Thênh thang đường về quê mẹ

08:26, 12/04/2024

Chuyến xe khách buổi cuối ngày chỉ còn thưa thớt vài ba người. Hầu như ai cũng trong tình trạng uể oải, ngái ngủ sau chuyến đi dài. Cũng phải thôi, lên xe từ sáng sớm, nhá nhem tối mới về được nhà, ngồi xe lâu đến độ “oải” hết người, chẳng ai còn buồn bắt chuyện với ai. Xe chuẩn bị đổ dốc, bác tài quay lại, giọng tỉnh queo thông báo, còn 3km nữa là về nhà rồi nhé. Chữ “về nhà” lập tức như liều thuốc “kích thích” trí não người trên xe. Vội vàng mở cửa xe, gió đại ngàn thốc vào mặt, “đuổi” cơn buồn ngủ của Thương đi xa. Gần 2 năm mới có dịp về nhà, cảnh vật trước mắt cô vừa thân thuộc lại vừa có chút xa lạ, ngỡ ngàng.

Vẫn là bạt ngàn cây với những tán lá rậm, xanh biếc hứng trọn ánh nắng trưa hè gay gắt. Trong rừng cây này, Thương cùng lũ trẻ trong xóm bày đủ trò nghịch ngợm, là chỗ cứu đói suốt những năm thơ bé. Cái cây chò chỉ cao nhất rừng này là chỗ “tỉ thí” của đám trẻ cả xóm Thương. Để rồi, không thiếu những đứa ngã chỏng vó, thậm chí bị gãy tay, chân. Cũng chính khu rừng quanh năm xanh mát này còn là chỗ cho Thương trút mọi buồn bực, tủi hờn mỗi khi bị la mắng. Gió rừng vút vi, lá rừng reo vẫy mỗi khi cô gái nhỏ chạy ù vào rừng để “giải toả”, kể lể. Khóc chán thì nào táo dại, dâu rừng, mâm xôi… sẽ làm cổ họng của Thương dịu mát lại. Chưa muốn về nhà ngay, thảm lá cây dày, sạch sẽ là chỗ cho cô nghỉ ngơi. Ngày qua ngày, mùa qua mùa, rừng già đi, Thương thì lớn lên, gắn bó, mến thương.

Xe dừng lại ở cuối dốc, lẫn giữa tiếng động cơ xa dần có tiếng róc rách êm nhung của con suối nhỏ chạy ngang sau lưng nhà Thương. Dòng suối này đã miệt mài chảy suốt tháng năm, vỗ ru giấc ngủ của bao đứa trẻ, xoa dịu cơn khát nóng của dân làng những ngày đi rừng vất vả. Vào những ngày hè, các cô gái nõn nà trong làng xoã tóc gội đầu ở đầu suối làm đám trai trẻ mắt ngẩn ngơ, trái tim loạn nhịp. Chính ở con suối này, bố mẹ Thương gặp nhau lần đầu, trao lời thề hẹn và xây đắp nên một gia đình đủ đầy, trọn vẹn. Cũng chính ở đầu con suối, ngày Thương rời quê, bóng bố mẹ đứng trông theo ngày một nhỏ dần, nhoè lẫn trong dòng nước bạc. Tiếng suối lớn dần thì ngôi nhà ngói 5 gian đã ở trước mắt Thương. Làn sương mỏng buổi tối ôm trọn bóng điện vàng đục. Dưới ánh đèn ấm áp, cả nhà quây quần bên mâm cơm đợi Thương. Cô không nghe rõ những gì mọi người nói, chỉ thấy mẹ chạy ào ra xoa đôi bàn tay tê lạnh thấm sương đêm, em trai gỡ ba lô xuống còn bố thì hỉ hả, lâu không về, con gái tôi lớn hẳn lên rồi… 

Thành phố xa hoa và náo nhiệt, thành phố là những ngày mưu sinh bận rộn liên miên, đặc biệt với những cô gái tỉnh lẻ như Thương. Để rồi cô lần lữa mãi với những cuộc điện thoại hẹn ngày về. Có nhiều đêm, trong cơn mơ Thương thấy mình ở nhà, được mẹ nấu canh rau đắng mà vị ngọt lưu lại mãi đầu lưỡi. Và mặc dù mai là chủ nhật nhưng sau cả tuần làm việc quần quật, Thương chỉ muốn nghỉ ngơi. Cứ thế một năm qua đi nhanh hơn chớp mắt. Cho đến hôm nay, cô quyết định về nhà vì “quá tải” với chính bản thân, cảm thấy nghèn nghẹn khi nghe loáng thoáng ai đó nói, nhà là nơi để về. Vùi mặt trong chăn ấm, dưới mái nhà an yên, Thương hình như đang vụng về giấu đi những giọt nước mắt. Cô tự hứa, nhắc mình, nhà là nơi để về./.

Nguyễn Hoa Xuân 
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com