Hướng tới kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2024) và đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tối 23-1, tại Nhà Văn hoá 3-2 tỉnh (thành phố Nam Định), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Nhà hát Kịch Công an nhân dân (Cục Công tác Đảng và công tác chính trị - Bộ Công an) tổ chức biểu diễn vở kịch “Người tù trao áo”.
Các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Trần Minh Thắng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; lãnh đạo Sở VH, TT và DL đến xem vở diễn. |
Các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Trần Minh Thắng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; lãnh đạo Cục Công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện một số sở, ngành, thành phố Nam Định và đông đảo học sinh, sinh viên, người dân Thành Nam đến xem.
Một cảnh trong vở kịch “Người tù trao áo”. |
Vở kịch “Người tù trao áo” (hay “Khát vọng của những linh hồn”; tác giả: NSƯT Bùi Vũ Minh; đạo diễn: NSND Lê Hùng, NSND Công Bảy; chỉ đạo nghệ thuật: NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền) do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Công an nhân dân biểu diễn, khắc hoạ chân thực hình tượng người chiến sĩ cộng sản kiên trung Vũ Văn Hiếu, một người con ưu tú của quê hương Hải Hậu, Nam Định, Bí thư Đặc khu uỷ đầu tiên Khu mỏ Quảng Ninh, người từng 2 lần bị thực dân Pháp bắt, đày ra nhà tù Côn Đảo.
Một cảnh trong vở kịch “Người tù trao áo”. |
Vở diễn lấy bối cảnh chính là nhà tù Côn Đảo - nơi “địa ngục trần gian", nội dung kể về các hoạt động đấu tranh cách mạng của đồng chí Vũ Văn Hiếu và nhiều chiến sĩ cộng sản tiền bối: Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Võ Thị Sáu, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn… Trước lúc hi sinh, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã trao lại chiếc áo duy nhất của mình cho đồng chí Lê Duẩn, người đồng chí của mình với mong muốn đóng góp chút sức lực cuối cùng cho cách mạng, cho dân tộc Việt Nam. Hành động này đã trở thành biểu tượng cao đẹp về tình đồng chí, đồng đội, ý chí đấu tranh bất khuất cho đến hơi thở cuối cùng trong ngục tù của đồng chí Vũ Văn Hiếu, được Nhà thơ Tố Hữu khắc họa qua 2 câu thơ: “Chết còn trút áo cho nhau. Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”.
Với thời lượng khoảng 90 phút của vở diễn, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Công an nhân dân đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc sâu sắc, cảm phục về tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất, sự hi sinh anh dũng của các thế hệ chiến sĩ cách mạng, yêu nước trong các cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; đặc biệt là tấm gương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Văn Hiếu, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong tỉnh./.
Tin, ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin