Lễ hội “Thái bình xướng ca” - Nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống

07:46, 03/03/2023

Xã Thành Lợi (Vụ Bản) -  nơi lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống gắn với những tên đất, tên làng cổ, thể hiện đậm nét qua hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, đa dạng, từ di tích lịch sử - văn hóa đến lễ hội dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng đặc sắc. Trong đó, lễ hội “Thái bình xướng ca” (còn gọi là lễ hội làng Gạo, lễ hội làng Quả Linh) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (theo Quyết định số 155/QĐ-BVHTTDL ngày 2-2-2023).

Múa rồng mây ở lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản). 
Ảnh: Viết Dư

Múa rồng mây ở lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản).

Ảnh: Viết Dư

Giá trị lịch sử sâu sắc

Theo các tư liệu lịch sử lưu giữ tại địa phương, vào thời Hùng Vương, 18 dòng họ (thập bát gia tiên) từ nhiều nơi đã về vùng đất Thiên Bản xưa (nay là huyện Vụ Bản) khai cơ, lập ấp, hình thành nên mảnh đất Cảo Linh - Quả Linh (làng Gạo), nay là thôn Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản). Tại đây, các dòng họ đã đoàn kết, cùng nhau xây dựng, phát triển quê hương, xây dựng nên hệ thống thiết chế công trình tôn giáo, tín ngưỡng dày đặc, phong phú như: Đền Đông, Đền Tây, Đám Hát, chùa làng, điện thờ và hệ thống các từ đường, điếm canh... đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời Đinh - Tiền Lê đến thời Trần, làng Gạo là nơi triều đình đặt kho lương (Đình Đụn) để tích trữ lương thảo, có đội quân vận chuyển lương thực, góp phần quan trọng để quân dân nhà Trần 3 lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông, thế kỷ XIII. Tương truyền, sau chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ 3 trên sông Bạch Đằng (năm 1288), ghi nhận công lao của dân làng đảm bảo hậu cần lương thảo cho quan quân đi đánh giặc, Vua Trần ban thưởng đặc ân cho nhân dân làng Gạo mở hội ca hát để ăn mừng chiến thắng, đất nước thái bình.

Vì thế từ xa xưa, người dân Quả Linh vẫn truyền tụng câu ca: “Vua Trần có lệnh tuyển binh/ Đánh giặc Nguyên thắng, Thái Bình xướng ca/ Ba năm một lệ làng ta/ Dần, Thân, Tỵ, Hợi hát ca vui mừng”. Vì vậy, lễ hội “Thái bình xướng ca” có nguồn gốc từ thời Trần, được người dân làng Gạo tổ chức 3 năm 1 lần (hội chính) vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, từ ngày mồng 5 đến 15-3 âm lịch (trước đây) với nhiều nghi lễ truyền thống và hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo. Theo lễ cũ, ngày mồng 5-3 âm lịch là ngày tế giao (lễ giao công việc cho mọi người), mồng 6-3 tập nghi (tập các nghi lễ trong lễ hội), mùng 7-3 là ngày kén trai khênh kiệu và dân làng tập trung cùng dựng Đình Đụn, ngày 8-3 trai làng Quả Linh lên hội Phủ Dầy dự hội và diễn trò kéo chữ (Hoa trượng hội), ngày 9-3 bắt đầu là ngày làng vào đám (chính lễ).

Đồng chí Nguyễn Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Lợi cho biết: Lễ hội “Thái bình xướng ca” được cộng đồng địa phương duy trì tổ chức liên tục qua các giai đoạn lịch sử thời Hậu Lê - Nguyễn. Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lễ hội được nhân dân tổ chức trang trọng với quy mô lớn. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do chiến tranh và điều kiện kinh tế khó khăn nên lễ hội không được duy trì tổ chức thường xuyên. Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, với sự phát triển kinh tế - xã hội, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, nghiên cứu tổng thể di tích Đền Đông và lễ hội làng Gạo, trên cơ sở đó phục hồi tổ chức lễ hội “Thái bình xướng ca” vào năm 1992. Năm 1993, di tích Đền Đông được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Giai đoạn 2007-2009, ông Vũ Quang Triệu, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vụ Bản bằng tâm huyết giữ gìn văn hóa truyền thống quê hương đã quay phim, ghi lại các hoạt động nghi lễ, trò chơi dân gian trong lễ hội “Thái bình xướng ca” rồi dựng thành phim tư liệu “Làng Gạo - Đậm đà bản sắc văn hóa dân gian” phục vụ cho công tác lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống”.

Nét đẹp văn hóa trong lễ hội

Lễ hội “Thái bình xướng ca” đã trải qua trên 700 năm tồn tại, phát triển và ngày nay vẫn được chính quyền, nhân dân địa phương duy trì tổ chức 3 năm 1 lần vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, từ ngày mồng 9 đến 11-3 âm lịch với đầy đủ các hoạt động truyền thống. Lễ hội chủ yếu diễn ra tập trung tại Đám Hát, ao Đồng Đoài của làng Gạo. Các nghi lễ như: tế cáo, rước kiệu Thánh và nhang án 18 cụ tổ lập làng, tế nam quan, tế nữ quan, lễ bán dạ (nửa đêm)… đã thể hiện đậm nét phong tục tập quán cộng đồng trong tín ngưỡng thờ tổ tiên, Thành hoàng làng gắn với văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Những hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian tiêu biểu của lễ hội như: dựng Đình Đụn, đua thuyền tải lương, thi dệt vải trên hồ, đánh cờ đèn dưới nước, hát trống quân, chơi tổ tôm điếm, tam cúc điếm, đấu vật, chơi đu, bịt mắt đập niêu, đi cầu kiều, hát chèo, hát quan họ, múa gậy, múa kiếm, múa rồng mây… đều mang tính cộng đồng và được bảo tồn, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Làng Quả Linh có hai đền gọi là Đền Đông (hay còn gọi là Đền Gạo nằm ở đầu làng) và Đền Tây nằm ở cuối làng; Đám Hát và Đình Đụn nằm ở giữa làng. Tuy nhiên, Đền Tây đã bị chiến tranh phá hủy nên khi vào đám lễ, dân làng đặt hương án tại nền cũ của đền. Đám Hát là nơi đặt bài vị thờ đức Thánh Trần, 18 ông tổ của 18 họ và các vị thần bản cảnh. Đám Hát cao khoảng 10m, có tám mái và 16 cột, phía trước có sân gạch khá rộng là nơi tổ chức lễ hội. Đình Đụn được dựng ở sân gạch phía trước Đám Hát. Đình Đụn vốn là kho chứa lương của cư dân vùng miền hạ Vụ Bản phục vụ đội tải lương cho triều đình. Đình Đụn là một công trình khá độc đáo trong lễ hội; đình cao 8m, dài 15m, rộng 8m. Tất cả các nguyên liệu dựng đình Đụn được các xóm, các giáp lo chuẩn bị trước đó hàng tháng. Qua công việc dựng Đình Đụn thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết cộng đồng trách nhiệm của người dân nơi đây. Mọi người cùng vui vẻ góp công góp của. Ở đây vẫn truyền tụng câu ca rằng: “... Trong làng bốn giáp thôn dân/ Dựng kèo, kéo cột âm thầm vui thay/ Đồng tâm kéo có một ngày/ Kéo lên Đình Đụn cao ngây nhất trời/ Tiếng đồn đã khắp mọi nơi/ Cảo Linh vào đám ngất trời là cao...”.

 Làng Gạo có nghề dệt vải truyền thống; đặc biệt, làng có chợ Gạo được coi là trung tâm kinh tế của xã Thành Lợi. Cuộc thi dệt vải trên ao trong lễ hội là nhằm tôn vinh nghề dệt truyền thống của dân làng, được tổ chức trên ao Đồng Đoài phía trước Đám Hát. Khung cửi nhỏ được đặt trên bè gỗ, kích thước 1m x 1,5m ở giữa ao. Theo phân công mỗi xóm cử ra một người để thi dệt vải. Trước khi vào thi, người lãnh xướng thông qua thể lệ, mỗi người dệt 1 vuông vải trên khung cửi đã mắc sợi, thoi suốt có sẵn trên khung. Trên bờ, người dân các xóm tập trung hát động viên, khích lệ người thi. Trong lúc người thi dệt vải, người lĩnh xướng hát bài “Làng Gạo dệt vải” theo điệu hát Trống quân, quần chúng phụ họa hát cùng theo tiếng trống thùng thình: “Ai về làng Gạo quê em/ Có nghề dệt vải quẫy quàng thoi đưa/ Nghề dệt mẹ cha ngày xưa/ Cú kêu chân dận, thoi đưa nhịp nhàng/ Đưa thoi, tua suốt rộng ngang/ Dệt ra tấm vải, công chàng, công em/ Trẻ già, trai gái nghề quen/ Có nghề dệt vải quê em đẹp giàu”. Người thắng cuộc là người dệt nhanh không mắc lỗi; ai làm rơi thoi trong lúc dệt sẽ bị loại. Cuộc thi cứ thế tiếp tục lần lượt hết các xóm. Phần thưởng cho người chiến thắng là những dải lụa đào kèm theo tiền thưởng.

Theo sử truyền, từ xưa, làng Gạo có đội vận chuyển lương thực bằng thuyền rất giỏi với truyền thống “Cả làng chuyển thóc nhà vua/ Đủ cho quân sĩ bốn mùa lương ăn”. Bởi vậy, trong lễ hội “Thái bình xướng ca”, dân làng đã tái hiện lại tích đoàn thuyền tải lương bằng đường thủy vào phục vụ quan quân triều đình. Cuộc thi đua thuyền tải lương được tổ chức trên ao Đồng Đoài (đoạn từ cầu 2 xóm Bến đến cầu 1 xóm Đông) với chiều dài đường đua khoảng 500m. Thuyền đua là thuyền nan, đặt 2 bao trấu ở 2 đầu (tượng trưng bao lương thực), người chèo thuyền ngồi ở giữa. Ngoài ra, còn có 1 thuyền rồng 6 mái chèo, có tướng phất cờ và 1 người đánh trống thúc dẫn đầu đoàn thuyền đua. Khi các thuyền đã chuẩn bị xong, tập trung ở cầu xóm Bến, sau hồi trống lệnh, thuyền chỉ huy phất cờ, đoàn thuyền đua về hướng cầu xóm Đông (qua trước Đám Hát). Đến cầu xóm Đông, thuyền đua nhận 1 lá cờ nhỏ (hoặc một thẻ tre) rồi quay trở lại về cầu xóm Bến. Thuyền nào về đích với thời gian nhanh nhất thì thắng cuộc, sẽ được làng ban thưởng. Câu chuyện những đoàn thuyền tải lương của nhà Trần cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ binh sĩ đánh giặc mang ý nghĩa giáo dục về ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết cho thế hệ trẻ. Điểm đặc sắc nữa của lễ hội “Thái bình xướng ca” là sự xuất hiện của cặp “song long”: rồng vàng - rồng xanh với những điệu múa rồng uyển chuyển, đẹp mắt. Điều đặc biệt của đôi rồng này là rồng được làm bằng mây - một loại cây thân leo mọc phổ biến ở địa phương, dây mây dẻo, bền lại nhẹ, bện thân rồng vừa dễ tạo hình, rồng có độ bay khi múa. Không những thế sản phẩm còn cho thấy sự tài hoa khéo léo của người dân Quả Linh trong các nghề thủ công đan dệt. Rồng vàng tượng trưng cho “Thiên tử” - Vua Trần, rồng xanh tượng trưng cho các tầng lớp nhân dân. Múa rồng trong lễ hội thể hiện chính sách “thân dân”, “dĩ dân vi bản” của vua tôi nhà Trần và thể hiện sự đóng góp của nhân dân làng Gạo vào chiến thắng chung trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược.

Lễ hội “Thái bình xướng ca” là một trong những đặc trưng tiêu biểu của bản sắc văn hóa làng truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng với các giá trị gắn kết, hòa quyện giữa văn hóa làng xã với văn hóa dòng họ, gia đình, người dân. Các hoạt động trong lễ hội thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư nơi đây qua những phong tục tập quán mang đặc trưng văn hóa của cư dân vùng nông nghiệp lúa nước với ước nguyện “Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc”. Tham gia lễ hội “Thái bình xướng ca”, người dân không chỉ được thỏa nguyện tín ngưỡng tâm linh mà còn được thưởng ngoạn vẻ đẹp của quần thể di tích lịch sử - văn hóa quê hương, nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của ông cha, được tham gia các hoạt động lễ hội tái hiện không gian văn hóa thời Trần vô cùng hấp dẫn. Lễ hội “Thái bình xướng ca” được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của người dân xã Thành Lợi mà còn là sự ghi nhận đề cao ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân huyện Vụ Bản trong việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị, tư tưởng nhân văn của lễ hội. Qua đây, tiếp tục huy động cộng đồng tham gia bảo tồn, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của địa phương./.

Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com