Từ lâu, hình tượng rồng xuất hiện ở nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật, các vật dụng trong cung điện và trong cuộc sống tâm linh của người Việt. Ở tỉnh ta, với tâm niệm lưu giữ hồn cốt dân tộc, hội viên của các câu lạc bộ cổ vật đã dành tâm huyết sưu tầm, tạo nên những bộ sưu tập linh vật rồng độc đáo với đa dạng kiểu dáng, chất liệu, niên đại lịch sử.
Anh Trần Quốc Hùng (ngoài cùng, bên phải), hội viên câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm và bảo tồn cổ vật Nam Định giới thiệu về chiếc đầu rồng đất nung thời Lý - Trần. |
Anh Trần Quốc Hùng (50 tuổi), hội viên câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm và bảo tồn cổ vật Nam Định được giới trong nghề ngưỡng mộ bởi bộ sưu tầm đồ cổ đa dạng chủng loại, mẫu mã và thuộc loại hiếm về giá trị lịch sử. Anh Hùng cho biết: Từ năm 1990, anh đã tìm các bậc cao niên về cổ ngoạn để học hỏi kinh nghiệm sưu tầm đồ cổ. Sau đó, công việc lái xe đã giúp anh có điều kiện đi nhiều nơi và hành trình sưu tầm các hiện vật cổ cũng chính thức bắt đầu từ đây. Nặng lòng với cổ vật thuần Việt, hiện nay, anh có nhiều bộ sưu tập đồ gốm, đá, gạch nung tráng men... Trong đó có nhiều hiện vật linh vật rồng đặc biệt quý hiếm. Đầu rồng men lục thời Trần mà anh Hùng sưu tầm năm 2013 được giới cổ vật đánh giá là độc nhất vô nhị. Hiện vật trước đây vốn được đặt tại thềm trong cung thành nhà Trần xưa theo đúng phong thủy cổ “Tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ”. Không chỉ độc đáo bởi có lai lịch xuất thân từ chốn cung đình xưa, mà đó còn là cổ vật có màu men xanh lục nhẹ lửa lớn nhất, còn nguyên bản đến ngày nay. Anh Hùng cho biết thêm: “Đặc trưng lớn nhất của thứ men lục nhẹ lửa là chỉ tồn tại trong giai đoạn Lý - Trần. Men nhẹ lửa thấp nhất là 6000C, cao nhất là 9000C, là thứ men khó nung nhất trong dòng men nhẹ lửa. Thời xưa, chỉ có những người thợ giỏi mới nung được thứ đồ gốm trong nhiệt độ chừng 800-9000C tạo nên màu men nhẹ lửa độc đáo. Nếu nhiệt độ sai lệch cao hơn, đồ gốm sẽ chuyển sang màu men khác. Sang triều nhà Lê, bí quyết làm men lục nhẹ lửa bị thất truyền nên những người thợ chỉ chế tác thứ men xanh da táo được nung ở nhiệt độ 1.0000C trở lên”. Điểm làm anh Hùng mê mẩn ở hiện vật này bởi đây là đầu rồng đặc trưng của nền văn minh lúa nước thể hiện qua lỗ tròn trong miệng rồng để gắn vòi phun nước. Một trong những hiện vật khác được anh Hùng lưu giữ đó là đầu rồng thời Lý - Trần với chiều cao 85cm. Đầu rồng có đặc điểm làm từ đất nung, không men, trang trí nhiều họa tiết, được sử dụng trên nóc cung đình thời Lý - Trần. Gần đây, anh Hùng sưu tầm thêm đầu rồng thời Lê được chế tác từ chất liệu đất thó màu đen còn khá nguyên vẹn. Ngoài đầu rồng, anh Hùng còn sưu tầm nhiều hiện vật chạm, khắc hình tượng rồng độc đáo, trong đó đáng kể nhất là lá đề lệch men hoàng lưu ly thời Lý. Lá đề với họa tiết rồng uốn lượn mềm mại hình sin; từ khối hình đến đường nét hoa văn có tính thống nhất cao, thể hiện sự đồng bộ với những quy tắc tạo hình chặt chẽ đặc trưng thời Lý.
Anh Triệu Thanh Sơn (41 tuổi), Phó Chủ tịch câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm và bảo tồn cổ vật Nam Định là người có uy tín lâu năm trong giới cổ vật. Thừa hưởng niềm đam mê của ông nội, ngay từ nhỏ, anh Sơn đã sưu tầm những hiện vật như bát, đĩa ở nhiều niên đại khác nhau. Mỗi món đồ cổ, anh đều tìm hiểu về niên đại, giá trị lịch sử và ghi chép tỉ mỉ theo sự hướng dẫn của ông nội. Không chạy theo xu hướng sưu tầm những hiện vật cổ của Trung Quốc, anh chuyên sưu tầm những hiện vật thuần Việt. Trong số các hiện vật rồng của anh, tiêu biểu như: bát điếu rồng, lư hương, gạch ngói, lá đề... Hiện vật lá đề hình rồng, tráng men hoàng lưu ly (men vàng) thời Lý - Trần đặc sắc bởi là cấu kiện trong kiến trúc Hoàng thành Thăng Long xưa. Nổi bật của lá đề là hình rồng chầu, xung quanh hình mây lửa chi tiết. Lư hương thời Mạc là vật dụng thờ tại đền. Lư với đặc điểm rồng có vây, mao, họa tiết mây lửa bao quanh được đánh giá là hiện vật khá hiếm ở thời điểm hiện nay. Một trong những kỷ niệm của anh Sơn trong khi sưu tầm cổ vật là hành trình ghép đôi bát và điếu họa tiết rồng men lam có niên đại ở thế kỷ XIX. Anh Sơn cho biết: Ban đầu, anh chỉ sưu tầm được bát, sau đó đã thử ghép với các loại điếu nhưng đều không phù hợp. Sau hơn 10 năm, trong quá trình giao lưu cổ vật ở Ninh Bình, anh mới sưu tầm được điếu men lam cốt đề mi bán sứ còn nguyên vẹn. Sau khi ghép đôi, bộ bát điếu với họa tiết rồng thời Nguyễn, lưỡng long tản vân độc đáo bởi kích thước vừa vặn, màu sắc tương đồng.
Anh Bùi Văn Quang, hội viên câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm và bảo tồn cổ vật Nam Định chọn hướng sưu tầm các sắc phong và trao tặng lại các di tích lịch sử - văn hóa. Anh Quang cho biết: Trên mỗi tờ sắc phong của mỗi triều đại, hình tượng rồng đều được in, vẽ ẩn trong mỗi tờ sắc lộng lẫy, uy nghi và là con vật linh thiêng tượng trưng cho hoàng đế. Nội dung trong sắc phong bao gồm phong chức vị, tặng mĩ hiệu cho các quan và thần linh. Hình tượng rồng trên sắc phong có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự nghiêm trang trong việc ban sắc và chống việc làm giả sắc thời phong kiến. Cất công sưu tầm hàng trăm sắc phong, nhưng anh còn bỏ nhiều thời gian, tiền của để xác minh cội nguồn của sắc phong để trả về. Tiêu biểu như sắc phong cổ quý hiếm do Vua Thiệu Trị triều Nguyễn ban cho vị Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vào năm 1845 được anh Quang bàn giao về Đền Bảo Lộc, thuộc xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). Đây là sắc phong cho Hưng Đạo thượng đẳng thần thêm 2 mỹ tự là “Vĩ liệt”. Sắc phong có hình chữ nhật, kích thước 121x50cm, được làm bằng chất liệu giấy dó mịn màu vàng đậm, ở riềm đã bị mối, mọt và rách. Mặt trước gồm 2 phần: riềm sắc phong rộng 4cm trang trí văn triện; mặt sắc phong vẽ hình rồng ẩn trong mây, kết hợp hoa văn sóng nước...”. Đây chỉ là một trong nhiều sắc phong trong quá trình sưu tầm, anh Quang tìm được và hiến tặng lại khắp nơi trên cả nước. Anh đặc biệt quan tâm đến những chiếu chỉ, sắc phong của các triều Vua Lê, Vua Nguyễn. Đối với sắc phong của nhà vua các triều đại này, anh cho biết có hai loại: Loại phong cho bách thần (nhân thần và thiên thần). Loại thứ hai là sắc phong chức tước cho quan lại. Tùy loại giấy, hoa văn, cách viết… in trên sắc phong để biết sắc phong thuộc triều đại vua nào, phong cho những cấp nào. Giấy được dùng để viết sắc phong là loại giấy Long đằng ám họa rồng 5 móng… Vì vốn chữ Hán Nôm hạn chế nên trong quá trình sưu tầm anh phải tìm đọc sách vở, các tài liệu trên internet và nhờ bạn bè, những nhà nghiên cứu tại các trường, Viện Bảo tàng giúp đỡ thêm để có thể hiểu nội dung của các sắc phong.
Để bảo tồn và phát huy giá trị các cổ vật, thời gian qua, các câu lạc bộ, Hội nghiên cứu sưu tầm cổ vật trong tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, trưng bày, hiến tặng cổ vật. Đó là cơ sở để các cổ vật, trong đó có những bộ sưu tập linh vật rồng được đến gần hơn với công chúng, góp phần bồi đắp kiến thức lịch sử, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ./.
Bài và ảnh: Viết Dư
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin