Nâng cao chất lượng công tác văn học thời kỳ mới

07:55, 22/03/2024

Văn học có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển văn hóa, con người, thể hiện khát vọng hướng tới các giá trị “chân, thiện, mỹ”, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. Nam Định từ lâu được biết đến là “đất học, đất văn” với các thế hệ nhà văn, nhà thơ nổi tiếng có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền văn học quốc gia. Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, các phương tiện truyền bá ngày càng hiện đại, văn học Nam Định đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXII-2024 do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức.
Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXII-2024 do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức.

Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh hiện có 265 hội viên sinh hoạt ở 7 bộ môn chuyên ngành, gồm: văn xuôi, thơ, nghiên cứu - phê bình, âm nhạc - múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu. Trong đó, đội ngũ sáng tác, dịch thuật văn học có 85 tác giả; đội ngũ quản lý, phê bình văn học có 26 tác giả. Lực lượng văn nghệ sĩ ngày càng phát triển, được trẻ hóa, có năng lực, tâm huyết với nghề. Công tác xây dựng, đào tạo những “cây bút trẻ” có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được quan tâm, dần trở thành lực lượng kế cận, bổ sung cho Hội VHNT tỉnh. Hàng năm, Hội VHNT tỉnh cử nhiều hội viên tham dự các trại sáng tác VHNT do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT (Bộ VH, TT và DL), Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các hội chuyên ngành của Trung ương và các bộ, ban, ngành tổ chức; tổ chức nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ cho hội viên; mở các trại sáng tác VHNT tại thành phố Đà Nẵng và các địa phương: Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), đường Tuần tra biên giới cho trên 100 văn nghệ sĩ thuộc 7 chuyên ngành; mở trại sáng tác VHNT về đề tài xây dựng nông thôn mới ở các huyện trong tỉnh, thu hút trên 200 hội viên tham gia. Các chuyến đi thực tế tại các trại sáng tác không chỉ là dịp để các tác phẩm VHNT được “thai nghén”, hoàn thiện mà còn là cơ hội để các văn nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ, học hỏi vốn kinh nghiệm quý báu cũng như tiếp thêm nguồn năng lượng cho đam mê sáng tạo.

Nhằm phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của VHNT và của đội ngũ nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, cùng với nỗ lực của đội ngũ văn nghệ sĩ, ngành VH, TT và DL tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác văn học trong tình hình mới, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Sở VH, TT và DL đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nghị quyết, kết luận của Trung ương về hoạt động văn học tới các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, Hội VHNT tỉnh, Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố với nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, tập trung tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Tiếp tục xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”; Nghị quyết 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Việc hỗ trợ các hoạt động văn học được tổ chức thường xuyên nhằm động viên đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh sáng tác những tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay, tỉnh đã tổ chức phát động Cuộc thi sáng tác về VHNT chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phát động hưởng ứng tham gia Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng). Tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện phát huy khả năng sáng tạo văn học đối với các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình, nhất là các cây bút trẻ; khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện của văn học, bám sát thực tiễn cuộc sống, gắn bó với nhân dân.

Song hành cùng sự vận động và phát triển của quê hương, đất nước, văn học Nam Định luôn bám sát thực tiễn, phát hiện và phản ánh đa dạng các đối tượng, các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực; các tác phẩm văn học không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào. Những năm gần đây, Hội VHNT tỉnh đã phối hợp với các hội chuyên ngành của Trung ương tổ chức thành công các cuộc trưng bày, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh quy mô cấp tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng tại Nam Định; đầu tư kịch bản, dàn dựng các vở diễn tham dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc; tổ chức Ngày Thơ Việt Nam (dịp Tết Nguyên tiêu - rằm tháng Giêng) với các chủ đề: “VHNT đồng hành cùng đất nước”, “Hướng về biên cương Tổ quốc”, “Bản hòa âm đất nước”… Hàng năm, Hội VHNT tỉnh tổ chức các đợt phát động sáng tác văn học tại các câu lạc bộ, chi hội cơ sở, thu hút sự tham gia của hàng trăm hội viên là người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Tạp chí Văn nhân là tạp chí chuyên ngành của Hội VHNT tỉnh thường xuyên đăng các tin, bài tuyên truyền kịp thời các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương; đồng thời quảng bá, giới thiệu các tác phẩm VHNT mới đến đông đảo độc giả trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, Hội VHNT tỉnh có hàng trăm tác phẩm, công trình sáng tác của các hội viên được công bố rộng rãi tới công chúng. Trong thời gian qua đã có 80 đầu sách của 7 bộ môn được xuất bản, gần 40 nghìn cuốn tạp chí được phát hành tới các hội viên và bạn đọc trên cả nước. Hội VHNT tỉnh còn phối hợp với Sở GD và ĐT, Tỉnh Đoàn mở trại sáng tác văn học cho thanh thiếu niên nhằm đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tài năng, sở trường trong lĩnh vực văn học. Bên cạnh đó, thông qua phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, nhiều tổ, đội, câu lạc bộ thơ ca ra đời, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, đam mê sáng tác cho những người yêu văn học.

Để VHNT Nam Định xứng tầm với sự phát triển của tỉnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, trước hết, bản thân những người làm công tác văn học và các tổ chức hội, chi hội lĩnh vực VHNT tỉnh cần tiếp tục nêu cao tinh thần, nhận thức về vai trò, nhiệm vụ quản lý, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học; từ đó nỗ lực, phấn đấu, cống hiến cho sự phát triển VHNT tỉnh nhà. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, giáo dục chính trị, tư tưởng để hội viên nắm bắt được các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, về văn hoá, VHNT nói riêng, làm nền tảng cho tư duy, cảm xúc trong sáng tác, tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao về tư tưởng, nội dung, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng đội ngũ sáng tác, lý luận, phê bình văn học có kinh nghiệm, tài năng, tâm huyết. Huy động nguồn lực xã hội hoá trong các hoạt động văn học. Cùng với đó, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện, đầu tư hơn nữa từ phía các cấp, các ngành và toàn xã hội như: duy trì, tăng cường các hoạt động hỗ trợ sáng tác văn học; tôn vinh các văn nghệ sĩ có cống hiến lâu dài và hiệu quả cho đời sống VHNT tỉnh; xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý cho những người tham gia với vai trò “không chuyên” nhưng hoạt động thường xuyên, có nhiều đóng góp cho nền văn học Nam Định./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com