“Ngày ngày đi ra trường
Em theo con đường làng
Hai bên cỏ xanh mượt
Giữa đất đỏ mịn màng
Đường mềm như dải lụa
Uốn mình dưới cây xanh
Men theo đôi bờ lúa
Vòng gốc đa bên đình”…
Một sáng tháng 6 đầu mùa gặt, miệng lẩm nhẩm những câu thơ, khe khẽ tránh những vệ cỏ còn đẫm sương đêm, bàn chân thấp thỏm dẫn lối tôi về quê cũ. Vẫn là con đường làng trong trí nhớ tôi suốt một thời thơ bé uốn lượn mềm mại chạy ngang qua những ngôi nhà ngói đã xỉn màu. “Cố hương” chào đón tôi bằng chính con đường mát rười rượi bóng cau, bóng chuối bao năm in trong niềm nhớ của đứa con xa xứ.
Trên con đường này, tôi từng xiêu vẹo, lẫm chẫm bước đi những bước đầu tiên. Mẹ đứng cuối đường, vỡ oà sung sướng khi thấy tôi có thể chạy nhảy rồi bi bô gọi mẹ ơi, mẹ ơi. Cũng chính trên con đường này ghi dấu bao trò nghịch ngợm của lũ trẻ chúng tôi. Mùa gặt, rơm được phơi kín khắp cả đường. Mới sáng sớm, lũ trẻ trong xóm bọn tôi đã tập hợp lại thành đám ở giữa đường vác rơm đuổi nhau. Rượt đuổi chán chê, mệt quá chúng tôi nằm lăn ra đường, lấy rơm làm giường. Nghỉ dưỡng sức xong, vài ba đứa còn rủ nhau chơi trò nhào lộn trên đường rơm. Làng tôi khi ấy, nhà nhà có phong trào đánh cây rơm ngay ở vệ đường. Hết mùa gặt, rơm đã phơi khô, thơm nức nở, các bà, các mẹ chọn một cây tre già, đào hố chôn xuống vệ đường làm “trụ” để đánh cây rơm. Rơm được thu gọn lại ngay dưới chân cây tre già, một người ở dưới đưa rơm, người đứng ngay bên cạnh trụ, quây rơm rồi cứ thế đánh dần lên đỉnh trụ. Khi rơm đã cao gần hết chiều dài cây tre cũng là lúc các bà, các mẹ kết thúc công việc đánh cây rơm. Suốt cả dọc đường làng, có vô số cây rơm “mọc” tự phát như vậy. Đây cũng là chỗ trú ngụ lý tưởng cho đám trẻ chúng tôi mỗi đêm chơi trò trốn tìm hoặc khi phải tránh đòn roi của bố mẹ. Những đêm hè đầy sao, gió mát lồng lộng thổi phất phơ những ngọn rơm, từ trong cây rơm, tôi còn nghe được tiếng thì thầm, tiếng cười rúc rích của đôi lứa hò hẹn...
Đường làng những ngày tháng 9 vào thu trải vàng lá bàng, lá xà cừ, thoảng mùi thơm thị vừa chín tới, mẹ bước thấp bước cao dẫn tôi đến trường. Tay mẹ run run đẩy nhẹ lưng tôi vào cửa lớp còn ánh mắt cứ tần ngần nhìn tôi mãi. Lớn lên một chút, anh cả tôi nhập ngũ, cũng chính trên con đường này, lần đầu tiên tôi thấy mắt bố mờ đục ngày tiễn anh lên xe tòng quân. Chớp mắt, thế mà đã mấy chục năm, những đứa trẻ chúng tôi giờ ai cũng đã đầu hai thứ tóc...
Ôi những con đường làng rợp bóng mát thân thuộc ngày xưa, dưới vòm cây rủ bóng hai bên đường, lá cây bay lã chã, một vài chú chim non thủ thỉ đâu đó như lời chào mời vị khách lạ tìm về chốn cũ. Bao năm xa quê, mải bôn ba khắp các xứ người, quê hương, những con đường mát xanh vẫn ở đó đợi ngày chúng tôi trở về. Chầm chậm từng bước trên đường quê, người đi xa lại như cảm thấy một sự dịu dàng sâu lắng, bao dung./.
Nguyễn Hoa Xuân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin