Nam Trực bảo tồn, phát huy giá trị các di tích thờ danh nhân văn hóa

08:37, 30/12/2022

Nam Trực là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, khoa bảng. Để giáo dục truyền thống yêu nước, khoa bảng cho thế hệ trẻ, người dân các địa phương đã lập đền, đình thờ các bậc hiền tài, đỗ đạt cao, có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước. Trong số 71 di tích lịch sử - văn hóa của huyện đã được Nhà nước xếp hạng, có hơn 30 di tích thờ các danh nhân văn hóa của quê hương.

UBND xã Nghĩa An tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Đền Tây và Chùa Vân Đồn tháng 9-2022.
UBND xã Nghĩa An tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Đền Tây và Chùa Vân Đồn tháng 9-2022.

Các di tích tiêu biểu

Đền Thượng Lao, đền Xối Thượng, xã Nam Thanh thờ Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Tiến sĩ Lê Hiến Tứ được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2001. Theo tư liệu, Bảng nhãn Lê Hiến Giản (Lê Hiến Phủ) và Tiến sĩ Lê Hiến Tứ là anh em sinh đôi (sinh ngày 10-2 năm Tân Tỵ - 1341) tại trang Thượng Lao, huyện Tây Chân (nay thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Trực). Năm 1374, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông về cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường mở khoa thi Đình, Lê Hiến Giản đỗ Bảng nhãn, Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ. Lê Hiến Giản làm quan đến chức Thị lang Đại học sĩ Tri thẩm Hình viện trông coi việc pháp luật của triều đình. Lê Hiến Tứ làm quan Hạ đại phu và được vua điều đi trấn thủ Cao Bằng, có công dẹp giặc tại vùng Quảng Nguyên (nay là tỉnh Quảng Ninh) được thăng chức Trung lang tướng quân và Trấn nam tướng quân. Trong thời gian trấn thủ ở phủ Thiên Trường, Lê Hiến Giản đã có công chuyển cư, lấn biển, khai phá đất hoang ở các vùng thuộc huyện Giao Thủy, Xuân Trường ngày nay. Sau khi 2 ông mất, cứ 3 hoặc 6 năm, triều đình lại tổ chức lễ hội gia ban quốc tế để tế lễ vào ngày mất của 2 ông. Lễ hội có rước bài vị của 2 ông đi quanh làng về đền Thượng Lao hợp tế. Di tích đền Thượng Lao và Xối Thượng ngày nay đã trở thành một trung tâm văn hóa làng xã nhằm tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và công lao to lớn của hai vị đại khoa Lê Hiến Giản, Lê Hiến Tứ. 

Đền Gin, thôn Chiền, xã Nam Dương được xếp hạng Di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1964, do người dân địa phương lập ra để tưởng nhớ và tri ân công đức của Sứ quân Kiều Công Hãn, vị tướng giúp Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở đầu thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc. Đền Gin là di tích còn bảo lưu gần như trọn vẹn phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ thứ XVII- XVIII), thể hiện bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các nghệ nhân thời xưa. Lễ hội đền Gin diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Chạp hàng năm, với các nghi thức và sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như: rước kiệu, tế, rước nước, hát chèo, chọi gà. Đền Đá thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, ngoài việc thờ ba vị tướng thời kỳ Hùng Vương, thờ 12 vị tổ (thập nhị gia tiên tổ) của 12 họ sớm về đây lập làng, tại đền còn phối thờ hai vị đại khoa họ Hoàng và họ Lưu. Đền Đá còn giữ được khá nhiều đồ thờ tự xưa như: sập thờ, kiệu long đình, bát cống rất đẹp và có giá trị. Đền Cổ Da, làng Xuân Lôi, xã Nam Hùng là di tích thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu - là tấm gương hiếu học, năm 55 tuổi thi đỗ Trạng nguyên, làm quan tới chức Lại bộ tả thị lang, là người thanh liêm, cương trực. Đền Giao Cù (còn gọi là đền Đăng Long hay đền thờ ông nghè Giao Cù, xã Đồng Sơn) thờ Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi. Khoa thi năm Ất Hợi (1875), ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, sau đó được bổ chức Quang lộc tự Thiếu khanh rồi thăng Tả lý bộ Binh. Năm 1881, ông được bổ làm Thượng biện tỉnh Nam Định. 

Bên cạnh hệ thống đền, đình, chùa, huyện Nam Trực có hơn 100 từ đường thờ các vị tổ, trong đó có 13 từ đường được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, là các di tích do con cháu các dòng họ và nhân dân địa phương lập ra để tri ân công đức các vị Tổ có công tạo dựng làng xã, những vị quan thanh liêm có công với dân, với nước, những nhà khoa bảng, những vị tổ nghề... Tiêu biểu như: từ đường họ Vũ, họ Phạm, họ Nguyễn Đình (Nam Cường); họ Triệu (Nam Hoa); họ Đỗ, họ Nguyễn (Nam Tiến); họ Đặng, họ Vũ (Nam Hồng); họ Đỗ Đình (Điền Xá); họ Phạm (Nam Thái); họ Tống (Tân Thịnh); họ Vũ (Đồng Sơn)... Đặc biệt, hiện có tới 21 ngôi từ đường thờ các nhà khoa bảng có quê gốc tại Nam Trực, điều này minh chứng từ xa xưa Nam Trực là vùng đất có truyền thống học hành khoa bảng, cung cấp nhân tài cho đất nước. Ngoài ra từ đường vừa là nơi lưu giữ thân thế sự nghiệp của các nhà khoa bảng, vừa là nơi khơi nguồn cho truyền thống phát triển học tập thi cử của các thế hệ mai sau.

Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích

Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, các ngành chức năng, các địa phương của huyện Nam Trực đã quan tâm công tác quản lý, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn huyện, góp phần bảo tồn di sản văn hoá truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đối với 71 di tích đã được xếp hạng, các địa phương đều thành lập Ban Quản lý di tích; ban hành quy chế quản lý di tích và tổ chức lễ hội; tăng cường kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. 

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua công tác xã hội hóa tu bổ, chống xuống cấp và phát huy giá trị di tích đã thu hút được nhiều tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động của nhân dân, góp phần duy tu, bảo tồn để các di tích khang trang, sạch đẹp hơn. Việc phát huy giá trị các di tích cũng được chính quyền và người dân địa phương quan tâm qua việc duy trì tổ chức các lễ hội. 

Tại Chùa Am, đình Bơi, xã Nam Toàn; đền Đá, xã Tân Thịnh; đền Đức Ông, đền Đồng Phù, xã Nam Mỹ..., trong các lễ hội, ngoài phần lễ, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao với các trò chơi dân gian đặc sắc như: làm oản, làm bánh tế thánh, thi làm cỗ, chọn cau lễ và những trò vui: múa gậy, kéo dây, đấu roi trong lễ hội đền Đá, xã Tân Thịnh; chơi cờ bỏi, thi dệt vải, chọi gà, đánh đu trong lễ hội Đồng Phù, xã Nam Mỹ; múa rồng, múa sư tử, leo cầu kiều, diễn tích trò ở lễ hội đền An Lá, xã Nghĩa An; múa rối nước, đánh cờ, tổ tôm điếm, đánh đu trong lễ hội đền Am, thị trấn Nam Giang; thi đấu chọi gà, kéo co, leo cầu phao, bịt mắt đánh trống, cờ tướng, bóng chuyền trong lễ hội Trạng nguyên Nguyễn Hiền, xã Nam Thắng. Trong lễ hội đền Gin, xã Nam Dương diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Chạp hàng năm có các lễ như: Lễ rước nước, xin nước nhà thánh, lễ rước bát nhang nhà quan, lễ cáo...; đặc biệt là nghi lễ rước cá trắm và tục thi cỗ trong lễ hội. Lễ hội đền Đá được tổ chức vào mồng 3-3 âm lịch hàng năm với nhiều trò thi như: làm oản, làm bánh tế thánh, làm cỗ, chọn cau lễ... và nhiều trò vui như múa gậy, múa rồng, trò kéo cõi (kéo dây), đấu vật, đấu roi... Đình Xám, xã Hồng Quang thờ Phụ dực quốc chính Thượng tướng quân Trần Minh Công. Lễ hội đình Xám được tổ chức vào các ngày 17 và 19-8 âm lịch hàng năm với nhiều nghi lễ và phần hội độc đáo như rước kiệu, tế lễ, các cuộc thi đấu vật, bắt vịt, chọi gà, múa rối nước, bơi chải… Trong những ngày hội, sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách là biểu diễn trống chèo và thi hát. Ngoài hai đêm hát nhập tịch (vào đám) và lạc hành (giã đám), tại đình Xám còn biểu diễn hát chầu văn, hát chèo, ca trù… nội dung ca ngợi công đức của Trần Minh Công. Hiện nay tại đình Xám còn lưu giữ 10 bài ca trù lời cổ do Hương cống, Giám sinh Quốc tử giám thời Lê là Nguyễn Xuân Vinh biên soạn theo các điệu “cung, thương, dốc, trăng, vũ” và 10 khúc hát do Tiến sĩ Đặng Phi Hiển (1603-1678) chú thích. Truyền thống thi hát, múa tại đình Xám diễn ra từ lâu. Nơi biểu diễn lúc đầu mang đúng phong cách sân đình như bắc sàn gỗ, dựng cột tre. Triều Vua Khải Định năm thứ 8 (1916), nhân dân đã xây dựng một công trình phía trước theo kiểu bổ trụ bốn góc, các mặt thông phong để tiện cho các cuộc thi hát, múa không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Từ khi xây dựng công trình mới, kiên cố chắc chắn hơn, các cuộc thi hát múa được tổ chức long trọng với một quy mô rộng lớn hơn. Tên gọi đình Hát ra đời không chỉ gắn với công trình mới mà đã trở thành tên gọi quen thuộc cả khu di tích.

Cùng với công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, huyện Nam Trực đã quan tâm xây dựng và xuất bản những ấn phẩm văn hóa như: “Nam Trực cội nguồn và di sản”; “Đền Gin di tích và lễ hội”, “Đền Am lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật”, “Trạng nguyên đất học Nam Trực”, “Cụ nghè Giao Cù Vũ Hữu Lợi”, “Sự tích đền Xám”, “Di tích đền Thôn Ba”…, góp phần lưu giữ và quảng bá các giá trị di sản văn hóa tới đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài huyện. 

Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Nam Trực đã đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Các di tích đã và đang trở thành điểm thu hút khách du lịch, điểm tham quan, nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống cho các thế hệ người dân Nam Trực, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng, bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Huyền Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com