Hình tượng Bác Hồ  trong tác phẩm của các họa sĩ Nam Định

07:44, 19/05/2023

Hình tượng Bác Hồ - cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người luôn là nguồn cảm xúc vô tận để các họa sĩ Nam Định đưa vào các tác phẩm của mình. Từ thời chiến đến thời bình, các họa sĩ: Dương Đức Điện, Vũ Minh, Lê Đức Biết, Đặng Sơn Nam, Nguyễn Văn Đức… đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Qua những nét vẽ giản dị, chân thực, gần gũi, mỗi tác phẩm của các họa sĩ đã thể hiện tình cảm thiêng liêng, sự kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Tác phẩm “Bác Hồ về thăm xã Yên Tiến” của họa sĩ Vũ Minh.
Tác phẩm “Bác Hồ về thăm xã Yên Tiến” của họa sĩ Vũ Minh.

Họa sĩ Dương Đức Điện năm nay ngoài 80 tuổi đời và đã có gần 60 năm làm nghệ thuật với hàng trăm tác phẩm tranh cổ động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Trong số hàng chục bức vẽ về Bác Hồ, có một số tác phẩm nổi tiếng, được ông tâm đắc, gắn liền với những sự kiện lịch sử của quê hương. Tiêu biểu là bức tranh “Bác Hồ vẫn bên chúng ta” (1967) khổ lớn dựng tại ngã tư Cửa Đông; bức chân dung Bác Hồ (1975) dựng tại Quảng trường Hòa Bình; tranh “Bác Hồ thăm Nhà máy Dệt” (1984); tranh gốm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (2000); tranh “Bác Hồ thăm Nhà trẻ Nhà máy Dệt” (2003); tranh cổ động chân dung Bác Hồ (2004) dựng dịp Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng thành phố Nam Định (1-7-1954 - 1-7-2004)... Các tác phẩm tranh về Bác Hồ của họa sĩ Dương Đức Điện được thể hiện đa dạng trên nhiều chất liệu như: bột màu trên giấy, bột màu trên pa-nô, sơn dầu trên vải toan, điêu khắc gỗ tổng hợp, ghép gốm màu… Tác phẩm tranh cổ động “Bác Hồ vẫn bên chúng ta” đã làm nên tên tuổi của họa sĩ Dương Đức Điện. Vào những năm 1968, 1972, thời kỳ thành phố Nam Định bị máy bay giặc Mỹ oanh tạc, bắn phá ác liệt; thời gian này, tranh cổ động của họa sĩ Dương Đức Điện được dựng tại khu vực ngã tư Cửa Đông (thành phố Nam Định) với hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc cùng khẩu hiệu “Bác Hồ vẫn bên chúng ta” đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu, lao động, sản xuất của các tầng lớp nhân dân Thành Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bức tranh chân dung Bác Hồ (1975) của họa sĩ treo tại Quảng trường Hòa Bình (thành phố Nam Định) vào dịp người dân thành phố hân hoan, vui mừng trong ngày hội lớn của đất nước, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975) được người xem yêu thích. Họa sĩ Dương Đức Điện chia sẻ: “Qua 5 lần Bác Hồ về thăm Nam Định, những câu chuyện về Bác luôn mang đến tình cảm, niềm xúc động lớn lao đối với người dân quê hương. Đặc biệt, Bác luôn dành tình cảm trìu mến cho các cháu thiếu nhi...”. Bởi vậy, năm 2003, ông vẽ bức tranh “Bác Hồ thăm Nhà trẻ Nhà máy Dệt” tả rõ nét hình ảnh Bác Hồ đang thăm hỏi, động viên giáo viên và các em nhỏ, qua đây thể hiện tình cảm của Người dành cho trẻ em và sự vui mừng, lòng biết ơn, sự yêu mến, kính trọng mọi người dành cho Bác. Tâm huyết trong những sáng tác tranh của họa sĩ Dương Đức Điện về Bác Hồ cùng những lời đề tựa sâu sắc, ý nghĩa với mong muốn khơi dậy trong lòng mỗi người dân niềm tự hào dân tộc, niềm tin về ngày đất nước giành lại độc lập, để thế hệ trẻ khắc ghi công ơn to lớn của thế hệ cha ông đi trước, tạo sức mạnh nội lực của toàn xã hội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Họa sĩ Vũ Minh cũng thành công với thể loại tranh cổ động; đặc biệt đề tài về Bác Hồ đã xuất hiện trong hơn một chục sáng tác tranh của ông. Ở tuổi 79, họa sĩ Vũ Minh đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ và từng tham gia công tác tuyên truyền tại Nhà văn hóa của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, rồi làm giảng viên mỹ thuật Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật Nam Định (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Nam Định). Họa sĩ Vũ Minh cho biết: “Bác Hồ là vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, là tấm gương sáng về đạo đức và lối sống. Vì thế hình tượng Bác Hồ luôn chiếm vị trí trang trọng trong sự nghiệp sáng tác của tôi”. Đa số các sáng tác tranh về Bác Hồ của họa sĩ Vũ Minh được thể hiện chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu và bột màu; tiêu biểu như các tác phẩm: “Người công dân số một”, “Bác Hồ với công nhân Nhà máy Dệt”, “Bác Hồ thăm Bảo tàng Dệt”, “Bác Hồ về thăm xã Yên Tiến”, “Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa thế giới”...; trong đó, một số tác phẩm đã được trưng bày tại các triển lãm mỹ thuật khu vực và toàn quốc. Tranh cổ động “Người công dân số một” được họa sĩ Vũ Minh vẽ năm 1998 bằng chất liệu bột màu, đường nét rõ ràng, vẽ Bác Hồ đang bỏ phiếu trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội toàn quốc. Tranh cổ động đề tài Bác Hồ được hoạ sĩ Vũ Minh sáng tác năm 2000 tuyên truyền chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-2000). Bức tranh có bố cục phía trên là hình tượng Bác Hồ cùng dòng chữ “70 năm Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh”, chính giữa là biểu tượng búa liềm, phía dưới là cơ sở hạ tầng công nghiệp (nhà máy, xí nghiệp, điện cao thế…). Tranh pha trộn 2 gam màu đỏ và vàng (màu Quốc kỳ) thể hiện sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của dân tộc Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Tác phẩm cũng đoạt giải Khuyến Khích Cuộc thi sáng tác tranh cổ động toàn quốc năm 2000. Bức tranh “Bác Hồ với công nhân Nhà máy Dệt” được ông vẽ năm 2005 bằng chất liệu sơn dầu với các gam màu: vàng, xanh, nâu, trắng; nhân vật trung tâm là Bác Hồ trong trang phục giản dị là chiếc áo nâu quen thuộc đứng xem những tấm vải đang dệt để gửi vào miền Nam; xung quanh Bác Hồ là thư ký của Bác, Anh hùng Lao động Nguyên Thị Thạc và 4 người công nhân nhà máy nét mặt rạng ngời khi lần đầu được gặp Bác. Tác phẩm “Bác Hồ về thăm Bảo tàng Dệt” được họa sĩ Vũ Minh vẽ năm 2010 tái hiện hình ảnh Bác Hồ mặc bộ quần áo kaki trắng, đang đứng xem tư liệu trưng bày tại Bảo tàng Nhà máy Dệt; phía sau Bác là 2 công nhân nhà máy; phía trên là lá cờ Đảng và dòng chữ “Đảng Cộng sản Đông Dương”. Các tác phẩm tranh về Bác Hồ gắn với Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định của họa sĩ Vũ Minh là góc tự sự của ông. Qua các tác phẩm của mình, họa sĩ Vũ Minh mong muốn truyền tải đến công chúng về quá trình lao động sản xuất và đời sống công nhân nhà máy - nơi lưu giữ những ký ức thanh xuân của họa sĩ. Mặc dù chưa được gặp Bác lần nào, nhưng các sáng tác tranh về Bác của họa sĩ đều rất chân thực. Đó không chỉ là thành quả của lao động sáng tạo nghệ thuật, mà còn là kết quả của quá trình tìm hiểu tư liệu, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ, từ đó khơi nguồn cảm xúc để ông hình dung, thể hiện Bác qua những nét vẽ cụ thể, sâu lắng.

 Đặng Sơn Nam là họa sĩ có niềm đam mê với các đề tài: phong cảnh, lễ hội…, mảng tranh cổ động cũng được ông yêu thích vì bố cục đơn giản, khái quát thể hiện rõ chất đồ họa, màu sắc. Tác phẩm tranh cổ động về Bác Hồ được ông tâm đắc và được nhiều người biết đến là bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi”. Tranh được vẽ lần đầu tiên vào năm 1990 bằng chất liệu bột màu trên giấy kích thước 60x80cm, bố cục rõ ràng với hình ảnh Bác Hồ nét mặt rạng ngời đang nắm tay các cháu thiếu nhi đeo khăn quàng đỏ thắm. Hình ảnh Bác và các em nhỏ nổi bật trên nền màu xanh đậm. Phía sau là hình ảnh địa cầu cùng những cánh chim bồ câu - biểu tượng của hòa bình; bên dưới là những câu thơ trong bài thơ “Bác ơi!” của nhà thơ Tố Hữu: “Bác vui như ánh bình minh/ Vui mỗi mầm non, trái chín cành/ Vui tiếng ca chung hòa bốn biển/ Nâng niu tất cả, chỉ quên mình”. Bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” của họa sĩ Đặng Sơn Nam là một trong tổng số 100 tác phẩm mỹ thuật được chọn trên toàn quốc để trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-1990). Năm 2015, họa sĩ Đặng Sơn Nam tiếp tục vẽ lại bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi”. Lần này, ông chọn chất liệu sơn dầu để thể hiện bức tranh nhưng vẫn đảm bảo nguyên bản về màu sắc, tỷ lệ, kích thước như bức trước. Cũng vào năm đó, tranh lại được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng. Với tình yêu thiếu nhi, đặc biệt là cảm thông với những trẻ em gặp bất hạnh trong cuộc sống, họa sĩ Đặng Sơn Nam đã dành tặng bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” cho Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định.

Theo chia sẻ của các họa sĩ, để có những sáng tác về Hồ Chủ tịch, người nghệ sĩ phải luôn trăn trở để làm sao chuyển tải được hình ảnh của Bác qua tác phẩm một cách chân thực, gần gũi nhất, nhưng vẫn phải mới mẻ, cuốn hút người xem, bởi những sáng tác về Bác thường rất “kén” người xem và hình ảnh Bác Hồ đã quá quen thuộc với người dân. Vì vậy, vẽ sao cho vừa có nét sáng tạo mới mẻ nhưng vẫn giống với phong thái của Người là rất khó. Các tác giả vẽ về Bác Hồ nhưng rất ít người được trực tiếp gặp Bác mà sáng tác chủ yếu thông qua các tư liệu, hình ảnh chụp lại nên người nghệ sĩ phải có góc nhìn tinh tế để hình tượng, thể hiện được đúng thần thái, đặc biệt là tâm hồn anh minh, nét mặt, cử chỉ hiền hậu của vị lãnh tụ kính yêu.

Ở Nam Định, ngoài thể loại tranh cổ động, những tác phẩm mỹ thuật về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ chủ yếu là những sáng tác của thế hệ các họa sĩ đi trước. Để khơi dậy niềm đam mê, sự sáng tạo nghệ thuật, thế hệ các họa sĩ trẻ Nam Định cần học hỏi, trau dồi tri thức, tìm tòi, nghiên cứu những tài liệu về Bác Hồ để sáng tác các tác phẩm nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tổ chức nhiều cuộc thi, triển lãm mỹ thuật về chủ đề Bác Hồ để tạo động lực cho các họa sĩ trẻ sáng tác các tác phẩm mới có giá trị về Bác, giới thiệu tới công chúng, góp phần tuyên truyền thực hiện hiệu quả cuộc vận động tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com