Ngăn chặn “rác” trên môi trường mạng

08:35, 28/04/2023

Trong xu thế phát triển của công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội (MXH) như: Facebook, Zalo, TikTok, Instagram… đã trở thành những kênh thông tin được nhiều người lựa chọn, truy cập, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, cùng với mặt tích cực mà MXH mang lại, cũng đã xuất hiện nhiều tiêu cực, thậm chí được coi là “rác” văn hóa.

Ngày hội Thể thao Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định).
Ngày hội Thể thao Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định).

Theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 69 triệu người sử dụng internet (chiếm tỷ lệ hơn 70% dân số). Internet đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Cũng theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận (Decision Lab) về hành vi người dùng trên MXH tại Việt Nam, trong số hơn 2.100 người được khảo sát (từ 28 đến 57 tuổi) có đến 96% người sử dụng Facebook, trong đó, độ tuổi từ 25 đến 45 tuổi vào Facebook để cập nhật thông tin nhiều nhất. Cùng với Facebook, top 5 MXH khác được nhiều người sử dụng gồm: YouTube (82%), Zalo (80%), Instagram (44%) và TikTok (20%). Tuy nhiên, trong số đó, lại có không ít người thiếu kỹ năng phân biệt tin thật giả, đánh giá thẩm định thông tin trên MXH, dễ bị dẫn dắt bởi tin tức, các xu thế, trào lưu trên MXH. Chính vì thế, nhiều đối tượng đã lợi dụng MXH để phát tán, chia sẻ những thông tin xấu độc, “rác” văn hóa; thậm chí lừa đảo, trục lợi. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai hành động quyết liệt, buộc các nền tảng xuyên biên giới: Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, quảng cáo sai sự thật, nội dung phản cảm, không lành mạnh trên MXH. Từ năm 2018 đến năm 2022, Facebook đã gỡ hơn 300 tài khoản giả mạo, hơn 12.600 bài viết sai sự thật, bôi nhọ uy tín các tổ chức, cá nhân, thương hiệu; tỷ lệ xử lý theo đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước đạt 90%. TikTok đã ngăn chặn, gỡ bỏ hơn 1.400 đường link vi phạm, rà quét, ngăn chặn hơn 3.500 video có nội dung xấu độc; tỉ lệ xử lý theo đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước đạt 91%.

“Rác” văn hóa trên MHX xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: nhạc chế, clip, video, hình ảnh không lành mạnh với những nội dung nhảm nhí, phản cảm, dung tục; livestream bán hàng, quảng cáo sai sự thật, cắt ghép nội dung giật gân, độc lạ... để câu view; cổ xúy mê tín dị đoan; tung tin giả, tin sai sự thật; bôi nhọ, xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân... Chẳng hạn là các video, clip miệt thị ngoại hình của người khác, phân biệt vùng miền, giàu nghèo, đề cao giá trị bản thân, phát ngôn bừa bãi… Điều đáng buồn là những clip màn diễn “đấu tố” với thái độ hống hách, ngôn từ tục tĩu mang tính xúc phạm, “bóc phốt” lẫn nhau lại thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí là cả triệu lượt thích (like), chia sẻ. Đi kèm với những nội dung đăng tải phản cảm của chủ tài khoản là những bình luận vô văn hóa, thiếu hiểu biết, coi thường pháp luật của một bộ phận người dùng MXH. Những thông tin “rác” này đã tác động tiêu cực khó lường đến tâm lý xã hội, đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên, gây mất trật tự an toàn xã hội. Với những người trưởng thành, có nhận thức, biết lựa chọn thông tin thì “rác” văn hóa chỉ gây khó chịu, bất bình, bức xúc vì mất thời gian sàng lọc, nhưng đối với giới trẻ sẽ để lại nhiều hệ lụy. Thanh, thiếu niên, thậm chí cả lứa tuổi mầm non chưa trải nghiệm, kỹ năng, kinh nghiệm sống còn thiếu, bởi vậy những video, clip, hình ảnh với nội dung lệch chuẩn, nội dung sơ sài, dễ dãi, nhảm nhí nhưng “độc, lạ” lại dễ bị thu hút, kích thích. Đặc biệt là trẻ nhỏ, nhận thức chưa trọn vẹn, thích tò mò, ưa khám phá, việc tiếp cận các sản phẩm lệch chuẩn văn hoá, phản giáo dục lâu dần sẽ hình thành nhận thức lệch lạc, không phân biệt được đúng sai, dẫn đến suy nghĩ, hành vi tiêu cực, học hỏi những phát ngôn, hành vi không chuẩn mực trên MXH; dễ phản ứng, không chịu tiếp thu các nội dung dạy dỗ, giáo dục nghiêm khắc của người lớn.

Ngày 17-6-2021, Bộ TT và TT đã ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về Bộ quy tắc ứng xử trên MXH. Đây được coi là “thể chế mềm” nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng tại Việt Nam, hình thành chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực từ suy nghĩ đến hành động của người dùng MXH. Mỗi nhóm, đối tượng tham gia sử dụng MXH bên cạnh việc tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung: tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin; trách nhiệm thì còn một số quy tắc khác cần áp dụng như: tổ chức, cá nhân sử dụng MXH phải chia sẻ những thông tin chính thống, đáng tin cậy; có hành vi, ứng xử phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; không sử dụng ngôn từ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; không tung tin giả, tin sai sự thật; không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Ở tỉnh ta, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn những thông tin xấu độc, văn hóa độc hại; rà soát, xử lý các vi phạm pháp luật trên MXH được thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Từ năm 2020, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở TT và TT, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã ký giao ước thi đua thực hiện Kế hoạch liên tịch về phối hợp, phát động đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc gây ảnh hưởng đến đạo đức xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực; đồng thời thường xuyên cập nhật, thông báo kịp thời những âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người quản lý, sử dụng internet, MXH. Sở VH, TT và DL tăng cường phối hợp với Sở GD và ĐT, Tỉnh Đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng cho thế hệ trẻ; tập huấn nghiệp vụ công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên internet, MXH; chỉ đạo tổ chức xây dựng các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh. Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tăng cường sản xuất, đăng tải các chương trình, tin, bài, ảnh, phóng sự, ký sự, phim tài liệu… tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến có nhiều đóng góp trong phát triển sự nghiệp văn hóa, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phát huy vai trò công nghệ số nhằm kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội, góp phần tạo ra trào lưu, xu hướng đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực, lành mạnh, chính thống trên MXH. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người dân khi sử dụng internet, MXH; kỹ năng nhận diện, xử lý thông tin xấu độc; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lan truyền, chia sẻ, bình luận thông tin có nội dung sai sự thật, văn hóa phẩm độc hại.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ số như hiện nay, việc sử dụng MXH là nhu cầu, sở thích của mỗi người, tuy nhiên để MXH phát huy lợi thế là “cầu nối” lan tỏa những thông tin trong sạch, lành mạnh, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, xử lý vi phạm, rất cần ý thức tự giác của mỗi cá nhân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy tắc ứng xử văn hóa trên MXH. Để hình thành chuẩn mực văn hóa trên môi trường mạng, các nhà trường, gia đình cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng, truy cập, tham gia MXH của trẻ nhỏ, định hướng cho con em tiếp cận những nội dung, thông tin bổ ích, lành mạnh phù hợp với từng độ tuổi; tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống để tạo “lá chắn” bảo vệ trẻ em trước những tác động tiêu cực trên môi trường mạng, góp phần xây dựng môi trường MXH trong sạch, an toàn, lành mạnh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com