Huyện Xuân Trường có 42 di tích lịch sử - văn hoá được Nhà nước xếp hạng; trong đó có 12 di tích từ đường được xếp hạng cấp tỉnh. Tiêu biểu như: Từ đường họ Bùi ở xã Xuân Bắc, Từ đường họ Phạm gốc Mạc ở xã Xuân Kiên, Từ đường họ Vũ Cự tộc, họ Đỗ, họ Đoàn ở xã Xuân Vinh, Từ đường họ Phạm ngành 2 ở xã Xuân Ninh… Các di tích từ đường này đều lưu giữ được khối kiến trúc cổ và các lễ nghi truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân.
Lãnh đạo UBND huyện Xuân Trường trao Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa từ đường Họ Bùi xã Xuân Bắc (Xuân Trường). |
Theo các tài liệu lịch sử, từ đường họ Bùi ở xã Xuân Bắc thờ Thủy tổ Bùi Chí Thanh và các vị tổ kế thành. Ông từng đỗ Cống sĩ dưới thời Vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận (năm 1460) và phò giá vua tiến đánh Chiêm Thành (năm 1470). Sau khi trở về, ông được bổ nhiệm làm quan tại phủ Thiên Trường. Năm 1487, ông được triều đình ban chiếu cho về vùng đất Trà Lũ, trấn Sơn Nam, phủ Thiên Trường sinh cơ lập nghiệp. Thủy tổ Bùi Chí Thanh đã chiêu tập dân đinh từ các nơi cùng các dòng họ: Đỗ, Vũ, Lê, Mai, Nguyễn chọn vùng đất phía Bắc bắt đầu công cuộc khai hoang, lập ấp. Ngày mồng 7 tháng 3 năm Canh Thìn (1520), Thủy tổ Bùi Chí Thanh qua đời. Mộ của ông được con cháu dòng họ táng ở phía đông bắc đầu làng. Đến năm 1969, dòng họ đã chuyển lăng của ông về khuôn viên của từ đường. Di tích Từ đường họ Bùi, xã Xuân Bắc được khởi dựng cách đây khoảng 300 năm với mặt bằng kiến trúc kiểu chữ công, bộ khung bằng gỗ lim chạm khắc tinh xảo, tường xây gạch, mái lợp ngói nam. Năm Đinh Hợi (1827), sau khi khởi nghĩa Phan Bá Vành thất bại, từ đường họ Bùi và các công trình tôn giáo tại đất Trà Lũ bị phá hủy. Đến năm Nhâm Dần (1842), con cháu dòng họ đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng lại từ đường với quy mô như hiện tại. Từ đó đến nay, từ đường đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn đảm bảo kiến trúc truyền thống. Từ đường tọa lạc trên khu đất có diện tích rộng 1.453m2, mặt quay hướng Tây. Trên mặt bằng tổng thể, từ đường gồm các hạng mục: Cổng, sân, lăng tổ, nhà khách và công trình kiến trúc chính. Tại di tích, còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật như: Sắc phong, ngai thờ, tượng thờ, câu đối... Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, từ đường họ Bùi có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử cách mạng của địa phương trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 1960 đến năm 1975, từ đường là nơi học tập, huấn luyện và đặt kho vũ khí của dân quân tự vệ xã Xuân Bắc, đồng thời là nơi thường trực của Ban Chỉ huy Quân sự xã. Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc (1965-1972), từ đường họ Bùi trở thành địa điểm tiễn đưa con em dòng họ lên đường đánh giặc bảo vệ Tổ quốc. Tổng kết qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở địa phương, dòng họ Bùi có nhiều người con lên đường nhập ngũ. Trong đó, có 36 liệt sĩ, 1 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhiều cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen các loại.
Lễ rước Bằng di tích lịch sử văn hóa từ đường họ Bùi xã Xuân Bắc (Xuân Trường). |
Xã Xuân Vinh có 3 di tích từ đường được xếp hạng cấp tỉnh là Từ đường họ Vũ Cự tộc, họ Đỗ, họ Đoàn. Từ đường họ Vũ Cự tộc thờ thuỷ tổ Vũ Phúc Diễn - người có công khai khẩn mảnh đất Bình Cư (nay là xã Xuân Ngọc). Từ đường được xây dựng năm Quý Mão (1843). Ban đầu ngôi từ đường có 5 gian, đến năm Bính Tý dưới triều Vua Tự Đức, con cháu trong dòng họ đóng góp tiền của xây dựng thêm 3 gian trung đường. Năm Khải Định thứ 10 (1925), từ đường được xây dựng thêm toà hậu cung tạo thành tổng thể công trình kiến trúc độc đáo. Hiện nay, từ đường có diện tích 2.423m2, mặt quay hướng Nam gồm nhiều hạng mục như: nghi môn, nhà khách, lăng mộ, sân và công trình trung tâm. Nghi môn được xây dựng khang trang 3 cổng, trang trí hoạ tiết nghê chầu, nhấn nổi câu đối bằng chữ Hán có nội dung ca ngợi công lao của thuỷ tổ. Tiền đường được xây dựng với chất liệu bê tông, cốt thép 2 tầng. Cổ đẳng nối mái tầng trên với mái tầng dưới được chia thành các khoang hình chữ nhật, trong đó khoang giữa nhấn nổi 3 chữ Hán “Vũ linh từ”, hai khoang bên đắp nổi rồng, phượng chất liệu vôi vữa. Nối liền tiền đường là trung đường có đặt nhang án, ngai, bát biểu và bát hương thờ các vị công đồng. Hậu cung là nơi đặt tượng thờ thuỷ tổ cùng hệ thống ngai, khám thờ, bài vị của ông và phu nhân cùng 4 người con trai. Nằm bên trái từ đường là nhà khách 3 gian kích thước dài 13,6m, rộng 7m; đây là công trình được xây dựng năm 2012, mái cuốn vòm, lợp ngói nam, nền lát gạch men. Bên phải từ đường là lăng mộ của thuỷ tổ và phu nhân xây theo kiểu cổ đẳng 2 tầng 8 mái. Các hạng mục công trình tại từ đường dù trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng vẫn bảo lưu được nguyên vẹn kiến trúc gốc với dáng vẻ bề thế mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh từ đường họ Ngô, xã Thọ Nghiệp. |
Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa từ đường ở Xuân Trường, con cháu ở các dòng họ đã tự nguyện chung tay góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Cùng với đó, Ban quản lý di tích các từ đường dòng họ đã thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong dịp giỗ tổ. Từ đường họ Bùi xã Xuân Bắc hàng năm diễn ra 2 kỳ lễ chính được tổ chức vào tháng 3 và tháng 12 âm lịch. Trong đó, Lễ kỵ Thủy tổ được tiến hành trong 2 ngày, bắt đầu từ ngày 6 và kết thúc vào ngày 7 tháng 3 âm lịch theo các nghi thức truyền thống. Tại Từ đường họ Vũ Cự tộc xã Xuân Vinh, vào các ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch, con cháu trong dòng họ tổ chức lễ giỗ tổ. Trong ngày giỗ tổ, con cháu trong các dòng họ dù ở xa, gần đều về thắp hương, báo công, tạ ơn tiên tổ, trời đất, tôn vinh công lao to lớn của các cụ tổ đối với quê hương, đất nước, dòng tộc. Vào dịp này, Ban khuyến học - khuyến tài dòng họ tổ chức trao thưởng cho các chi tộc, gia đình và các cá nhân đạt thành tích cao trong sự nghiệp học hành.
Các di tích từ đường ở Xuân Trường hiện nay ngoài việc là nơi thờ tự các vị thủy tổ còn là nơi lưu giữ, trưng bày nhiều tài liệu, hình ảnh hoạt động của dòng họ, qua đó giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu tiếp tục góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị, hiện nay, các di tích từ đường đều có Ban trị sự dòng họ trông coi, bảo vệ, hoạt động dưới sự giám sát của Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa địa phương; chính quyền các cấp và con cháu các dòng họ luôn thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về bảo tồn di sản, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc./.
Bài và ảnh: Viết Dư
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin