Giá trị độc đáo các bảo vật quốc gia ở Nam Định

09:03, 14/04/2023

Bảo vật quốc gia là các hiện vật lịch sử, văn hoá đặc biệt, đảm bảo các yếu tố: tính độc bản, hình thức độc đáo, mang giá trị thẩm mỹ và tư tưởng… Việc công nhận danh hiệu “Bảo vật quốc gia” do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Qua 7 đợt công nhận từ năm 2012 đến nay, Nam Định có 5 hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia được Nhà nước bảo vệ, bảo quản theo chế độ riêng biệt gồm: Tượng Phật A Di Đà thời Lý (thế kỷ XII) lưu giữ tại Chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên), Thành bậc lan can thời Lý (thế kỷ XII), Mô hình kiến trúc nhà đất nung thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc (thế kỷ XVI) lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ (thế kỷ XVII) lưu giữ tại di tích Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định).

Học sinh Trường Mầm non Hồng Ngọc, phường Trần Quang Khải (thành phố Nam Định) trải nghiệm tìm hiểu tại Bảo tàng tỉnh.
Ảnh: Vân Thi

Học sinh Trường Mầm non Hồng Ngọc, phường Trần Quang Khải (thành phố Nam Định) trải nghiệm tìm hiểu tại Bảo tàng tỉnh.

Hai Bảo vật quốc gia Tượng Phật A Di Đà và Thành bậc lan can thời Lý là các hiện vật được khai quật từ những năm 1966-1967 tại núi Ngô Xá, Khu di tích Đình - Chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên). Tượng Phật A Di Đà được làm bằng chất liệu đá cát nguyên khối, gồm 2 phần: tượng (cao 92cm) và bệ tượng (cao 108cm). Trong đó, tượng được sơn thếp vàng, tạc dáng hình nam giới, ngồi trong tư thế thiền định, cổ cao 3 ngấn, khuôn mặt hình trái xoan, sống mũi thẳng, tóc xoắn ốc, đỉnh đầu có u nổi (nhục khấu). Đầu và thân tượng được ghép với nhau bằng mộng. Thân tượng thon, bụng mảnh dẹt, mặc pháp y với 2 lớp áo mỏng bó sát người, xếp thành nhiều nếp. Thân tượng liền khối với cổ bệ hình tròn dẹt, xung quanh chạm nổi 2 con sư tử miệng ngậm chung 1 hòn ngọc, đuôi chụm nâng hình lá đề. Bệ tượng gồm 2 phần: đài sen chạm nổi hình đôi rồng chầu và chân bệ bát giác chạm các họa tiết: rồng, hoa cúc, sóng nước. Tượng Phật A Di Đà được thờ tự tại Chùa Ngô Xá là một trong 2 pho tượng Phật thời Lý bằng đá còn nguyên vẹn của Việt Nam tính đến nay, không chỉ có giá trị đặc biệt về nghệ thuật chạm khắc thời Lý mà còn là minh chứng đặc biệt để nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Lý và vị thế, kiến trúc của Phế tích Bảo Tháp Chương Sơn.

Thành bậc lan can bằng đá (tay vịn thành bậc) có dáng hình hộp (dài 205cm, cao 46cm, dày 17cm), 1 đầu vuông cạnh, 1 đầu góc nhọn vát lên trên. Bố cục trang trí của bảo vật được chia làm 2 phần: Phần trên 2 mặt chạm nổi hình 14 vũ nữ (mỗi bên 7 vũ nữ) trong tư thế múa dâng hoa. Phần dưới, một mặt chạm kín hình hoa sen xen kẽ hoa cúc cách điệu uốn lượn cùng hình dấu hỏi và hoa văn tay mướp. Mặt còn lại khớp với bậc lên xuống, vì vậy hoa văn được trang trí ở khoảng trống giữa mỗi bậc và đề tài giống với mặt trước. Thành bậc lan can là hiện vật gốc, độc bản có niên đại thời Lý duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Qua các đề tài hoa văn trang trí trên Thành bậc lan can, nhất là hình tượng người, đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị về nghệ thuật tạo hình, tư duy thẩm mỹ, về trang phục, trang sức, nghề thủ công chạm khắc truyền thống; đồng thời phản ánh mối quan hệ, sự giao lưu, ảnh hưởng văn hoá giữa quốc gia Đại Việt thời Lý với các nền văn hoá lớn như: Chăm Pa, Trung Quốc, Ấn Độ trong lịch sử.

Mô hình kiến trúc nhà đất nung thời Trần là hiện vật được người dân thôn Lời, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) khai quật năm 1973 tại khu Lăng Chiếng. Mô hình là tác phẩm nghệ thuật có kiến trúc độc đáo, hoàn chỉnh gồm 14 mảnh ghép chi tiết theo bố cục “Nội công ngoại quốc”, hình chữ nhật (dài 100cm, rộng 95cm). Bên ngoài là tường vây, phía trước là cổng, chính giữa tường sau là toà nhà 4 mái. Kế tiếp là 2 dãy nhà dạng ống chạy dọc vuông góc. Bên phải là nhà bia, bên trái là tháp mộ. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học thì đây là mô hình nhà thời Trần có niên đại cách đây hơn 700 năm, được chế tác hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Điểm độc đáo của mô hình là vẫn giữ nguyên trạng kiến trúc gốc về hình dáng các chi tiết: cột, trụ, xà, đấu, vì, kèo… và được trang trí tỉ mỉ, thiết kế tinh xảo với nhiều hoa văn chủ đạo như: lá đề, hoa cúc, hình rồng, sóng nước mà không một mô hình nhà nào ở Việt Nam có được. Mô hình giúp các nhà nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng và người dân hiểu thêm về giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc thời Trần, cụ thể là các công trình kiến trúc: nhà ở, dinh thự, tôn giáo, góp phần làm sáng tỏ sự giao thoa văn hóa Việt Nam - Trung Quốc qua các chi tiết ngói cánh sen đơn, kép thuần Việt kết hợp với ngói ống mang đặc trưng phương Bắc.

Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc là hiện vật được sưu tầm tại Đình Cự Trữ và Chùa Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh). Đây là những bảo vật gốc, độc bản về số lượng, hình thức, phong cách nghệ thuật, niên đại. Chân đèn đến nay là hiện vật duy nhất thời Mạc ở Việt Nam có đầy đủ các bộ phận hợp thành gồm: chân đế, thân đèn, cổ đèn, được hoàn thiện tỉ mỉ, nhấn nổi đa dạng các đề tài trang trí: rồng, phượng, hoa thị, lá đề, cánh sen, chữ Hán. Giống như bộ chân đèn, lư hương cũng là tiêu bản duy nhất có hình thức, hoa văn trang trí cầu kỳ, tinh xảo khác với các lư hương niên đại cùng thời. Cả 2 hiện vật này tuy có nguồn gốc khác nhau nhưng đều được sản xuất ngày 20-8 năm Hưng Trị 3 (1590). Căn cứ hoa văn trang trí, chữ Hán, đặc điểm về hình dáng, niên đại ghi trên hiện vật không chỉ là cơ sở quan trọng để nhận biết phong cách tạo hình, nghệ thuật trang trí đặc trưng của thời Mạc, thế kỷ XVI mà còn là cơ sở để đối chiếu, so sánh, xác định niên đại cho các hiện vật khác.

Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ là bảo vật được thờ tự tại Thượng điện Chùa Phổ Minh, gồm 3 pho tượng: Tổ Đệ Nhất - Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Tổ Đệ Nhị - Pháp Loa Thiền sư, Tổ Đệ Tam - Huyền Quang Thiền sư. Hiện trạng của bộ tượng còn nguyên vẹn, chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng lộng lẫy, mỗi pho tượng có trọng lượng khoảng 150kg. Mỗi pho tượng được tạo tác tư thế khác nhau; trong đó, tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông tạc trong tư thế nhập Niết bàn, tượng Pháp Loa tạc trong tư thế ngồi thiền, tượng Huyền Quang tạc trong tư thế ngồi trên bệ, 2 bàn tay thiết ấn đã tạo thành Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ độc đáo, hoàn mỹ. Theo các chuyên gia nghiên cứu, bức tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là tác phẩm có giá trị cao cả về mỹ thuật, sử học lẫn tư tưởng. Ngoài giá trị hiện vật gốc độc bản, hình thức độc đáo, Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ còn gắn với lịch sử hình thành, tồn tại của Chùa Tháp - ngôi cổ tự linh thiêng nằm trong khu vực Hành cung Thiên Trường, công trình văn hóa, kiến trúc nổi tiếng của Trấn Sơn Nam Hạ xưa. 

Các bảo vật quốc gia này hiện đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh và các di tích trên địa bàn tỉnh đang ngày càng phát huy giá trị trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của quê hương./.

Bài: Khánh Dũng
Ảnh: Vân Thi
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com