Độc đáo nghệ thuật kéo chữ trong các lễ hội

10:07, 28/04/2023

Cùng với các di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc, Nam Định có nhiều lễ hội quy mô, đặc sắc thể hiện qua các nghi lễ và trò chơi dân gian. Trong đó, lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) và lễ hội truyền thống đình làng Đồng Côi (Nam Trực) hiện còn lưu giữ nghệ thuật kéo chữ độc đáo gắn với các sự tích lịch sử về nhân vật phụng thờ.

Xếp chữ Quốc trong lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản).
Xếp chữ Quốc trong lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản).

Đến lễ hội Phủ Dầy, đông đảo nhân dân địa phương và du khách được thưởng thức màn biểu diễn Hoa trượng hội (kéo chữ) độc đáo. Theo các bậc cao niên ở xã Kim Thái, tương truyền vào thế kỷ XVII, ở vùng Kẻ Dày có cô gái tên là Ngô Thị Ngọc Đài được tuyển vào phủ Chúa Trịnh làm phi tần. Thời ấy, lũ lụt liên tiếp, dân phu các nơi mỗi năm phải về kinh đắp đê sông Nhị Hà (sông Hồng). Dân vùng Kẻ Dày ở hạ lưu của sông Nhị Hà bị lụt lội vẫn phải theo lệnh triều đình lên kinh đắp đê. Thấy dân phu đắp đê đói khổ, Vương phi Ngô Thị Ngọc Đài đã xin Chúa Trịnh thương tình. Sau đó, Chúa Trịnh cấp phát lương thực cho dân phu về quê lo sửa chữa đê điều ở địa phương. Trước khi dân phu về, Vương phi dặn họ vào Phủ Dầy tạ ơn Mẫu Liễu Hạnh. Về đến quê nhà, vì quá vui mừng, dân phu mang theo những công cụ đào đất tập hợp tại sân Phủ xếp thành chữ: “Thánh Cung Vạn Tuế”, rồi cả đoàn người cúi lạy Mẫu để tỏ lòng biết ơn. Từ đó trở đi, hàng năm đến kỳ lễ hội, người dân lại tổ chức kéo chữ. Qua thời gian, các nông cụ được cải tiến bằng gậy buộc hoa, dây trang trí đẹp mắt. Mỗi màn biểu diễn hoa trượng hội, Ban tổ chức huy động từ 240 đến 280 người với trang phục đầu cuốn khăn đỏ, viền vàng, bụng thắt khăn đỏ, viền vàng, quần trắng, chân cuốn xà cạp đỏ. Gậy xếp chữ được chuẩn bị dài khoảng 4m, cuốn giấy nhiều màu, đầu gậy có “ngù” bằng lông gà. Người tham gia kéo chữ được xếp thành 4 hoặc 8 đội, mỗi đội phân tổng cờ và đốc cờ. Chỉ huy kéo chữ phải có trống cái, trống tiểu ra lệnh để tổng cờ, đốc cờ ém quân, kéo quân theo nhịp trống. Mọi người trong đội theo điều khiển của tổng cờ tiến lui, ra vào tạo thành chữ mô phỏng tục đặt cuốc, xẻng xưa. Khi xếp thành chữ, tổng cờ mời một bậc cao niên trong Ban giám khảo có học vấn duyệt chữ. Sau khi chấm điểm, Ban gián khảo ban lệnh bài thu quân để tiếp tục xếp chữ khác. Các chữ thường xếp là chữ Hán: “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”, “Hòa cốc phong dương” hay “Quang phục thánh thiện”… thể hiện mơ ước của cư dân nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhắc nhở nhân dân mãi nhớ công đức của Thánh Mẫu. Những năm gần đây, trước khi vào chương trình biểu diễn Hoa trượng hội, ở Phủ Tiên Hương còn tổ chức hát chèo, chầu văn, múa rồng tạo thành các hoạt động văn hóa phong phú, đan xen, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tới chiêm bái. 

Đội hình xếp chữ trong lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản).
Đội hình xếp chữ trong lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản).

Ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực), vào các ngày mồng 4 và 5 tháng 6 (âm lịch) hàng năm, dân làng Đồng Côi, tổ chức lễ hội truyền thống tại đình làng để tưởng nhớ công lao của thành hoàng làng Quý Minh Anh Thông Đại Vương có công khai hoang, mở đất. Đặc sắc nhất trong phần hội làng là màn kéo chữ được tổ chức 2 năm một lần. Theo các tư liệu lịch sử, Quý Minh Anh Thông Đại Vương sau khi dẹp giặc đã về gò Miễu của làng Đồng Côi dạy người dân làm ăn sinh sống. Hàng năm, ông tổ chức kéo chữ với mong ước nhân dân có cuộc sống an lành. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công lao, dân làng đã lập đình thờ ông và tái hiện tục kéo chữ. Nghệ thuật kéo chữ của người dân Đồng Côi trải qua những quy trình nghiêm ngặt. Người tham gia kéo chữ được gọi là quan viên hội tự, trong đó bộ khung gồm 16 người chia thành 8 hàng với người đầu là cầm đao, người cuối cầm cờ. Ở giữa các hàng là 10 thanh niên mặc quần áo quân sĩ, đầu đội nón, tay cầm gậy buộc dây trang trí. Tổng cộng 8 hàng sẽ có gần 100 người tham gia kéo chữ. Các chữ được kéo thường là chữ Hán như “Thiên hạ thái bình”, “Dĩ dân vi bản”… thể hiện sự biết ơn của con cháu trong làng đối với các bậc tiền nhân. Quy trình kéo chữ gồm 3 chương, trong đó chương 1 là nghi thức lễ bái. Chương 2 kéo chữ, tổng cờ kéo quân ra vòng quanh hồ rồi vào sân. Trong quá trình kéo chữ, người chỉ huy sẽ đọc trên loa ý nghĩa của chữ được kéo cho nhân dân được biết. Khi kéo chữ xong và có hiệu lệnh, tất cả những người tham gia ngồi và đặt gậy xuống đất. Lúc này, chủ hội là người cao tuổi nhất trong làng sẽ đi duyệt chữ và ban thưởng. Sau đó, tổng cờ lại dẫn quân vòng quanh hồ vào sân đình kéo các chữ tiếp theo. Kết thúc chữ cuối cùng, đoàn người đồng thanh hô vang 4 chữ vừa xếp hòa cùng tiếng chiêng, trống. Chương 3, tất cả những người tham gia kéo chữ xếp thành 4 xoáy ốc nhỏ và một xoáy ốc lớn ở giữa gọi là ngũ nhạc. Ngoài ra xoáy ốc còn tượng trưng cho ngũ dinh là 5 doanh trại gồm tiền doanh, hậu doanh, tả doanh, hữu doanh và trung doanh. Với đặc thù mỗi lần kéo diễn ra 3-4 tiếng nên Ban tổ chức lễ hội tổ chức các trò chơi dân gian khác xen kẽ như múa lân, đấu vật… để thu hút người dân trong thôn và khách thập phương tham dự.

Nghệ thuật kéo chữ là một trong những thành tố quan trọng trong lễ hội Phủ Dầy, lễ hội làng Đồng Côi. Nhằm phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành chức năng huyện Vụ Bản và Nam Trực luôn quan tâm tới công tác tổ chức, quản lý lễ hội theo Quyết định 17/2013 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ban tổ chức lễ hội đã xây dựng kịch bản lễ hội khoa học, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, tạo sức hấp dẫn cho du khách tham dự lễ hội. Các nhà trường ở xã Kim Thái (Vụ Bản) và thị trấn Nam Giang (Nam Trực) đã chú trọng tuyên truyền nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương bằng nhiều hình thức như thông qua các bài diễn văn, bài phát biểu tại các lễ kỷ niệm, bài nói chuyện của các nghệ nhân. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động ngoại khóa được tổ chức như cho học sinh tham quan di tích, tham gia các trò chơi dân gian trong ngày hội truyền thống ở địa phương.

Điểm chung của nghệ thuật kéo chữ ở lễ hội Phủ Dầy và hội làng Đồng Côi là đòi hỏi đông người tham gia với tính thống nhất cao, giàu tính cộng đồng với các động tác uyển chuyển của vũ đạo dân gian. Ngoài ý nghĩa gắn kết cộng đồng, nghệ thuật kéo chữ ở 2 lễ hội còn là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, góp phần giúp thế hệ trẻ nhớ về công lao của cha ông và tự hào về truyền thống của quê hương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com