Nam Định có hơn 100 lễ hội mùa xuân, tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham dự. Để các lễ hội mùa xuân diễn ra an toàn, lành mạnh, mang đến niềm hứng khởi đầu xuân cho du khách, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội; ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng biến tướng, phản cảm trong các lễ hội và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh.
Múa rồng trong lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu xuân, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định). |
Trẩy hội mùa xuân ở Nam Định, người dân và du khách có dịp tham quan các đình, đền, chùa, miếu, phủ, hòa mình vào không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống, cầu may mắn, bình an và hạnh phúc cho năm mới. Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) diễn ra từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng hàng năm là một trong những lễ hội lớn của tỉnh. Tham dự lễ hội, người dân và du khách có thể tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử Vương triều Trần, chiêm bái các công trình kiến trúc khu di tích lịch sử - văn hóa: Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch, Đền Trùng Hoa và tham gia các nghi thức, nghi lễ: dâng hương, rước kiệu Ngọc Lộ, rước Nước, tế Cá… Những năm gần đây, công tác đảm bảo an ninh trật tự trong lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu xuân được các cấp chính quyền địa phương thực hiện tốt. Trong đêm Khai ấn Đền Trần (14 tháng Giêng) không còn tình trạng người dân chen lấn, ném tiền lẻ lên ban thờ, kiệu ấn. Trong các ngày diễn ra lễ hội, việc thu giá vé trông coi phương tiện giao thông tại các bãi gửi xe được niêm yết công khai. Việc bố trí, sắp xếp hàng quán, dịch vụ phục vụ lễ hội theo đúng quy định pháp luật. Công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại khu vực diễn ra lễ hội được đảm bảo sạch sẽ. Ban tổ chức lễ hội liên tục tuyên truyền, nhắc nhở trên hệ thống loa phát thanh về thực hiện nếp sống văn minh tại di tích và tham gia các hoạt động lễ hội: dâng tiền lễ, công đức đúng nơi quy định; không cài, đặt tiền tuỳ tiện lên các tượng gây phản cảm; không đốt vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí... Sau mỗi kỳ lễ hội, Ban tổ chức lễ hội Khai ấn Đền Trần đều tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; động viên, khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Tại lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) và lễ hội Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực), những phong tục tập quán, nét đẹp văn hoá làng được gìn giữ và phát huy thông qua các loại hình dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian như: hát chèo, hát chầu văn, võ vật, đánh cờ người, múa lân - sư - rồng… Các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống được tổ chức vui tươi, góp phần quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh Nam Định thân thiện, mến khách đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Trong không gian các hội chợ Viềng Xuân (mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng) gắn với các di tích Chùa Đại Bi, Phủ Dầy, các địa phương chú trọng giới thiệu các sản vật nông nghiệp đặc thù, sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống mang ý nghĩa “mua may, bán rủi” đầu năm như: nông cụ, hoa, cây cảnh, cây giống, mây tre nứa, gốm sứ, đồ thờ tự, đồ cổ, giả cổ…; đồng thời, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm tới du khách.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ VH, TT và DL và UBND tỉnh, hàng năm Sở VH, TT và DL đều ban hành các văn bản hướng dẫn, đề nghị chính quyền các địa phương trong tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong lễ hội mùa xuân và xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, trong đó chú trọng khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như: các nghi thức tế lễ, các loại hình văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Sở tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý và tổ chức lễ hội cho cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố, công chức văn hóa - xã hội các xã, phường, thị trấn. Các Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội tại các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu ý nghĩa lịch sử, giá trị của các di tích, nét đẹp văn hóa các lễ hội mùa xuân. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh nâng cao chất lượng các dịch vụ: di chuyển, vận chuyển, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng…; tăng cường tuyên truyền về các điểm đến hấp dẫn, kết nối tour du lịch.
Thanh tra Sở VH, TT và DL phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an tỉnh), Phòng Văn hoá - Thông tin các huyện, thành phố và các lực lượng chức năng liên quan tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá vào các thời điểm trước, trong và sau lễ hội; kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện sai phạm tại các địa điểm tổ chức lễ hội. Năm 2023, qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, công tác quản lý, tổ chức lễ hội mùa xuân tại các địa phương được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm; phần lễ được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống, phần hội diễn ra sôi nổi, hấp dẫn. Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội, các thủ nhang, thủ từ, trụ trì các di tích chấp hành tốt quy định về quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn thu tiền công đức, dịch vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ di tích và tổ chức lễ hội. Việc cắt cử người thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu được thực hiện thường xuyên tại các di tích. Các quy định của pháp luật về sử dụng và lưu thông tiền tệ được các địa phương thực hiện nghiêm túc; hạn chế tối đa việc đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch trong khuôn viên nội tự di tích và các địa điểm tổ chức lễ hội... Với sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, y tế, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... trong các lễ hội mùa xuân có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân và du khách chấp hành tốt các quy định khi tham gia lễ hội.
Nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng của người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, ngành VH, TT và DL và các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội mùa xuân. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân và du khách khi tham gia lễ hội và các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở thờ tự, các điểm di tích, danh thắng. Tăng cường công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Nhân rộng các mô hình hay trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội mùa xuân trên địa bàn tỉnh. Xây dựng quy hoạch phân khu di tích và khu vực tổ chức lễ hội; sắp xếp hàng quán dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông hợp lý, theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan phối hợp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động lễ hội và dịch vụ văn hoá trong các lễ hội, để các lễ hội mùa xuân diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin