Cỗ dâng Thánh - Lan tỏa giá trị văn hóa ẩm thực đặc sắc

07:13, 25/01/2023

Nam Định là vùng đất bảo lưu được nhiều giá trị, di sản văn hóa phi vật thể với hơn 100 lễ hội dân gian diễn ra từ dịp đầu xuân đến cuối thu. Mỗi lễ hội là một hình ảnh thu nhỏ biểu đạt các giá trị văn hóa truyền thống của từng vùng, miền. Trong đó, ở một số lễ hội có tục làm cỗ dâng Thánh, rước cỗ... là những phong tục thể hiện nét đẹp văn hóa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với tổ tiên, các bậc tiền nhân, các vị anh hùng dân tộc trong lịch sử, truyền thuyết - những người có công với quê hương, đất nước, được nhân dân suy tôn làm Thánh, Thần, Thành hoàng làng…

Ảnh 1: Người dân chuẩn bị cỗ dâng Đức Thánh Kiều Công Hãn trong lễ hội Đền Gin, xã Nam Dương (Nam Trực).
Người dân chuẩn bị cỗ dâng Đức Thánh Kiều Công Hãn trong lễ hội Đền Gin, xã Nam Dương (Nam Trực).

Vụ Bản là vùng đất cổ, có hàng chục lễ hội mùa xuân. Một trong những hoạt động “phần hội” mang nét đặc trưng ở lễ hội Vụ Bản là mỹ tục thi cỗ dâng Thánh được người dân bảo tồn và phát huy; tiêu biểu như: hội thi cá làng An Nhân, xã Thành Lợi; hội thi gà thị trấn Gôi; hội thi bánh làng Bịch, xã Minh Thuận… Đặc sắc nhất là “hương vị” Tết Lùng Cùng (Tết Bánh khúc, Tết Vỗ bồ) ở xã Liên Minh với cuộc thi làm bánh khúc xuất phát từ tục “ăn Tết lại” của người dân thôn Thượng, thôn Tâm và thôn Tiền. Tương truyền, vùng đất trấn Sơn Nam Hạ xưa có một vị tướng danh tiếng tài giỏi, có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi. Có một năm, vì phải đi đánh trận bảo vệ bờ cõi, ông và quân sĩ không kịp về ăn Tết cùng gia đình. Đến tận đầu tháng 2 âm lịch năm đó, đội quân do ông làm thủ lĩnh giành chiến thắng trở về và tổ chức ăn mừng. Song vì đánh giặc dài ngày, lương thảo dự trữ không còn nhiều để làm bánh trưng, bánh dầy truyền thống, mà quân sĩ thì cũng đã mệt. Bấy giờ đang là mùa xuân, trên các cánh đồng đã gặt thường mọc một loài cỏ dại có những chiếc lá nhỏ li ti màu xanh trắng, khi vò nát có mùi thơm dịu như mùi gạo nếp. Ông đã nghĩ ra cách “độn” cho đủ nguyên liệu bằng cách giã rau khúc trộn với số gạo dốc bồ (vỗ bồ) còn lại để làm bánh. Những chiếc bánh được nặn hình tròn trịa, trong lớp vỏ bột đã được “độn” rau khúc có đủ cả nhân đỗ xanh, thịt lợn ướp hành, mắm, hạt tiêu thơm lừng, đậm đà và khi mang đồ/hấp chín rất nhanh (kịp cho quân sĩ đang đói và khí thế khải hoàn đang hân hoan) cũng có màu xanh như bánh chưng để tế cáo Trời Đất, sau đó bánh được phát cho quân sĩ và người dân cùng thưởng thức. Mọi người đều trầm trồ thích thú về loại bánh đặc biệt mang đầy đủ hương sắc đất trời quê hương ngày xuân. Từ đó về sau, cứ vào đầu tháng 2 âm lịch, bà con các làng này lại tổ chức Tết Lùng Cùng tri ân tiền nhân. 

Thi làm bánh dầy trong lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Ở huyện Nam Trực có nhiều lễ hội gắn với các nghề thủ công truyền thống và nghề nông. Nét đẹp văn hoá ẩm thực trong lễ hội thể hiện khá rõ sự tinh tế trong ẩm thực của người dân địa phương, từ cách chọn gạo làm bánh dầy, cách nuôi lợn, chọn gà để làm lễ dâng Thánh. Gà bày trên mâm dâng Thánh phải đặt khéo sao cho cổ thẳng, đầu ngẩng cao, cánh xoè; cá chép sau khi mổ được đan lồng tre cho vào bụng cá để tạo dáng căng phồng, giữ nguyên vây, vẩy và được nướng chín bằng than củi… Cứ 2 năm một lần vào năm chẵn, vào ngày rằm tháng 11 âm lịch, tại Đình làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, người dân lại tưng bừng mở hội tưởng nhớ “Lục vị Thánh tổ” - những người có công dạy dân làng nghề rèn. Phần lễ có các hoạt động: dâng hương, rước kiệu, tế nam quan, dâng lễ vật. Lễ vật dâng lên các vị Thánh tổ gồm: xôi có màu sắc đẹp, nhiều loại bánh được kết thành hình những chiếc oản khổng lồ… Xã Nam Mỹ có nhiều lễ hội ghi dấu ấn ẩm thực bản địa đặc sắc ở các di tích: Đền Đồng Phù, Đền Đức Ông, Đền - Chùa Vô Hoạn, khu lăng mộ thờ Quế Hoa Công chúa Trần Thị Ngọc Trân, Chùa Sùng Khánh. Các lễ vật dâng ở chùa là các món đồ chay, tịnh như: oản, xôi, trầu cau, hoa quả; dâng ở đền, lăng gồm: thịt gà, thịt lợn, cá, xôi… Lễ hội Đền Gin, xã Nam Dương là nơi hội tụ đầy đủ giá trị văn hóa cỗ dâng Thánh mang đặc trưng nền văn minh lúa nước với các nghi thức tế cá trắm đen, làm cỗ giò,… Với đôi tay tài hoa, khéo léo, người dân của 2 xã Nam Dương, Bình Minh đã lựa chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất, những sản vật nông nghiệp của địa phương, sáng tạo ra nhiều loại cỗ như: “cỗ ngọc”, “cỗ các”, “cỗ đường”, “cỗ mặn”, “cỗ tứ linh”, “cỗ ngũ sắc”... để tỏ lòng thành kính với Đức Thánh Kiều Công Hãn - người có công giúp Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Những mâm cỗ dâng Thánh trong lễ hội Đền Gin được người dân địa phương chuẩn bị chỉn chu, tỉ mỉ từng công đoạn, không chỉ đậm đà hương vị cỗ quê hương mà còn có tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao từ cách phối hợp vị, trình bày... Trong ngày hội, hơn 40 kiệu cỗ của các xóm bày biện, trang trí bắt mắt tham gia đám rước kéo dài hàng cây số. Cỗ sau khi chấm giải sẽ được chọn để dâng Thánh và thụ lộc trong niềm hân hoan, phấn khởi của người dân và du khách thập phương.

Du khách tìm hiểu, trải nghiệm cỗ giò dâng Thánh tại Đền Gin, xã Nam Dương (Nam Trực).
Du khách tìm hiểu, trải nghiệm cỗ giò dâng Thánh tại Đền Gin, xã Nam Dương (Nam Trực).

Ở xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), hàng năm, từ mồng 10 đến 12 tháng Giêng, tại Đền Hạ Kỳ, nhân dân lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày mất của Tướng quân Đinh Lôi. Trong lễ hội có các trò vui mang nhiều ý nghĩa như: thi nấu cơm, thi làm bánh dầy… Tại xã Yên Trị (Ý Yên), hàng năm, từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng, làng Tướng Loát tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày mất của Chu sư Đại tướng Ngô Quý Duật; trong đó các nghi lễ tế được tiến hành trọng thể. Ngày mồng 6 (khai hội), dân làng tổ chức lễ cơm mới. Ngày mồng 7 tổ chức rước sắc thần, tế lễ, yến lão. Ngày mồng 8 (chính hội) diễn ra các cuộc thi: nấu cỗ, thi nấu cơm, làm bánh dầy... Ở lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) từ 12 đến 15 tháng Giêng có tục thổi cơm thi để dâng Thành Hoàng làng Hoàng Văn Quảng. Phần thi thổi cơm đặc biệt với sự tham gia của 6 giáp, mỗi giáp 14 nam giới đảm nhiệm tất cả các công việc từ “địch thủy” (lấy nước), “địch hỏa” (tạo lửa) bằng tay đến việc thổi cơm trong niêu treo trên cần trúc, gánh trên vai. Cùng với thổi cơm, các giáp còn thi làm cỗ chay gồm 4 loại bánh khác nhau: bánh ống, bánh bìa, bánh phong, bánh giáo và bát chè đường. Xưa kia, mâm cỗ đạt giải Nhất được dành riêng để Chánh Tổng đem biếu các tổng bạn vừa để tỏ lòng kính trọng, hòa hảo vừa để khoe mỹ tục của Tổng mình. Ngày nay, sau khi tan hội, cỗ của các xóm được chia đều cho tất cả dân làng để mọi người, ai cũng được hưởng lộc Thánh.

Món cỗ giò dâng Thánh của người dân khu dân cư Vọc, thôn Phúc Thiện, xã Nam Dương (Nam Trực).
Món cỗ giò dâng Thánh của người dân khu dân cư Vọc, thôn Phúc Thiện, xã Nam Dương (Nam Trực).

Về Nam Định tham dự các lễ hội truyền thống, người đi lễ sẽ được hòa mình vào các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có cơ hội tìm hiểu về các tục lệ làm cỗ dâng Thánh đầy ý nghĩa, thưởng thức những món đặc sản ẩm thực của quê hương. Giá trị văn hóa cỗ dâng Thánh trong các lễ hội ở Nam Định từ lâu đã trở thành điểm nhấn văn hóa ẩm thực công phu, cầu kỳ từ những món ăn bình dị nhất. Mỗi món mang sắc thái, ý nghĩa riêng, nhưng đều có điểm chung là hướng về nguồn cội dân tộc, biểu đạt ước vọng thiên hạ thái bình, mưa thuận gió hoà, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Bài: Khánh Dũng
Ảnh: Khánh Dũng - Viết Dư



Giá Glenlivet 18 chính hãngđặt tiệc tại nhà ở đâu ngon 101 công thức làm sữa hạt bằng máy đơn giản nhấtNhà hàng Lalaland Bình Khánh Khám phá Best Vietnamese Food Quang Huy sản xuất thiết bị bếp công nghiệp giá rẻ

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com