Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác cải cách tư pháp (CCTP). Hoạt động CCTP được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện và đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng công tác điều tra, kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án; tuyên truyền, phổ biến pháp luật...
Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh tuyên án tại phiên tòa hình sự. |
Theo đó, Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh đã kịp thời quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về CCTP; các chương trình trọng tâm từng giai đoạn, hàng năm của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương, các bộ, ngành Trung ương... tới lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể; trong đó riêng các cơ quan tư pháp quán triệt các nội dung trên tới toàn thể cán bộ, đảng viên. Xác định nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong tiến trình CCTP, Ban TVTU và Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy đã phối hợp tốt với ngành dọc cơ quan tư pháp cấp trên thực hiện tốt các chủ trương, quy định về công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan tư pháp tỉnh, huyện, người đứng đầu được cơ cấu tham gia cấp ủy địa phương. Phê duyệt kết quả rà soát bổ sung quy hoạch 2020-2025 và quy hoạch 2025-2030 các chức danh thuộc thẩm quyền Ban TVTU và Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy quản lý đối với các cơ quan tư pháp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan Thi hành án dân sự, đội ngũ luật sư, giám định viên, công chứng viên, thừa phát lại, trợ giúp viên pháp lý luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng chuyên môn và lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Các cơ quan tư pháp của tỉnh chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại nghiệp vụ cho cán bộ, tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, hàng năm đều tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá cán bộ công chức, có kế hoạch đào tạo, quy hoạch và phát triển đội ngũ cán bộ làm việc ở cả hai cấp; bổ sung lãnh đạo quản lý, bổ nhiệm các chức danh tư pháp, đảm bảo tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp ở cả hai cấp luôn ổn định, chất lượng cán bộ từng bước được nâng lên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hàng năm Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp đã tổ chức các lớp bồi dưỡng trình độ quản lý Nhà nước, bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng và các lớp bồi dưỡng khác cho công chức, viên chức thuộc khối các cơ quan tư pháp, đối tượng làm công tác tư pháp - hộ tịch ở cơ sở. Sở Tư pháp thường xuyên tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên, luật sư, giám định viên tư pháp, trợ giúp viên pháp lý... Công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, biệt phái cán bộ có chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, được tổ chức nghiêm túc, tuân thủ chặt chẽ các quy định về trình tự, thủ tục bổ nhiệm, nhất là đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng theo hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương. Đến nay, đội ngũ cán bộ các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan Thi hành án dân sự, đội ngũ luật sư, giám định viên, công chứng viên, thừa phát lại, trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn tỉnh được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, thường xuyên được bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ, UBND tỉnh đã quan tâm tới việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp. Hiện nay, các cơ quan tư pháp từ cấp tỉnh, huyện đều có trụ sở làm việc, nhiều trụ sở làm việc khang trang và được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, nhất là công nghệ thông tin bảo đảm phục vụ yêu cầu công tác…
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tư pháp của tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện công tác CCTP. Năm 2022, Sở Tư pháp thẩm định 40 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, góp ý 28 dự thảo văn bản của Trung ương, của tỉnh. Các cơ quan tư pháp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu CCTP” và “Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân trong bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng”; Dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh tổ chức ký quy chế phối hợp trong công tác tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Công an tỉnh tiếp tục triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2021), các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự liên quan đến quyền bào chữa cho người bị buộc tội... Tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan điều tra, thi hành án hai cấp, bổ trợ tư pháp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Nam Định thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chủ trương: Tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng công tác tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Tiếp tục kiện toàn, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp, tăng cường công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác để đào tạo cán bộ. Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trong năm, Tòa án nhân dân tỉnh đã thực hiện đầy đủ quy trình bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý Tòa án nhân dân hai cấp cho 18 đồng chí, làm quy trình bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại công chức giữ chức danh tư pháp cho 7 đồng chí, điều động 3 đồng chí. Tòa án nhân dân hai cấp tổ chức được 145 phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần CCTP; công bố 2.179 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án; tổ chức hòa giải, đối thoại thành 756 vụ việc. Tổ chức thành công 50 phiên tòa xét xử trực tuyến. Cục Thi hành án dân sự tỉnh kịp thời tổ chức triển khai thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hoàn thành và vượt chi tiêu thi hành án được giao; tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đối với các vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp, kéo dài. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, lề lối làm việc trong các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh…
Những kết quả đạt được trong công tác tư pháp, CCTP đã giúp kiềm chế tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần vào việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin