Những người lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống ở Nam Giang

08:30, 19/04/2024

Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) là vùng đất cổ còn bảo lưu nhiều di tích, lễ hội, loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống; trong đó tiêu biểu là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Chùa Đại Bi và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Chùa Đại Bi. Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiều người dân thị trấn Nam Giang đã tích cực tham gia công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quảng bá di sản quê hương.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trùm trưởng Hội rối Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trùm trưởng Hội rối Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).

 

Người đam mê viết sử

 

Ở tổ dân phố (TDP) 8, thị trấn Nam Giang, người dân quen gọi ông Đàm Mạnh Thường (69 tuổi) là “nhà sử học Chùa Đại Bi” bởi ông đã dành hàng chục năm nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu liên quan đến ngôi cổ tự quê hương. Khi học ở Trường cấp 3 Lý Tự Trọng, cậu học trò Thường đã có niềm đam mê đặc biệt với môn lịch sử. Năm 1974, thanh niên Đàm Mạnh Thường lên đường nhập ngũ, sau đó công tác tại Quân khu Thủ đô, đến năm 1988 nghỉ chế độ bệnh binh hạng 2, tỷ lệ mất sức 68%. Ông Thường cho biết: “Những ngày trong quân ngũ, nhớ tới quê hương là tôi nhớ về Chùa Đại Bi. Nhà tôi ở gần chùa, tuổi thơ của tôi cùng với các bạn lớn lên bên chùa với những trò chơi kéo co, đánh đáo…”. Những ký ức tuổi thơ đã thôi thúc ông Thường nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu lịch sử về Chùa Đại Bi. Từ năm 2008-2022, ông Thường được bầu giữ cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Nam Giang, phụ trách về tôn giáo; từ đó ông có điều kiện hiểu sâu hơn về lịch sử hình thành của di tích và những nghi lễ truyền thống trong lễ hội.

Nhiều năm góp nhặt tư liệu, năm 2010, ông Đàm Mạnh Thường cùng tác giả Đàm Hợi viết cuốn sách “Chùa Bi và chợ Viềng Xuân Nam Trực” in và phát hành năm 2010. Cuốn sách sơ lược về Thánh phả Chùa Đại Bi, thân thế Thiền sư Từ Đạo Hạnh, quả chuông Chùa Đại Bi, Hội Chùa, hát rối chùa, vật chầu Thánh… Sau khi cuốn sách ra đời, ông đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa trong và ngoài tỉnh. Sau 13 năm bổ sung tư liệu, nhờ các dịch giả dịch văn bia, câu đối, đại tự, sắc phong…, năm 2023 cuốn sách “Lịch sử Chùa Đại Bi - Chợ Viềng Xuân” của tác giả Đàm Mạnh Thường được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Cuốn sách có 180 trang được chia thành 2 phần “Chùa Đại Bi: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia” và “Hội chợ Viềng Xuân Nam Giang”. Trong đó, từ trang 21 đến trang 136, tác giả tập trung phân tích thần phả, nêu rõ cuộc đời, sự nghiệp của Đại Thánh tổ Từ Đạo Hạnh gắn với Quốc sư Nguyễn Minh Không; lịch sử kiến trúc nghệ thuật Chùa Đại Bi; giới thiệu tiểu sử, nguồn gốc của từng tượng phật; giá trị quả chuông Chùa Đại Bi; Lễ hội Chùa Đại Bi và nghệ thuật “múa rối Ổi lỗi”.

Bên cạnh đó, tác giả làm rõ các luận cứ về bia và tháp thờ nơi để mộ Đại Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh; giới thiệu nguồn gốc, sự ra đời của Phủ Mẫu ở Chùa Đại Bi… Tác giả cũng nêu các dẫn chứng Hội chợ Viềng Xuân Nam Giang mang nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của Nam Định, trong đó, dẫn giải các nội dung văn bia cổ để làm rõ hơn nguồn gốc của chợ Viềng Xuân. Cùng với những luận giải và phân tích khoa học dựa trên các tài liệu lịch sử, hiện vật tại chùa, tác giả Đàm Mạnh Thường còn dày công đối chiếu, tham khảo hàng chục đầu sách có liên quan được ấn hành từ các nhà xuất bản uy tín nhằm khớp nối chính xác các mốc thời gian, sự kiện lịch sử. Cuốn sách của tác giả Đàm Mạnh Thường hiện được lưu giữ tại Chùa Đại Bi và nhiều tủ sách cộng đồng ở thị trấn Nam Giang là một trong những tài liệu quý để du khách thập phương, người dân địa phương hiểu hơn về giá trị ngôi cổ tự “tiền Phật, hậu Thánh”. Bên cạnh đó, cuốn sách là tư liệu tham khảo quan trọng để các nhà khoa học có góc nhìn tổng quát về giá trị lịch sử văn hóa, lễ hội Chùa Đại Bi.

 

Nặng lòng bảo tồn múa rối cạn

 

Múa rối đầu gỗ Chầu Thánh (múa rối cạn Ổi lỗi) là loại hình nghệ thuật độc đáo gắn liền với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Chùa Đại Bi. Ông Nguyễn Tiến Dũng (69 tuổi), Trùm trưởng Hội rối Chùa Đại Bi hiện là một trong số ít người còn lưu giữ thực hành đầy đủ các kỹ năng ca - vũ - nhạc của loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống 4 đời tham gia nghệ thuật múa rối Chầu Thánh ở Chùa Đại Bi. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, với tâm nguyện tiếp nối truyền thống gia đình, năm 1982 ông Dũng làm lễ Thánh xin gia nhập hội rối Chùa Đại Bi. Tư chất thông minh lại là con nhà nòi nên chỉ mất khoảng 1 tháng, ông đã học thuộc toàn bộ lời ca trong cuốn sách “Kinh thánh hát rối Chùa Đại Bi” và chỉ 5 năm sau, ông là kép chính của Hội. Là người có uy tín trong cộng đồng

dân cư ở địa phương, từ năm 2001 đến năm 2004 ông là Trưởng ban quản lý di tích thôn Vân Chàng; sau đó tham gia Ban quản lý di tích Chùa Đại Bi. Từ năm 2015 đến nay, ông được giao phụ trách Hội rối Chầu Thánh Chùa Đại Bi hiện có trên 40 thành viên thuộc 3 thôn Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba. Gánh vác trọng trách trùm trưởng, ông luôn nêu cao trách nhiệm gìn giữ nghệ thuật truyền thống quê hương. Ông thường xuyên gặp gỡ các hội viên cao niên trong hội để tiếp tục học hỏi, ghi chép, sưu tầm các tài liệu về múa rối Chầu Thánh.

Để chuẩn hóa lời ca theo văn tự cổ và để các hội viên mới dễ tiếp cận lời ca, ông nhờ người dịch lại các chữ Hán - Nôm trong cuốn sách “Kinh thánh hát rối Chùa Đại Bi”. Các con rối của các kiểu rối cạn khác gọi là “quân rối” hay “con trò”, riêng quân rối Ổi lỗi được gọi là “Thánh tượng”. Mỗi khi lấy tượng ra biểu diễn (thường ngày cất trong hòm đặt ở giữa chùa, sau gian chính thờ Phật), các cụ trong hội rối phục trang áo the khăn xếp, thắp hương cúng lễ cẩn thận. Vậy nên, để tạo điều kiện cho các hội viên mới trong hội luyện tập thường xuyên, ông Dũng đã nghiên cứu chế tạo đầu rối có trọng lượng tương đương với đầu rối được thờ ở Chùa Đại Bi. Là người nắm vững về nghệ thuật múa rối đầu gỗ Chầu Thánh, ông đã trực tiếp truyền dạy kỹ năng biểu diễn cho gần 20 hội viên, nhờ đó nghệ thuật múa rối đầu gỗ vẫn bảo lưu được 26 bài, 32 làn điệu. Ông còn giúp nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khai thác các tư liệu, cách thức thực hành múa - hát rối trong nghi lễ tại Chùa Đại Bi, từ đó thêm tư liệu thực tiễn cho các công trình nghiên cứu khoa học về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Ông cũng được mời tham gia nhiều hội thảo khoa học về múa rối đầu gỗ Chầu Thánh. Từ năm 2016 đến nay, Ban quản lý di tịch lịch sử Chùa Láng (Hà Nội) thường xuyên mời Hội rối đầu gỗ Chầu Thánh Chùa Đại Bi biểu diễn tại lễ hội, nhờ đó nghệ thuật hát rối đầu gỗ Chùa Đại Bi dần được quảng bá rộng khắp đến nhân dân cả nước.

Năm 2020, lễ hội Chùa Đại Bi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là động lực để những người dân như ông Đàm Mạnh Thường và ông Nguyễn Tiến Dũng tiếp tục tham gia công tác bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống quê hương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com