Tối 11-4 (tức mồng 3-3 âm lịch), tại xã Kim Thái, UBND huyện Vụ Bản tổ chức khai mạc lễ hội Phủ Dầy năm 2024. Các đồng chí: Đoàn Văn Hùng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Trần Minh Thắng, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố Nam Định tới dự.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại chương trình khai mạc Lễ hội Phủ Dầy. |
Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) là một trong 5 lễ hội tín ngưỡng truyền thống lớn của cả nước, gắn liền với sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Lễ hội được tổ chức gắn với Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy gồm hơn 20 đền, đình, chùa, lăng, miếu, phủ; trong đó trung tâm là 3 di tích: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu Liễu Hạnh. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá và nghệ thuật kiến trúc của các công trình, quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Lễ hội Phủ Dầy và Nghi lễ Chầu văn của người Việt được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa Ban tổ chức Lễ hội Phủ Dầy. |
Những năm gần đây, chương trình Lễ hội Phủ Dầy ngày càng đổi mới, phong phú, hấp dẫn, hài hoà giữa phần lễ và phần hội, khai thác và phát huy nhiều giá trị văn hoá dân gian cổ truyền của dân tộc.
Lễ hội Phủ Dầy năm 2024 diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16-4 (tức từ mồng 3 đến mồng 8-3 âm lịch). Trong đó, ngày 11-4 (tức mồng 3-3 âm lịch) tổ chức chương trình khai hội, dâng hương và các hoạt động văn hoá, thể thao dân gian tại các di tích thuộc quần thể di tích Phủ Dầy. Ngày 12-4 (tức mồng 4-3 âm lịch) tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Chầu văn tại 2 Phủ: Tiên Hương và Vân Cát. Ngày 13-4 (tức mồng 5-3 âm lịch) diễn ra lễ rước Mẫu thỉnh Kinh từ Phủ Vân Cát lên Chùa Báng (Linh Sơn tự); buổi tối diễn ra lễ rước đuốc tại Phủ Tiên Hương. Ngày 14-4 (tức mồng 6-3 âm lịch) diễn ra lễ rước Mẫu thỉnh Kinh từ Phủ Tiên Hương lên Chùa Tiên Hương (Tiên Linh tự); tổ chức thi đấu cờ người tại Phủ Vân Cát. Trong các ngày 15 và 16-4 (tức mồng 7 và mồng 8-3 âm lịch), tại hai Phủ Vân Cát và Tiên Hương diễn ra hội kéo chữ (Hoa trượng hội) với các bộ chữ “Quốc thái dân an” và “Thiên hạ thái bình”. Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có các hoạt động văn hoá tâm linh, nghệ thuật dân gian đặc sắc như: hầu đồng, hát văn, múa lân - sư - rồng, thả rồng bay, hát chèo…
Chương trình văn nghệ khai mạc Lễ hội Phủ Dầy. |
Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài nhấn mạnh: Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy và Lễ hội Phủ Dầy đã hội tụ, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu; trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Trải qua thời gian, Lễ hội Phủ Dầy vẫn giữ được quy mô, xứng đáng là một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Nam Định và của quốc gia. Để Lễ hội Phủ Dầy năm 2024 diễn ra an toàn, hiệu quả, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Vụ Bản chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội, UBND xã Kim Thái, các thủ nhang, đồng đền thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, các quy định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh về quản lý, tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh tuyên truyền quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy; qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng người dân là chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý, thực hành di sản, tránh những biểu hiện sai lệch, biến tướng. Đảm bảo công tác an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông; phòng chống, dịch bệnh; phòng, chống cháy nổ tại các di tích và khu vực tổ chức lễ hội, tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại như: vệ sinh môi trường, nạn hành khất, bán hàng hóa, dịch vụ lộn xộn trong khuôn viên di tích, tạo môi trường lễ hội an toàn, lành mạnh. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân và du khách tham quan, du lịch, tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách thập phương khi về tham dự Lễ hội Phủ Dầy năm 2024./.
Tin, ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin