Đưa nguồn sách báo, tài liệu chất lượng đến với bạn đọc

06:10, 15/03/2024

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xây dựng Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Đề án), triển khai rộng rãi trên 63 tỉnh, thành phố. Tại Nam Định, sau 15 năm (2009-2023) thực hiện Đề án đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của sách trong đời sống xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu nghiên cứu, tham khảo, học tập của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc vận dụng vào quá trình thực thi nhiệm vụ, thực tiễn quản lý, lãnh đạo và lao động sản xuất xây dựng quê hương.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu sách trong Ngày Sách và Văn hóa đọc (21-4) tỉnh năm 2023.
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sách trong Ngày Sách và Văn hóa đọc (21-4) tỉnh năm 2023.

Để thực hiện hiệu quả Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn, chuyển giao kịp thời các đầu sách của Đề án đến các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về sách và văn hóa đọc để phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng gắn với sự kiện Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam (21-4). Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn sách được trang bị phù hợp thực tiễn từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong 15 năm qua, tỉnh đã nhận được hơn 500 đầu sách (sách giấy và sách điện tử), đĩa DVD, CD theo phân bổ của Đề án. Theo đánh giá của các cơ quan, đơn vị, địa phương được tiếp nhận,

các ấn phẩm được cung cấp theo Đề án đã cơ bản bám sát yêu cầu thực tiễn tại cơ sở, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, thể loại như: về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; về cuộc đời, sự nghiệp, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phổ biến chính sách pháp luật; các kỹ năng quản lý Nhà nước; lịch sử, văn hoá, xã hội các vùng miền; tín ngưỡng, tôn giáo; phổ biến kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp; các kiến thức phổ thông, chăm sóc sức khoẻ các lứa tuổi; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội cấp xã, phường, thị trấn; các mô hình sinh kế giúp nông dân giảm nghèo; đặc điểm, tình hình các nước và một số lãnh thổ trên thế giới… Nội dung sách được biên soạn ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, nhất là sách cẩm nang, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ, sách hỏi đáp, phù hợp yêu cầu của cơ sở, được bạn đọc đón nhận. Trong đó, sách phổ biến pháp luật phục vụ kịp thời việc giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh ở cơ sở như: quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư cấp xã, phường, thị trấn; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo… Sách cẩm nang, hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp những kỹ năng tác nghiệp cần thiết để xử lý công việc hàng ngày của cán bộ cơ sở. Những đầu sách về các đề tài như: bí quyết làm giàu từ chăn nuôi; hướng dẫn nhà nông làm giàu; những điều cần biết khi chung sống với điện; thuốc thường dùng; hướng dẫn tổ chức một số trò chơi dân gian trong các lễ hội… là tư liệu thiết yếu góp phần nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức, ứng dụng vào quá trình thực thi nhiệm vụ chuyên môn, vận dụng vào thực tiễn quản lý, lãnh đạo của cán bộ, đảng viên và cuộc sống hàng ngày của nhân dân.

Sau khi tiếp nhận sách, các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã kịp thời xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng và bảo quản sách hợp lý; quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu sửa các địa điểm đặt sách. Đến nay, các thư viện, trung tâm chính trị các huyện, thành phố, các đồn, trạm biên phòng và các xã, phường, thị trấn đều có tủ sách dùng chung, tủ sách pháp luật. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều dành vị trí thuận lợi để đặt tủ sách như: Văn phòng Đảng ủy, HĐND, UBND, Trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, bưu điện văn hóa xã; một số nơi bố trí phòng đọc riêng với đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị như: bàn, ghế, hệ thống máy tính, âm thanh, ánh sáng, bút, giấy… để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các địa phương, đơn vị đã xây dựng quy chế, nội quy quản lý, khai thác và sử dụng, quản lý sách theo hệ thống; phân loại các ấn phẩm, đầu sách đảm bảo khoa học, thuận lợi khai thác, tìm kiếm như: tủ sách Nhà nước và pháp luật; tủ sách về công tác xây dựng Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; tủ sách về văn hóa - xã hội; tủ sách về Bác Hồ…; đồng thời tổ chức hướng dẫn để cán bộ, đảng viên và nhân dân tra cứu tư liệu phục vụ công việc, cuộc sống.

Học sinh Trường THCS Hồng Thuận (Giao Thủy) đọc sách tại Thư viện nhà trường.
Học sinh Trường THCS Hồng Thuận (Giao Thủy) đọc sách tại Thư viện nhà trường.

Qua thực tế cho thấy, đối tượng sử dụng khai thác tủ sách này khá đa dạng. Ở các xã, phường, thị trấn tập trung vào lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, người cao tuổi, học sinh và một bộ phận người dân làm nông nghiệp. Tại trung tâm chính trị các huyện, thành phố là cán bộ, giảng viên, học viên; tại thư viện các huyện, thành phố, chủ yếu là cán bộ hưu trí, học sinh; các đồn, trạm biên phòng là cán bộ, chiến sĩ. Việc trang bị sách của Đề án tới các đơn vị cơ sở đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao, đáp ứng sự mong mỏi của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc tìm hiểu kiến thức về các lĩnh vực đời sống xã hội; đồng thời thông qua Đề án đã cung cấp nguồn thông tin chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nhiều địa phương trong tỉnh đã có cách làm hay, sáng tạo như: phân công nhiệm vụ cho cán bộ Tư pháp, Tuyên giáo, Văn hóa - thông tin biên tập tin, bài giới thiệu các đầu sách của Đề án; biên soạn tài liệu để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; vận động người con xa quê thành đạt tài trợ, ủng hộ kinh phí bổ sung cơ sở vật chất phục vụ việc đọc và nghiên cứu sách; vận động Hội Cựu chiến binh tham gia tuyên truyền về tủ sách, đảm nhiệm quản lý, sử dụng sách… Xã Hải Bắc (Hải Hậu) hiện có 31 tủ sách cơ sở. Sau khi tiếp nhận sách từ Đề án, cán bộ văn phòng xã cập nhật đầu sách, phân loại sách về cơ sở cho người quản lý tủ sách cơ sở. Tại các cơ sở, giao chi Hội Cựu chiến binh xóm quản lý tủ sách, xây dựng lịch phục vụ nhân dân đọc sách từ 14 giờ đến 17 giờ 30 phút, từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần; ngày thứ bảy, chủ nhật mở cửa cả ngày. Hình thức gồm: đọc sách tại chỗ và cho mượn sách mang về nhà, có lập sổ quản lý theo dõi mượn, trả nhằm duy trì đầu sách. Tại các buổi sinh hoạt chi bộ, hội nghị của các đoàn thể... người đứng đầu cấp ủy, chính quyền lựa chọn những bài viết hay, những tác phẩm, nội dung cốt lõi về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, gương người tốt, việc tốt đưa ra hội nghị trao đổi, cùng nhau thảo luận, tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Tại xã Giao Phong (Giao Thuỷ) cũng tích cực triển khai tủ sách đến nhà văn hoá các xóm. Toàn xã lắp đặt 8 điểm phát sóng wifi công cộng miễn phí chất lượng cao phục vụ người dân truy cập internet, khai thác các đầu sách điện tử của Đề án. Tại huyện Vụ Bản giao trách nhiệm cho đồng chí Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn chỉ đạo, triển khai thực hiện, kiểm tra việc quản lý, khai thác và sử dụng sách của Đề án. UBND các xã, thị trấn bố trí tủ sách, phòng đọc riêng, phân công cán bộ phụ trách, đưa tiêu chí này vào nội dung thi đua hàng năm và xét khen thưởng đối với các cá nhân, đơn vị thực hiện tốt. Ở huyện Ý Yên, từ năm 2018, Hội Doanh nhân huyện tại Hà Nội đã tài trợ tủ sách với hàng trăm đầu sách cho 28 trường tiểu học, THCS trên địa bàn...

Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, người dân có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin trên internet, các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, trên kênh thông tin rộng lớn này, có rất nhiều nguồn thông tin không chính thống, thiếu chuẩn xác, chưa được kiểm chứng. Trên thị trường thì vẫn còn nhiều loại sách, tạp chí có nội dung chưa được biên tập, thẩm định kỹ lưỡng. Do đó, nguồn tài liệu sách được trang bị từ Đề án là nguồn thông tin chính thống, tin cậy của Đảng và Nhà nước nhằm định hướng dư luận; đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com