Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024

19:59, 18/08/2023

Chiều 18-8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu trên cả nước.

Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Tuyên giáo Trung ương; các Uỷ ban của Quốc hội; các Bộ, Ban, ngành tới dự.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự chỉ đạo Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự chỉ đạo Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; đại diện các cơ sở giáo dục.

Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nam Định.
Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nam Định.

Năm học 2022-2023 là năm học nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành GD và ĐT khi vừa phải tiếp tục cùng cả nước khắc phục khó khăn hậu đại dịch COVID-19; vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD và ĐT. Ngành GD và ĐT cả nước đã hoàn thành kế hoạch năm học 2022-2023 với nhiều kết quả tích cực: tiếp tục hoàn thiện về thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT theo Nghị quyết 29. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đạt thành tích cao. Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đảm bảo nghiêm túc, an toàn, khách quan; cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; tình trạng thừa, thiếu giáo viên đã có thêm nhiều giải pháp để khắc phục. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế, như tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, quá tải tại nhiều thành phố lớn, các khu vực đông dân cư. Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh vẫn còn chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận...

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với chủ đề năm học “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GD và ĐT”.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt được của ngành GD và ĐT cả nước trong năm học 2022-2023. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới GD và ĐT. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018. Tiếp tục đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT, đảm bảo nghiêm túc, gọn nhẹ, giảm áp lực nhưng phải nâng cao chất lượng. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình GDPT 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Khẩn trương hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa điện tử, sách giáo tiếng dân tộc thiểu số, thử nghiệm và sử dụng sách chữ nổi cho người khiếm thị. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDPT về nội dung, đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục theo Chương trình GDPT 2018.

Bộ GD và ĐT chủ trì, phối hợp các địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 bảo đảm nghiêm túc, khách quan, sát thực tiễn, làm cơ sở để tham mưu với Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tạo đột phá trong đổi mới GDĐT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bộ GD và ĐT nghiêm túc thực hiện Kết luận của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT; trong đó tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về xây dựng Chương trình, thẩm định sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong năm học mới kiên quyết không để ma túy xâm nhập học đường, khắc phục tình trạng bạo lực học đường. Chương trình, sách giáo khoa cần tiếp tục đổi mới nhưng cũng cần chuẩn mực và ổn định phát triển./.

Tin: Minh Thuận
Ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com