Ngày 20-12, tại số 178 Trấn Vũ, quận Ba Đình (Hà Nội), Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình khai trương thêm một Điểm giới thiệu và bán sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là địa chỉ gắn với nghề truyền thống đúc đồng Ngũ Xã, một trong bốn nghề quan trọng, nổi tiếng trong đời sống kinh kỳ thời xưa gồm: Dệt Yên Thái; Gốm Bát Tràng; Vàng Định Công; Đồng Ngũ Xã.
Theo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, việc mở Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố nhằm kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào Điểm OCOP phục vụ người tiêu dùng, từ đó nhận biết, ưu tiên lựa chọn tiêu thụ, góp phần quảng bá, nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của thủ đô và các tỉnh, thành phố.
Thanh Hóa: Đề xuất Trung ương công nhận thêm 3 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia
Thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, sau khi hoàn thiện các khâu hồ sơ thủ tục, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và các bộ, ngành liên quan xét công nhận thêm 3 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.
3 sản phẩm được đề xuất gồm: Bình cói Nga Sơn, Đĩa cói Nga Sơn và Rổ cói Nga Sơn của xã Nga An (Nga Sơn). Đây là những sản phẩm được một doanh nghiệp địa phương xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Hoa Kỳ nhiều năm qua, hiện đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị nước bạn. Trước đó, Thanh Hóa đã có 1 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia là Mắm tôm Lê Gia của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia ở thôn Hồng Kỳ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa). Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa là 1 trong 11 tỉnh, thành phố trong cả nước có sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.
TP Hồ Chí Minh: Khởi động dự án cầu Cần Giờ
Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chi phí chuẩn bị làm cầu Cần Giờ theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo Quyết định số 751/QĐ-UBND ngày 1-3-2019 của UBND thành phố về phê duyệt phương án kiến trúc công trình cầu Cần Giờ, hình dáng cầu Cần Giờ được chọn có hình cây Đước, biểu tượng đặc trưng cho vùng đất Cần Giờ. Theo phương án thiết kế, cầu Cần Giờ có chiều dài 3,4km, dự kiến phân từ 4-6 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55m sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm và khu vực lân cận. Cầu Cần Giờ dự kiến được đầu tư với gần 10 nghìn tỷ đồng; trong đó, nhà đầu tư bỏ chi phí xây lắp, ngân sách chi gần 4.000 tỷ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Công trình dự kiến thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư vào giai đoạn 2022-2023, khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2028./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin