Chiều 20-4, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN chủ trì hội nghị.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố.
Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật. Song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động của các ngành, địa phương và cộng đồng nên công tác PCTT-TKCN đã đạt kết quả toàn diện, góp phần giảm tối đa thiệt hại. Đặc biệt, công tác điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai được chỉ đạo linh hoạt, đổi mới theo hướng chặt chẽ, quyết liệt, bám sát thực tiễn. Công tác khắc phục hậu quả được triển khai nhanh chóng, kịp thời ngay sau khi thiên tai xảy ra góp phần giảm thiệt hại tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Công tác TKCN được thực hiện tích cực, kịp thời; toàn quốc cứu được 5.464 vụ, gồm 5.542 người và 349 phương tiện; di dời 32.142 hộ dân đến nơi an toàn, khắc phục 4.473 nhà dân và 198km đường, thu hoạch 23.540ha lúa, hoa màu; dập cháy 765 nhà và 815ha rừng; kêu gọi thông báo cho 480.248 phương tiện, gần 23 nghìn người biết thông tin của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời di chuyển, tránh trú an toàn.
Tuy nhiên, công tác PCTT còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai do chủ quan, bất cẩn; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình PCTT nói riêng còn thấp; phương tiện trang thiết bị phục vụ công tác PCTT-TKCN còn hạn chế; việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật đầy đủ toàn diện với các kịch bản thiên tai; việc thành lập đội xung kích PCTT cấp xã có nơi còn hình thức; công tác tập huấn, huấn luyện kỹ năng PCTT cho lực lượng xung kích có nơi chưa được chú trọng; trang bị công cụ dụng cụ phương tiện cho lực lượng xung kích chưa được đáp ứng yêu cầu; công tác vận hành hồ chứa còn bị động; công tác dự báo, cảnh báo sớm đối với một số hình thái thiên tai cực đoan trong thời gian ngắn còn hạn chế; nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu mới.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, tình hình thiên tai năm 2023 có khả năng ở mức trung bình so với nhiều năm trước. Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, công tác PCTT-TKCN cần tập trung vào 9 nhóm giải pháp. Trong đó chú trọng triển khai thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác PCTT-TKCN; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai và tập trung vào các nhiệm vụ như xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện chiến lược, kế hoạch PCTT quốc gia, chương trình tổng thể PCTT quốc gia; nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo và theo dõi giám sát thiên tai; tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành công tác cứu hộ, cứu nạn, nâng cao năng lực cho cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của cho nhân dân; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng, tập trung vào việc phổ biến quy định kiến thức liên quan đến công tác PCTT; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các công trình khẩn cấp cần khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022, trọng điểm đê điều, hồ chứa nước xung yếu trước mùa mưa bão 2023.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả trong công tác PCTT-TKCN trong thời gian qua. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, bên cạnh những nhiệm vụ cụ thể thuộc 9 nhóm giải pháp mà Bộ NN và PTNT đã xác định, thời gian tới các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần lưu ý xác định rõ công tác PCTT-TKCN ngày càng khó khăn để chuẩn bị sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó; tăng cường công tác cảnh báo, dự báo thiên tai sát hơn; quan tâm huy động nguồn lực quốc tế cho công tác PCTT-TKCN; lồng ghép các chương trình để tiết kiệm kinh phí và nâng cao hiệu quả PCTT. Các địa phương lưu ý đến yếu tố PCTT trong quá trình đầu tư các công trình xây dựng để tránh thiệt hại do những tình huống thiên tai bất ngờ xảy ra./.
Tin, ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin