàu cá. Phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ người và phương tiện hoạt động nghề cá, đặc biệt là 18 phương tiện đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền theo Nghị định 30 và Nghị định 130 của Chính phủ; đánh giá, phân loại, quản lý, giám sát chặt chẽ 127 tàu cá có “nguy cơ cao” vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp. Thường xuyên trao đổi thông tin về phạm vi, diện tích trồng rừng trong khu vực biên giới biển và phối hợp bảo vệ chương trình xóa đói giảm nghèo để tham mưu đề xuất tỉnh, các ngành có biện pháp phát triển bền vững, ổn định dân cư, kết hợp giữa thực hiện xây dựng nông thôn mới với xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới biển.
Với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa được BĐBP tỉnh triển khai thực hiện sâu rộng đến với người dân, ngư dân hoạt động trong khai thác đánh bắt thủy hải sản đã được nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản, ngày càng tuân thủ những quy định về Luật Thủy sản, thực hiện tốt những quy định bắt buộc để gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, không thực hiện các hoạt động đánh bắt trái phép, đánh bắt thiếu trách nhiệm, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên các vùng biển của tỉnh./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin