Chuyển biến tích cực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Ý Yên

07:49, 19/01/2024

Quán triệt sâu sắc quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, những năm qua, huyện Ý Yên đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH)”; lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong đời sống xã hội, khơi dậy lòng nhân ái, ý thức đoàn kết cộng đồng và tinh thần tự quản trong từng khu dân cư.

Biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) năm 2023 ở xã Yên Trung.
Biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) năm 2023 ở xã Yên Trung.

Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” tạo được sự đồng thuận sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, huyện Ý Yên đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong các sinh hoạt cộng đồng như: việc cưới, việc tang, lễ hội; ứng xử văn hóa nơi công cộng; giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng ĐSVH cơ sở gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh. Điểm nổi bật ở Ý Yên là cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm thực hiện 5 nội dung (gồm: đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa xanh - sạch - đẹp; xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao; xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh) và 7 phong trào (gồm: xây dựng “Gia đình văn hóa”; xây dựng “Khu dân cư văn hóa”; xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; “Học tập, lao động sáng tạo”; “Gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến”) một cách đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong mỗi gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị. Việc triển khai thực hiện các nội dung, phong trào có sự tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân vừa hưởng thụ vừa tham gia sáng tạo các giá trị văn hoá.

Để thực hiện các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với nhiều nội dung, hình thức phong phú, từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực gia đình, hướng đến xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Các xã, thị trấn quan tâm tổ chức kỷ niệm các ngày như: Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (18-11)… Các hội, đoàn thể trong huyện quan tâm xây dựng, nhân rộng các phong trào, mô hình hay như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Nông dân thi đua phát triển kinh tế hộ”…, tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành mục tiêu, động lực phấn đấu trong mỗi gia đình, thôn xóm. Năm 2023, toàn huyện có 67.037/72.353 hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 92,06%; 100% khu dân cư được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, trong đó có 45 khu dân cư giữ vững danh hiệu 5 năm liên tục.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 07 của BCH Đảng bộ huyện về xây dựng và nâng cao chất lượng ĐSVH cơ sở, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2023, toàn huyện đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp 2 nhà văn hóa xã, 25 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố với kinh phí từ 40 triệu đến 2,7 tỷ đồng/nhà văn hóa xã, từ 20-800 triệu đồng/nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Đặc biệt, UBND huyện đã ban hành cơ chế khuyến khích xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố với mức hỗ trợ từ 20-40 triệu đồng/nhà văn hóa. Đến nay, toàn huyện có 27/31 xã, thị trấn có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 87%; cả 272 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, địa điểm sinh hoạt cộng đồng, đạt tỷ lệ 100%.

Thực hiện phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” huyện phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo xây dựng NTM và xây dựng thôn, xóm, tổ dân phố kiểu mẫu huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí thuộc lĩnh vực văn hóa - thông tin. Các xã, thị trấn trong huyện đã được quy hoạch phát triển đến năm 2030 và đang bổ sung điều chỉnh quy hoạch cho những năm tiếp theo. Trong đó, ưu tiên quy hoạch quỹ đất xây dựng trung tâm văn hoá xã và khu thể thao thôn, xóm, tổ dân phố; bảo đảm môi trường văn hóa và môi trường sống của cộng đồng dân cư. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên, sôi nổi; điển hình ở các xã: Yên Khánh, Yên Khang, Yên Nghĩa, Yên Chính, Yên Mỹ, Yên Đồng, Yên Lợi… ĐSVH tinh thần của nhân dân trong huyện ngày càng nâng cao. Huyện có 4 câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ, 12 CLB thể thao được thành lập thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện; trên 50 tổ, tốp, đội văn nghệ ở 31 xã, thị trấn; khoảng 200 CLB văn hóa, thể thao thôn, xóm, tổ dân phố. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - thông tin cơ sở; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch được duy trì, đi vào nền nếp. Công tác phát thanh, truyền thanh cơ sở được Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, đài phát thanh các xã, thị trấn đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình phát sóng, phát thanh.

Bên cạnh đó, các di tích lịch sử - văn hóa thường xuyên được tu bổ, bảo tồn kịp thời theo quy định của Luật Di sản văn hóa; các lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức tuân thủ quy chế mở hội; chương trình lễ hội đề ra sát thực, cụ thể, nội dung phong phú, lành mạnh, gắn với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường… Nhiều lễ hội truyền thống và phong tục, tập quán của dân tộc được phục dựng, gìn giữ và phát huy; tiêu biểu như lễ hội làng nghề Tống Xá, thị trấn Lâm; lễ hội Đình Ruối, xã Yên Nghĩa; lễ hội làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh; lễ hội Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp), xã Yên Đồng; lễ hội Đền Bờm, xã Yên Trị; lễ hội Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân…

Mục tiêu xuyên suốt của huyện Ý Yên trong xây dựng NTM nâng cao, hướng tới NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 là đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa văn hóa và kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” huyện đã ban hành kế hoạch cụ thể, thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm nhằm phát triển sự nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đưa các phong trào, cuộc vận động phát triển cả bề rộng và chiều sâu với các hình thức đa đạng, phong phú, thiết thực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com