Mùa Xuân tại Nhà tù Sơn La năm ấy...

08:36, 06/02/2024

Mùa Xuân là khởi đầu cho một năm mới của đất trời, là niềm mong mỏi, háo hức của hết thảy mọi người. Trời đất vào Xuân, lòng người phấn khởi. Còn với những nhà báo cách mạng, tù nhân tại Nhà tù Sơn La, mùa Xuân cũng là thời điểm gắn bọ họ với nhau hơn bao giờ hết, là khoảng thời gian ngắn ngủi đem lại cho họ sự thảnh thơi, tiếng cười sau cả một năm chịu đựng biết bao gian lao, khổ cực, thậm chí là hy sinh, mất mát.

 

 Chuẩn bị đón Tết

Công việc chuẩn bị đón Tết đã bắt đầu từ khoảng tháng Chạp, những tù nhân có gia đình tặng quà hoặc tiền nong thường tự trích ra một ít, gửi ban kinh tế hàng trại để dùng cho ngày Tết. Những anh em khéo chân, khéo tay biết làm nghề thủ công như đẽo guốc, đan rổ rá... bán được tiền cũng nộp vào quỹ kinh tế một phần nhỏ để góp vào việc chuẩn bị chung. Người tù tăng gia rau cỏ, lợn gà cũng khá hơn (họ phải cùng nhau đấu tranh để được tự tăng gia và làm bếp). Trước đó ít lâu, họ đã nhờ nhân dân ngoài phố Chiềng Lề mua sắm hộ cho một số thực phẩm: mứt, kẹo, đường và các nguyên liệu chuẩn bị cho việc nấu ăn ngày Tết.

Các nhà báo Trần Đình Long, Trưởng đoàn kịch Gánh hát Phiêu lưu và Nguyễn Đức Quỳ và một số đồng chí khác thành lập một ban kịch để chuẩn bị cho hai đêm biểu diễn dự kiến vào ngày mồng Một, mồng Hai Tết. Trong khi đó, nhà báo Trần Huy Liệu, Xuân Thủy và Ban Biên tập Báo Suối Reo cũng đang hối hả để chuẩn bị ra một số báo Xuân trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn và nguy hiểm có thể ập đến với họ bất cứ lúc nào.

Thường vào dịp gần Tết, nhân dân ta vẫn có tục lệ sửa sang, quét dọn lại nhà cửa cho khang trang, sạch đẹp thì trong Nhà tù Sơn La cũng vậy, chỉ có điều công việc này được những người tù làm muộn hơn, thường thì vào đêm 30 Tết bởi vì nếu dọn dẹp sớm quá, họ sợ sẽ bị bọ giặc phá rối. Các tù nhân đã bí mật đem vôi trắng và vôi hồng về để quét lên những bức tường hắc ám, tạo nên một không khí Xuân. Ngoài rừng Sơn La rất nhiều hoa đào, người tù đi lao động khổ sai đã bí mật cắt những cành hoa nhỏ cắm vào ống nứa thay cho lọ, treo lên những hàng dây xích trong phòng giam, biến những thứ dùng để trói buộc sự tự do của con người thành thú chơi Xuân. Không những thế, các bức tường còn được các “họa sĩ nhà tù” vẽ lên mình những bức tranh sơn thủy hữu tình, hoa lá đan xen kèm đôi câu đối khắc trên nền ống trúc, treo ngay ở cửa trại lớn:

“Hẹn với non xanh đưa mới lại
Mở toang cửa ngục đón Xuân vào!”.

Tại cửa nhà bếp cũng dán đôi câu đối:

“Khói lửa dập tan, ngày mới đậm đà hương vị mới,
Máu tim sôi sục, Xuân chung tô điểm nước non chung”.

Những cặp câu đối Tết vừa là thú vui, nét tao nhã trong phong tục đón Xuân truyền thống của Việt Nam, và nó cũng là nơi để những người tù cộng sản, những người yêu nước gửi gắm hy vọng, khát khao mãnh liệt về một năm mới tươi sáng hơn với hai chữ Tự Do! Để những trái tim nhiệt huyết ấy còn cống hiến tất cả cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của thực dân đô hộ.

No - Vui hai hôm Tết!

Theo như chương trình đã định, sáng mồng Một, anh em tù nhân vận quần áo sạch sẽ họp mặt mừng Xuân, nói chuyện và ngâm thơ Xuân. Tiếp đến, họ sang thăm và chúc Tết các đồng chí, anh em ở trại ba gian, trại lớn mới và căng.

Tiệc trà đầu Xuân cũng được diễn ra trong phòng giam chật hẹp, ấm cúng này. Những người bồi có cảm tình với cách mạng, cũng là những người anh em thân thiết của bạn tù, nhanh nhảu xách từng ấm cà phê, từng vò rượu đi từng bàn rót vào những bát gáo, những ống bơ hay ống tre thay chén. Sau có cả phần lễ phát thưởng ý thức cho những anh em tù nhân có công lao nhất đối với đời sống sinh hoạt chung của nhà tù. Có những cụ già râu tóc bạc phơ đến những chàng thiếu niên tuổi 17 được mọi người nhấc lên hò reo để cho mọi người biết mặt. 

Bữa cơm của ngày đầu năm mới đối với các tù nhân tại ngục Sơn La thật tươm tất, nếu quanh năm ăn uống kham khổ thì giờ đây, họ được ăn những thức ăn đặc biệt như: miến, măng, lợn, gà tăng gia được. Cả ngày hôm đó, các tù nhân được vui chơi giải trí cho thỏa những ngày tháng cơ cực. Ban kinh tế hàng trại đã tổ chức một Gánh hàng Xuân, bán nhiều mặt hàng cho anh em tù nhân. Nhà báo Xuân Thủy (sau là Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc) là chủ gánh hàng và nhà báo Nguyễn Lam là nhân viên bán hàng. Buổi tối hôm đó, theo lời đề nghị của các tù nhân, bọn Tây đã phải đồng ý cho họ thức khuya để tập trung xem diễn kịch. Những vở kịch, câu hát, vần thơ nói chung đều đượm màu sắc xuân và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng. Những nhà báo, người yêu văn nghệ được giác ngộ cách mạng từ trong nhà tù với một tinh thần lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, bất chấp những gông cùm, xiềng xích, tra tấn dã man, chế độ nhà tù khắc nghiệt. Ở đất Sơn La rừng thiêng, nước độc này, việc diễn kịch là một món ăn tinh thần hiếm có. Vì vậy, khi được tin tù nhân diễn kịch, bọn cai ngục, lính và cả những công chức cũng kéo nhau vào xem, cả nhân dân trong vùng khi hay tin cũng đến cửa nhà tù xin được vào xem. Qua đó, ảnh hưởng của cách mạng được lan rộng cũng như sự uy tín của những người chiến sĩ cộng sản được đề cao. Vì thế, công tác tuyên truyền và tổ chức của những người tù cách mạng thu được nhiều kết quả tích cực hơn trước.

Gánh hát Phiêu lưu của ông “trùm” - Nhà báo Trần Đình Long (một nhà báo đa tài, am hiểu nhiều lĩnh vực, cả về ngoại giao, chính trị, viết văn, soạn kịch và là người sáng lập nên gánh hát Phiêu lưu) trong hai ngày mồng Một, mồng Hai Tết cũng ra mắt “công chúng” vở kịch Lôi Vũ và mấy vở hài kịch được hoan nghênh nhiệt liệt. Bước chân xuống trại Lớn cũ, người ta quên nó là một trại giam, người ta tưởng như đang bước vào một rạp hát lộng lẫy: Cũng đèn điện được trang hoàng xanh đỏ, những lẵng hoa được sắp xếp đan xen với nhau hết sức đẹp mắt và chuyên nghiệp. Khách xem phải tò mò và cực kỳ tinh ý thì mới biết phông nền sân khấu đa màu sắc kia toàn được những bàn tay tài hoa của một số anh em tù nhân tạo nên bởi chăn và chiếu của mình mà vẽ thành, rồi cả cái sân khấu đồ sộ kia là những tấm ván sàn tháo ra ghép lại mà thành. Ở “rạp” Phiêu lưu, người ta không khỏi tấm tắc khen thầm cái tài hoa của những người tù nơi đây. 

Trong hai ngày Tết, sân trại lớn đông vui như đám hội. Chỗ ném hình bù nhìn (tượng trưng cho những tên trùm phát xít và thực dân), chỗ kia đánh cờ bỏi, tổ tôm, còn có cả một gian hát cô đầu... tạo cho tù nhân một cảm giác thư thái lạ thường sau những tháng ngày gông cùm, xiềng xích.

 

Báo Xuân trong tù

“Nhà gạo” vốn là một gian nhà để xay lúa, giã gạo ngày thường đầy những tiếng động khô khốc và bụi bặm thì hiện tại, khi không khí Xuân đang tràn ngập nơi đây đã biến nó thành một quán hàng Xuân đầy hoa lá, bày đủ các thứ rượu, bánh, cà phê.

Khách vào uống nước được xem đủ các thứ báo Xuân ở dưới xuôi gửi lên (tất nhiên những tờ báo này đã được bè lũ cai ngục kiểm tra rất kỹ về nội dung). Tuy nhiên, có một tờ báo Xuân mà ai ai cũng muốn xem nhưng không được bày ở đây, đó chính là tờ Suối Reo số Xuân, tờ báo của Chi bộ Nhà tù Sơn La. Tờ báo phản ánh sinh hoạt mọi mặt của tù chính trị, giáo dục tinh thần đấu tranh ngoài xã hội và trong nhà tù, bồi dưỡng, rèn luyện ý chí, đạo đức cách mạng. Về nội dung, báo được chia làm các mục: Xã luận, thông tin - bình luận, lý luận, văn hóa - nghệ thuật. Họa sĩ phụ trách tờ Suối Reo là Đỗ Nhuận (sau là nhạc sĩ nổi tiếng) và Đoàn Xuân Kiều, sau bổ sung thêm đồng chí Phạm Văn Cương (có thể là đồng chí Nguyễn Cơ Thạch).

Bài vở của anh em viết trực tiếp đưa tay cho Chủ bút đọc và duyệt. Những bài bàn đến đường lối, chính sách đều phải thông qua Chi ủy. Suối Reo ra liên tục từ tháng 7-1941 cho đến trước ngày 9-3-1945, đôi lúc bị gián đoạn do bị địch lục soát hoặc có các biến cố bất thường như: vượt ngục, đấu tranh tuyệt thực...

Với mỗi người tù Sơn La ngày ấy, những con người bị đày ải, nô lệ giữa chốn rừng thiêng nước độc - “nước Sơn La, ma Tú Lệ” thì ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Chỉ có mỗi độ Xuân về, trong lòng họ mới thật sự như được sống lại, hòa mình cùng với tiết trời, sự tự do bên ngoài kia. Những nhà báo - chiến sĩ cách mạng của chúng ta là những sợi dây đoàn kết gắn bó mọi người lại với nhau, đem tài năng và sự nhiệt huyết của mình để giáo dục, tuyên truyền, giác ngộ các tù nhân khác, biến nhà tù thành một ngôi trường học tập của cách mạng./. 

Nguyễn Ba

Ảnh minh họa: Báo Xuân xuất bản trong tù mặc dù thiếu thốn đủ bề nhưng luôn được trình bày rất đẹp bởi những bàn tay tài hoa (Trong ảnh là Báo Phá Ngục do đồng chí Huỳnh Tấn Phát sáng lập, số Xuân 1954 xuất bản tại Khám lớn Sài Gòn, nguồn: Bảo tàng tỉnh Bến Tre).



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com