Lan toả văn hóa đọc trong cộng đồng

08:45, 28/04/2023

Với chủ đề “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”, “Sách cho tôi, cho bạn”, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 được tổ chức trong thời gian từ ngày 28-4 đến 2-5-2023 với nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho độc giả như trưng bày giới thiệu sách; tổ chức biểu diễn nghệ thuật múa rối nước; chương trình giao lưu văn nghệ giữa các trường THPT trên địa bàn tỉnh... Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa nhằm nâng cao tinh thần ham đọc sách của người dân mà còn góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xe ô tô lưu động của Thư viện tỉnh phục vụ nhu cầu đọc sách của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh.

Ảnh: Khánh Dũng

Cần mẫn ươm mầm

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh 5 lần tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào các dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5, tại Quảng trường 3-2 và lan tỏa đến các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Trung bình mỗi năm có khoảng 20 đơn vị, nhà tài trợ, nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách ở Trung ương và địa phương về tham gia triển lãm, hội chợ sách với hơn 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng chục nghìn đầu sách tới người dân toàn tỉnh. Hội chợ sách đã thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan và mua sách. Bên cạnh hoạt động trưng bày, triển lãm, hội chợ sách, Ban tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; tổ chức Triển lãm “Đất học Nam Định - Xưa và Nay”. Ngoài ra Ban tổ chức còn tổ chức các chương trình giao lưu, nói chuyện của các diễn giả nổi tiếng như nhà thơ Trần Đăng Khoa; Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, nhà sử học Lê Văn Lan với học sinh các trường THPT, THCS trên địa bàn về chủ đề “Sách và cuộc sống”, “Vai trò quan trọng của việc đọc sách trong đời sống”; “Khơi dậy tình yêu thiên nhiên đất nước từ trang sách Kim Đồng”; “Những tác động của internet đến giới trẻ và việc đọc sách, học tập trên internet”… qua đó truyền cảm hứng, niềm đam mê đọc sách và hướng dẫn kỹ năng lựa chọn, đọc sách. Bên cạnh các chương trình giao lưu, tọa đàm nói chuyện về sách, Ban tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho các em học sinh như các chương trình: “Gala Ngày hội sách và tiếng Anh” do Học viện Anh ngữ Quốc tế Sydney thực hiện với sự tham gia của gần 1.000 học sinh; Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày tư liệu theo các chủ đề kết hợp tổ chức nhiều trò chơi dân gian…; Công ty Cổ phần Văn hóa giáo dục Long Minh phối hợp với Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tổ chức chương trình giao lưu tọa đàm chuyên đề “Vai trò của phần Index để tra cứu từ khóa trong đọc sách và trình bày các dự án khoa học”. Thư viện tỉnh tổ chức các gian hàng trưng bày giới thiệu sách với hàng nghìn bản sách quý; giới thiệu mô hình xe thư viện lưu động, nhận được sự yêu thích của các độc giả, đặc biệt là các em nhỏ. Đặc biệt qua các chương trình Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, toàn tỉnh đã phát động chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học”; đến nay đã vận động xây dựng được 10.967 tủ sách lớp học ở các cấp học phổ thông; thường xuyên duy trì 210.440 đầu sách, 766.035 bản sách với tổng giá trị hơn 16,45 tỷ đồng. 

Trường Mầm non Sao Vàng (thành phố Nam Định) tổ chức ngày hội trẻ thơ yêu sách nhân Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam 21-4.

Qua 5 lần tổ chức sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các cấp, các ngành đã cần mẫn, nỗ lực ươm mầm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đáng chú ý, năm 2022, lần đầu tiên tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước”, đoàn Nam Định đã giành chiến thắng xuất sắc với học sinh Nguyễn Thanh Mai, lớp 2A1, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) là 1 trong 2 thí sinh toàn quốc được trao danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2022; ngoài ra còn 2 thí sinh Nguyễn Bảo Yến Nhi, Trường THCS Đồng Sơn (Nam Trực) đạt giải Nhì và em Đào Quỳnh Ngân, Trường THCS Nam Giang (Nam Trực) đạt giải Khuyến khích.

Lan tỏa văn hóa đọc

Giáo viên Trường Tiểu học Văn Cao, xã Liên Minh (Vụ Bản) hướng dẫn học sinh đọc sách tại thư viện nhà trường.
Giáo viên Trường Tiểu học Văn Cao, xã Liên Minh (Vụ Bản) hướng dẫn học sinh đọc sách tại thư viện nhà trường.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay được các ngành: Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo cùng phối hợp tổ chức với nhiều hoạt động bổ ích như giao lưu nói chuyện về sách kết hợp với việc tổ chức biểu diễn trò chơi dân gian và trình diễn sân khấu hóa một số tác phẩm theo sách. Tại Quảng trường 3-2 tổ chức biểu diễn nghệ thuật múa rối nước; trưng bày sản phẩm của nghệ thuật múa rối nước; giới thiệu nghệ thuật thư pháp; giao lưu văn nghệ giữa một số trường THPT trên địa bàn tỉnh và trưng bày, giới thiệu, phục vụ sách, báo, tạp chí, kết hợp triển lãm số và trưng bày một số tư liệu, hình ảnh tiêu biểu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” và các gian trưng bày, giới thiệu sách và công nghệ số hóa tư liệu sách như: Kho học liệu 3D gồm tư liệu về học tập, sách báo ở tất cả chủ đề, môn học như: Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Hóa học, Vật lý, Toán học, Âm nhạc…; Trải nghiệm du lịch thông minh qua kính công nghệ thực tế ảo, thiết bị máy đọc sách thông minh; rô-bốt thông minh… Ngoài các chương trình tập trung, hệ thống thư viện từ tỉnh đến các xã, thị trấn đã tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách; hướng dẫn kỹ năng đọc sách, kỹ năng tìm kiếm thông tin trên sách; treo băng-rôn, khẩu hiệu chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại trụ sở, hệ thống cửa hàng, nhà sách. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào đọc sách trong cán bộ, giáo viên, học sinh. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tìm kiếm thông tin trực tuyến; kỹ năng tiếp nhận và sử dụng tài nguyên thông tin thông qua việc đọc; bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành thư viện cho cán bộ thư viện trường học làm nòng cốt cho việc hướng dẫn kỹ năng đọc sách; truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh, góp phần xây dựng phong trào công dân học tập, xã hội học tập. Khuyến khích cha mẹ học sinh đồng hành, ủng hộ các phong trào xây dựng tủ sách lớp học; tổ chức các hoạt động luân chuyển sách, báo, tài liệu và trưng bày, giới thiệu sách; xây dựng các góc đọc, thư viện cùng học và phát động, tổ chức phong trào, chương trình quyên góp, ủng hộ sách vở, hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các “Tủ sách học đường” cho các trường học có điều kiện khó khăn. Những hoạt động ý nghĩa này không chỉ khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

 Từ những kết quả ban đầu đáng khích lệ, để Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam không chỉ dừng lại là một hoạt động có tính sự kiện mà thật sự trở thành một phong trào rộng khắp, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, hành động của cộng đồng đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức cần có những sáng kiến, giải pháp mang tính ứng dụng cao để sách luôn hiện diện trong đời sống hàng ngày./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com