Ngày 28-4, UBND xã Thành Lợi (Vụ Bản) tổ chức lễ đón Bằng Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội “Thái bình xướng ca” (còn gọi là lễ hội làng Gạo, lễ hội làng Quả Linh), kỷ niệm 30 năm tái mở hội làng (1993-2023). Dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Minh Thắng, Uỷ viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, UBND huyện Vụ Bản cùng đông đảo người dân địa phương.
Biểu diễn múa lân tại buổi lễ đón Bằng Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội "Thái bình xướng ca". |
Làng Quả Linh là vùng đất cổ được hình thành từ thời Hùng Vương. Trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời Đinh - tiền Lê đến thời Trần, làng Quả Linh là nơi triều đình đặt kho lương (Đình Đụn) để tích trữ lương thảo, có đội quân vận chuyển lương thực, góp phần quan trọng để quân dân nhà Trần 3 lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông, thế kỷ XIII. Tương truyền, sau chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ 3 trên sông Bạch Đằng (năm 1288), ghi nhận công lao của dân làng đảm bảo hậu cần lương thảo cho quan quân đi đánh giặc, Vua Trần ban thưởng đặc ân cho nhân dân làng Gạo mở hội ca hát để ăn mừng chiến thắng, đất nước thái bình.
Trải qua trên 700 năm tồn tại, phát triển, Lễ hội “Thái bình xướng ca” ngày nay vẫn được chính quyền, nhân dân địa phương duy trì tổ chức 3 năm 1 lần vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, từ ngày mồng 9 đến 11-3 âm lịch với đầy đủ các hoạt động truyền thống. Lễ hội tập trung tại Đám Hát, ao Đồng Đoài của làng Gạo. Các nghi lễ như: tế cáo, rước kiệu Thánh và nhang án 18 cụ tổ khai cơ, lập ấp, tế nam quan, tế nữ quan, lễ bán dạ… thể hiện đậm nét phong tục tập quán cộng đồng trong tín ngưỡng thờ tổ tiên, Thành hoàng làng gắn với văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Những hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian tiêu biểu của lễ hội như: dựng Đình Đụn, đua thuyền tải lương, thi dệt vải trên hồ, cờ vua, cờ bàn, chơi cờ tướng trên sông, hát trống quân, tổ tôm điếm, tam cúc điếm, đấu vật, chơi đu, bịt mắt đập niêu, bắt vịt dưới ao, đi cầu kiều, hát chèo, hát quan họ, múa gậy, múa kiếm, múa rồng mây… đều mang tính cộng đồng và được bảo tồn, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội "Thái bình xướng ca" cho xã Thành Lợi. |
Lễ hội “Thái bình xướng ca” là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống đặc trưng tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Hồng với các giá trị gắn kết, hòa quyện giữa văn hóa làng xã với văn hóa dòng họ, gia đình, người dân. Với những giá trị lịch sử, văn hoá tâm linh tiêu biểu, Lễ hội “Thái bình xướng ca” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 155/QĐ-BVHTTDL ngày 2-2-2023. Sau lễ đón Bằng ghi danh Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tại các địa điểm: Đình, Chùa làng Gạo, Đám Hát, nhà văn hoá xóm Hát diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống, trò chơi dân gian sôi nổi, hấp dẫn trong lễ hội, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham gia.
Tại buổi lễ, đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội "Thái bình xướng ca" cho xã Thành Lợi./.
Tin, ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin