Chợ tết quê tôi

08:47, 06/02/2024

Quê tôi nằm ven con sông Hồng quanh năm dạt dào sóng nước. Một miền quê trù phú mướt mát màu xanh cây lá, thấp thoáng xóm làng ẩn hiện cùng sông Ngọc, đường Vàng nổi tiếng một thời. Cuộc sống thay đổi từng ngày, quê tôi cũng thay da đổi thịt hòa theo sự phát triển mạnh mẽ của cả nước nhưng có những phong tục đẹp vẫn được trân trọng, giữ gìn. Phiên chợ Tết quê tôi diễn ra vào ngày 26 tháng Chạp. Cái phiên chợ độc đáo đã đi vào ca dao từ ngàn xưa: “Bỏ con bỏ cháu chứ không bỏ hăm sáu (26) chợ Yên”. Nó cũng là nguồn cảm hứng để thi sĩ Đoàn Văn Cừ sáng tác nên thi phẩm “Chợ Tết” được độc giả bao thế hệ yêu thích. Chợ có từ lâu lắm rồi. Tôi nhớ lần đầu được theo mẹ đi chợ Tết cũng đã cách đây khoảng 40 năm. Cái kí ức đẹp ấy dường như không bị thời gian phủ bụi che mờ. Mỗi khi nhớ về nó, lòng lại nao nao một cảm xúc khó tả. 

Tranh minh họa.

Hai giờ sáng, mẹ gọi dậy rửa mặt, chải đầu,… để đi chợ Tết. Trời tối thui, lạnh buốt nhưng niềm háo hức làm cho những cái đó không còn đáng ngại nữa. Một đoàn người rủ nhau đi. Trẻ con xách đèn chai, người lớn gồng gánh, đội… các đồ hàng mang đi bán. Người già thủng thẳng mang những đồ nhẹ, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Mọi người vừa đi vừa trò chuyện, nói cười rôm rả. Đường xa vui cũng hóa gần. Đội, gánh nặng vui chân rồi cũng quên đi cái mệt. Trên những hướng đường đi về chợ thấp thoáng những ánh đèn, văng vẳng tiếng cười nói, gọi chào nhau í ới.

Chợ hiện ra trước mắt khi trời tang tảng sáng. Hai bên đường ken dày hàng hóa bày bán. Người đông như nêm. Những ánh đèn làm cho khu chợ  khi đó mang một vẻ đẹp huyền ảo khó tả. Hàng trăm cái miệng cười, nói, quát, gọi,… hoà lẫn tiếng gà, lợn, chó, mèo… tạo nên một bản hợp xướng đặc biệt của chợ Tết. Nó ấm áp, sôi động, náo nức đến lạ lùng. Trời sáng dần, khung cảnh chợ hiện ra trước mắt tôi thật choáng ngợp. Cơ man nào là người, trai, gái, già, trẻ, lớn, bé… Dường như người ở các làng gần đây cùng đổ hết ra chợ. Len lách đi lại bằng hai cái chân mà cũng chẳng dễ dàng. Cơ man nào là hàng bán. Từ mớ mùi già, cải bắp, lá dong, khoai tây… cho đến bòng, chuối, đào, quất… Người mua kẻ bán tíu tít. Đấy là trên các nẻo đường đến chợ. Khó nhọc len được vào trong chợ thì một thế giới hấp dẫn mở ra chào đón ta. Những hàng bún, phở… làm mũi ta căng ra bởi những mùi thơm hấp dẫn. Những quà bánh làng quê khiến mắt ta mệt nhoài: bánh gai, bánh nếp, bánh tẻ, bánh giầy… Quần áo, giày dép, cá tôm, thịt, bánh kẹo, mứt… Hàng nối hàng đẹp - thơm - ngon - đông - chật… Người cười, người nói, mời chào mua bán, ăn uống,… Chợ cứ thế ồn ào náo nhiệt tới tận chiều tà thì lại theo chân người đi chợ chia cái không khí rộn rã, háo hức vui tươi ấy về từng ngõ xóm, gia đình.
Cuộc sống đổi thay khấm khá. Chợ mọc khắp nơi, họp hàng ngày, từ sáng tới tối khiến cho phiên chợ Tết ngày nay cũng bớt đi phần đông đúc, náo nhiệt nhưng dư âm của nó vẫn còn lắng đọng trong tâm hồn những người dân quê tôi. Đặc biệt là những người có tuổi và những người đi làm ăn, sinh sống xa quê. Hai mươi sáu tháng Chạp, dù mưa hay nắng, dù ấm hay giá lạnh… vẫn cố chớp chảo ra chợ Yên ngắm nghía, bán mua một ít gì đó lấy may, ăn một món nào đó để cái hồn quê có dịp ngân lên trong tâm tưởng giữa cuộc sống đời thường bộn bề, náo nhiệt, xô bồ!

Đoàn Thị Tâm
(Trường THCS Nguyễn Hiền - Nam Trực)
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com