Sáng 29-5, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh dẫn đầu đã đi kiểm tra các công trình đê điều, công tác PCTT và sản xuất lúa xuân tại các huyện: Nam Trực, Trực Ninh và Hải Hậu. Cùng tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Hà Lan Anh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Trần Minh Tiến, Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra đê, kè Quy Phú trên tuyến đê hữu Hồng thuộc xã Nam Hồng (Nam Trực). |
Đoàn đã đi kiểm tra đoạn đê, kè Quy Phú trên tuyến đê hữu Hồng thuộc xã Nam Hồng (Nam Trực); đoạn đê, kè Phượng Tường trên tuyến đê hữu Ninh thuộc xã Việt Hùng (Trực Ninh) và kè bãi tắm thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). Cụ thể, trên địa bàn huyện Nam Trực đang thực hiện các dự án: “Nâng cấp công trình phòng, chống lụt bão đê hữu Hồng và tả Đào thành phố Nam Định”; “Đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đê, kè, cống trên tuyến đê hữu sông Hồng và đê tả Đào huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định” và dự án thành phần số 7 "tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025” thuộc dự án “Tu bổ xung yếu hệ thống đê điều giai đoạn 2021-2025”. Từ cuối tháng 12-2020, đã triển khai xử lý khẩn cấp đoạn kè Quy Phú (từ K177+900 đến K180+050) bị sạt lở nặng 3 đoạn, thuộc tuyến đê hữu Hồng giai đoạn 1. Đến nay, hạng mục chính như phần kè cơ bản được hoàn thành; đơn vị thi công đang tập trung máy móc, phương tiện, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công phần đê.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị kiểm tra đê, kè Phượng Tường trên tuyến đê hữu Ninh thuộc xã Việt Hùng (Trực Ninh). |
Huyện Trực Ninh có 4 trọng điểm PCTT cấp huyện là: cống Văn Lai; đê, kè Phượng Tường; kè Trực Bình; cống Phú An đều thuộc tuyến đê hữu Ninh. Trong đó đoạn kè Phượng Tường đoạn từ K6+067 đến K6+347 (xã Việt Hùng) bị sạt lở toàn bộ đá lát mái, một số đoạn đỉnh kè bị sạt, chân kè bị dòng chảy khoét sâu. Hiện huyện Trực Ninh đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng kè lát mái hộ bờ cho đoạn kè này.
Tại tuyến đê biển huyện Hải Hậu mặc dù đã cơ bản được lát mái cấu kiện bê tông hoặc xây đá, mặt đê được đổ bê tông kiên cố song phần lớn các đoạn là đê một tuyến và nằm trên nền đất yếu nên bị xuống cấp, mặt đê bị lún nứt, mái đê phía đồng dễ bị sạt lở do mưa lớn hoặc sóng tràn qua mặt đê. Bờ biển nằm trong vùng biển tiến bãi thoái. Tại kè Hải Thịnh 3, vị trí K25+000 đến K27+060 bãi bị hạ thấp, dòng chảy áp sát bờ; cấu kiện mái kè bị bào mòn nhiều, lún võng, hàng năm hay xảy ra sạt lở. Cống 1-5, vị trí K30+470, được xây dựng từ lâu, thường xuyên tiếp xúc với nước mặn nên phần tiếp xúc trực tiếp như thân cống và trụ pin bị phong hóa; tường thân, tường đầu, hèm phai cống bị nứt và vỡ một số chỗ; dầm, mặt cầu giao thông bị nứt, nổ trật sắt, đã yếu; dàn van máy đóng mở cột, sàn bị nứt nổ trật sắt; mái đá tường cánh bị lún và thối mạch vữa… Về tiến độ thực hiện dự án “Nâng tuyến đê, kè biển huyện Hải Hậu thuộc dự án củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển một số tỉnh phía Bắc”, Bộ NN và PTNT đã phê duyệt chủ trương dự án tại Quyết định số 3380/QĐ-BNN-KH ngày 26-7-2021; hiện nay, Ban Quản lý dự án 1 (Bộ NN và PTNT) đang triển khai lập và trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Huyện Hải Hậu cũng đề nghị sớm triển khai thi công các hạng mục xây dựng trên tuyến đê biển Cồn Tròn; đê biển Hải Thịnh II, Hải Thịnh III; kè du lịch Thịnh Long…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị kiểm tra kè biển tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). |
Tại những điểm kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong công tác PCTT và TKCN; đồng thời ghi nhận những ý kiến, đề xuất của các địa phương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ bàn bạc, thống nhất hoặc đề nghị Trung ương sớm có giải pháp hỗ trợ, đầu tư nhằm đảm bảo công tác PCTT. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát đơn vị thi công về chất lượng, tiến độ công trình; đôn đốc các nhà thầu huy động nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ thi công qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công trình PCLB… Các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát các công trình PCTT; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động sẵn sàng ứng cứu tại các điểm xung yếu; kiểm tra, phát hiện, xử lý, ngăn chặn triệt để các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng phó với sự cố mùa mưa bão, bảo đảm an toàn công trình PCTT.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị kiểm tra lúa xuân 2023 tại xã Hải Hưng (Hải Hậu). |
Qua kiểm tra lúa xuân tại xã Hải Hưng (Hải Hậu), đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, hiện lúa và một số loại rau màu vụ xuân của tỉnh sắp đến kỳ thu hoạch. Do vậy, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cần chỉ đạo nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi huy động mọi lực lượng lao động, phương tiện khẩn trương thu hoạch nhanh gọn những diện diện tích lúa đã chín và cây màu vụ xuân với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tuyên truyền, động viên nông dân không đốt rơm rạ hoặc xả rơm rạ xuống kênh mương gây ô nhiễm môi trường và ách tắc dòng chảy; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất vụ mùa gắn với vụ đông./.
Tin: Ngọc Ánh
Ảnh: Viết Dư
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin