Tính đến hết tháng 3-2023, toàn tỉnh có 1.359 di tích lịch sử - văn hóa đa dạng về quy mô, độc đáo về kiến trúc nghệ thuật; trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 319 di tích cấp tỉnh, 951 di tích nằm trong danh mục kiểm kê.
Kết quả và những tồn tại
Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã phối hợp các sở, ngành hữu quan và địa phương trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, kiểm kê, quản lý, bảo vệ hệ thống các di tích, danh thắng trên địa bàn; tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích; thực hiện số hóa di sản, di tích; phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của cộng đồng trong tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hoá của quê hương Nam Định. Năm 2022, ngành VH, TT và DL tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ khoa học trình Bộ VH, TT và DL xếp hạng 1 di tích cấp quốc gia, trình UBND tỉnh xếp hạng 18 di tích cấp tỉnh; khảo sát, thu thập thông tin, hoàn thiện hồ sơ bổ sung 15 di tích vào Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa tỉnh. Đối với các di tích đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh, các địa phương đều thành lập Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội; đồng thời ban hành quy chế quản lý, bảo vệ di tích và tổ chức lễ hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; phòng chống xâm hại di tích; phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản để trục lợi, ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan hoặc những hành vi trái pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục.
Không gian văn hóa Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản). |
Sở VH, TT và DL đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030”, Chương trình “Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, ngân sách của tỉnh và nguồn xã hội hóa, từ năm 2016 đến nay, Sở VH, TT và DL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành trùng tu gần 20 di tích cấp quốc gia; hướng dẫn quy trình, thủ tục tu bổ hơn 50 di tích; trong đó nổi bật là thực hiện các dự án: xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (thành phố Nam Định), quy hoạch phân khu quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản), cải tạo, nâng cấp quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường); xây dựng, mở rộng khu di tích Chùa Hổ Sơn (Vụ Bản)… Năm 2022, ngành VH, TT và DL tỉnh đã phân bổ vốn đầu tư, huy động được từ nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng các nguồn vốn hợp pháp khác cho công tác tu bổ, tôn tạo đối với 8 di tích trên địa bàn tỉnh; triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030” với mức vốn đầu tư khoảng 55 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực, thời gian qua, ở một số địa phương, công tác quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần khắc phục. Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích ở một số nơi chưa thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa như: thiết kế trùng tu, tôn tạo, quá trình xây dựng di tích chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép; di tích sau khi trùng tu, tôn tạo không giữ nguyên kiến trúc gốc, thậm chí có tình trạng đập bỏ công trình di tích để xây mới (?!); việc cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ di tích chưa được triển khai đồng bộ, kịp thời dẫn tới tình trạng đất khu di tích bị xâm lấn; việc xây dựng, cải tạo di tích chưa thực hiện đúng, đủ theo các văn bản quy phạm pháp luật… Đơn cử như việc trùng tu, phục hồi ngôi đình cổ làng Thanh Khê, xã Yên Nghĩa (Ý Yên) đầu năm 2023. Đình Thanh Khê là di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh. Do di tích xuống cấp nghiêm trọng nên nhân dân đã đồng thuận tu bổ, xây dựng lại Đình từ nguồn kinh phí xã hội hóa hơn 1,7 tỷ đồng. Trong quá trình hạ giải, một số bộ phận kiến trúc của công trình là các cấu kiện bằng chất liệu gỗ cổ do có phần bị hư hỏng nên bị đem bán cho các cơ sở kinh doanh ở huyện Hải Hậu. Ngoài việc các cấu kiện bằng gỗ bị đem ra bán thì quá trình trùng tu, tôn tạo Đình Thanh Khê của địa phương còn xảy ra một số sai phạm như: việc hạ giải, sửa chữa đình không thực hiện đầy đủ các bước theo quy định như báo cáo xin phép các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo trình tự thủ tục, không có hồ sơ pháp lý xây dựng, không có bản vẽ thiết kế thi công công trình. Nguyên nhân xảy ra sự việc trên do chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý di tích và kiểm tra, giám sát quá trình tu bổ, phục hồi di tích; việc tuyên truyền Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Thực tế, không chỉ riêng Đình Thanh Khê, xã Yên Nghĩa (Ý Yên), hiện trên địa bàn tỉnh còn một số di tích nằm trong danh mục kiểm kê, chưa được xếp hạng vẫn xảy ra tình trạng khi thực hiện tu sửa, xây dựng lại không có đầy đủ thủ tục pháp lý, chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép. Trong đó có trường hợp sai sót như việc trùng tu di tích cầu Ngói chợ Thượng, xã Bình Minh (Nam Trực) vào năm 2020 (hiện cầu đã được phục dựng lại nguyên bản kiến trúc gốc); song có hạng mục công trình kiến trúc di tích sau khi phục dựng đã mất đi hoàn toàn nguyên bản kiến trúc gốc như việc xây dựng lại gác chuông di tích Chùa Phúc Hải, xã Hải Minh (Hải Hậu).
Cần những giải pháp đồng bộ
Theo quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa do UBND tỉnh ban hành thì Sở VH, TT và DL là cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh về công tác quản lý Nhà nước các di tích trên địa bàn. UBND cấp huyện, thành phố thực hiện việc quản lý Nhà nước các di tích trên địa bàn và quản lý trực tiếp di tích quốc gia đặc biệt; trong trường hợp cần thiết, UBND cấp huyện, thành phố quản lý đối với di tích cấp quốc gia bằng việc quyết định thành lập Ban quản lý di tích. UBND cấp xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý di tích trên địa bàn, bao gồm: di tích xếp hạng cấp quốc gia (trừ di tích xếp hạng quốc gia do UBND huyện, thành phố quản lý), di tích xếp hạng cấp tỉnh; di tích trong danh mục kiểm kê được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với các di tích thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân, UBND cấp xã giao các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp bảo vệ, phát huy giá trị theo quy định của pháp luật. Căn cứ quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích thì các di tích xảy ra sai phạm trong xây dựng, tu bổ, phục hồi trên trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương - UBND cấp xã có di tích trên địa bàn.
Từ thực tế nêu trên cho thấy, để làm tốt công tác xã hội hoá tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa, cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về ý nghĩa di tích, tạo sự đồng thuận xã hội trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ tính nguyên trạng, chân thực của di tích khi tôn tạo, bảo tồn di tích. Sử dụng nguồn kinh phí do các cá nhân, tập thể đóng góp để tôn tạo, trùng tu di tích bảo đảm đúng mục đích, đầy đủ, kịp thời, hài hòa giữa ý nguyện của người dân và quy định pháp luật. Các di tích khi trùng tu, phục dựng phải có đầy đủ thủ tục, hồ sơ pháp lý, thực hiện đúng quy trình xây dựng và nội dung thẩm định dự án, báo cáo kinh tế, kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công… đã được phê duyệt, đảm bảo di tích sau khi phục dựng giữ nguyên yếu tố gốc (bất kể các dự án được triển khai bằng nguồn vốn đầu tư nào). Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai sót xảy ra trong quá trình tu bổ di tích, tránh để xảy ra sai phạm sau đó mới xử lý, kể cả đối với những di tích chưa được xếp hạng.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích, Sở VH, TT và DL đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình “Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá Việt Nam giai đoạn 2021-2025”, Quy định của UBND tỉnh về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong hoạt động này, ngăn chặn các biểu hiện xâm hại di tích, kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin