Trái ngược với diễn biến cuối năm 2021, thị trường bất động sản năm nay tại tỉnh ta đang có xu hướng trầm lắng, không còn “sốt nóng”; thậm chí một số khu vực gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông”.
"Thị trường hiện tại chững lắm. Khách gửi bán nhiều hơn người mua!” anh Trần Sáng - chuyên gia môi giới của một văn phòng nhà đất tại thành phố Nam Định chia sẻ. Anh Sáng nhẩm tính, trung bình 1 tuần, anh nhận được lời ký gửi bán của 2-3 khách hàng. Mặc dù số lượng các lô đất rao bán nhiều nhưng lượng khách hỏi rất ít, chỉ tập trung vào các lô đất nền có vị trí đẹp, giá rẻ. Các sản phẩm nhà xây sẵn hay nhà ở khu dân cư lâu năm đã không còn sôi động như trước. Cũng theo người môi giới này, nếu như cách đây 7-8 tháng, thị trường bất động sản tỉnh còn khá sôi động khi người mua, người bán tâm lý phấn khởi thì đến hiện tại, với nhóm khách hàng cần tiền, họ muốn đẩy nhanh hàng. Thậm chí, nhiều người dù chưa cần đến tiền nhưng lo ngại chỉ cuối năm hay sang năm 2023, thị trường có thể “ngủ đông” hẳn, nên muốn nhanh chóng “vớt vát” bán được giá. Chia sẻ thêm về thị trường, anh Sáng cho biết, về mức giá nhìn chung không tăng, chững và có phần giảm nhẹ đối với trường hợp khách cần cắt bớt lợi nhuận để thu tiền về. Nhưng về thanh khoản giao dịch thực sự, anh Sáng thẳng thắn nói: “Rất kém! Hiện tại, ai cũng muốn cầm tiền mặt. Lo nhất là nhóm đầu tư lướt sóng bằng vốn ngân hàng, họ sợ nên muốn thanh khoản nhanh, thu tiền về vì nếu kéo dài sẽ khó trụ lại”, anh Sáng nói. Dù vậy, một số giao dịch vẫn phát sinh nhưng xảy ra tập trung đối với lô đất, nhà đẹp và giá rẻ. Đặc biệt, nhóm khách hàng lựa chọn tới sản phẩm có nhu cầu ở thực, có thể kinh doanh tốt như loại hình nhà phố.
Thi công nhà xây sẵn tại phường Mỹ Xá (thành phố Nam Định). |
Đối với thị trường bất động sản ở các huyện, chỉ vài tháng trước, nhiều huyện còn diễn ra tình trạng thị trường “gãy sóng”, nhà đầu tư bỏ cọc nhiều trong các phiên đấu giá. Đất ở quê mà đấu giá lên tới 2-3 tỷ đồng/lô. Nhưng sau nhà đầu tư vẫn bỏ cọc vì khó bán. Diễn biến này cũng báo hiệu cho sự chững lại của thị trường trong thời gian gần đây. Dự báo từ giờ đến cuối năm, thị trường còn ảm đạm hơn rất nhiều. Lượng khách muốn bán đất chắc còn nhiều hơn lượng người muốn mua thực.
Ghi nhận của phóng viên Báo Nam Định qua khảo sát tại các phòng công chứng và trung tâm hành chính một cửa tại thành phố Nam Định, lượng khách đến giao dịch thực hiện các thủ tục công chứng, sang nhượng, chuyển quyền sử dụng đất đã không còn sôi động như trước đây, giảm đáng kể so với thời điểm quý II năm nay. Một nhân viên môi giới bất động sản cho biết, thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, muốn dẫn khách tới công chứng hợp đồng mua bán đất phải điện thoại đặt chỗ trước nếu quen biết, hoặc ngồi chờ đến lượt. Thậm chí, thời điểm cuối năm 2021, nhiều nhà môi giới bất động sản không thể thực hiện công chứng do các văn phòng công chứng luôn trong tình trạng quá tải… Tuy nhiên, hiện nay, tình thế đã đảo ngược hoàn toàn, các văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố cũng như các địa phương trong tỉnh đều vắng bóng khách hàng giao dịch bất động sản. Số lượng khách hàng và giao dịch đã giảm 2-3 lần so với cuối năm 2021. Còn trên các sàn giao dịch bất động sản hay website rao bán về bất động sản trên các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo như Nhà đất Nam Định, Chợ - Nhà đất Nam Định, Nhà đất Nam Định giá rẻ… với số lượng bài viết bình quân từ 10-20 bài viết/ngày trước đây, hiện tại cũng chỉ hoạt động cầm chừng với 5-6 bài viết/ngày. Tình trạng chung của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều nhà đầu tư mua đất nền hiện giờ không thể bán được. Thậm chí, có cắt lỗ 10-20% cũng khó bán vì không ai mua trong thời điểm này. Phạm vi mua bán sang nhượng đất nền bất động sản cũng dần thu hẹp lại. Nếu như trước đây, đất nền tại các khu dân cư tập trung tại các xã ven ngoại thành thành phố Nam Định như xã Nam Phong, xã Nam Vân hay tại các xã vùng phụ cận như xã Thành Lợi (Vụ Bản), xã Mỹ Tân, Mỹ Trung, Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) được người mua hết sức quan tâm thì hiện tại hầu như ít được khách đầu tư ngó ngàng đến dù giá đã sụt giảm từ 10-20% so với trước đây.
Theo các chuyên gia bất động sản nhận định, thị trường bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc từ cuối năm 2021 khi thanh khoản không có nhưng giá vẫn tiếp tục tăng. Do vậy, trong những tháng cuối năm 2022, thách thức mà thị trường phải đối mặt là dấu hiệu giao dịch sụt giảm, thanh khoản chậm. Thậm chí, vẫn không có giao dịch vì người mua cảm thấy vẫn băn khoăn về mức giá. Nhiều người cho rằng, giá vẫn cao hơn so với chất lượng hạ tầng, tốc độ phát triển ở nhiều khu vực. Đặc biệt khi thị trường bất động sản đang bất định như hiện nay thì nhà đầu tư lại càng cân nhắc kỹ lưỡng.
Ngược lại với diễn biến ảm đạm của thị trường, người dân có nhu cầu thực về nhà ở lại đầy phấn khởi bởi thị trường trầm lắng sẽ sàng lọc đi những nhà đầu tư “lướt sóng” không chuyên bị vỡ kế hoạch, gãy đòn bẩy tài chính từ ngân hàng. Và người dân có nhu cầu thực mua nhà ở hoặc đầu tư với tiềm lực tài chính thực thụ sẽ dễ dàng tiếp cận với bất động sản với giá hợp lý. Chị Trần Lan Phương, trú tại phường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) cho biết: “Hiện tại gia đình tôi đang ở trong căn nhà cấp 4 trong ngõ nhỏ tại đường Đoàn Trần Nghiệp. Với tài chính hơn 1 tỷ đồng, thời gian qua, vợ chồng tôi cũng cố gắng tìm kiếm căn nhà 2,5 tầng xây sẵn có ngõ rộng và gần trung tâm hơn nhưng do giá nhà bị đẩy lên cao nên chúng tôi tạm gác lại nhu cầu trên. Hy vọng sắp tới, thị trường bất động sản ổn định hơn về giá để chúng tôi có thể tiếp cận và mua được căn nhà mới”.
Với các chính sách, cơ chế, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh, thị trường bất động sản tại tỉnh ta đã dần quay trở lại với “giá trị thực” góp phần lành mạnh hoá thị trường, giúp người dân có khả năng hiện thực hoá nhu cầu thực sự về nhà ở, ổn định trật tự an ninh xã hội./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin