Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam bảo đảm an toàn, lành mạnh, bền vững

19:22, 28/02/2024

Sáng 28-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. 

Quang cảnh Hội nghị.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quang cảnh Hội nghị.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế, nhưng với sự hỗ trợ từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đơn vị liên quan, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 chứng kiến sự phục hồi tốt, cấu trúc thị trường ngày càng được hoàn thiện, nhiều kết quả quan trọng trên các khía cạnh đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 tiếp tục trải qua nhiều biến động, tăng giảm đan xen. Tính đến ngày 29-12-2023, chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng 12,2% so cuối năm 2022 và chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 231,04 điểm, tăng 12,5% so cuối năm 2022, là mức tăng trưởng tốt so nhiều nước trong khu vực châu Á. Tính chung cả năm 2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 17.579 tỷ đồng/phiên, giảm 12,9% so bình quân năm 2022. Quy mô vốn hóa và quy mô niêm yết của thị trường cổ phiếu tiếp tục tăng so cuối năm 2022.

Tính đến cuối năm 2023, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.937 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so cuối năm 2022, tương đương 58,1% GDP ước tính năm 2023. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường đạt 2.128 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so cuối năm 2022 với 739 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. 

Số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường tiếp tục tăng mạnh. Trong năm 2023, tổng số tài khoản chứng khoán tăng 395.290 tài khoản so cuối năm 2022, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên hơn 7,29 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số, vượt mức 5% dân số theo mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, phát triển kinh tế thị trường thì không thể thiếu thị trường chứng khoán, đó là yêu cầu khách quan, là “hàn thử biểu” đánh giá nền kinh tế; qua đó để Chính phủ có phản ứng chính sách kịp thời; là kênh đầu tư linh hoạt, hấp dẫn của các tổ chức, cá nhân đầu tư, kênh huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế của người dân, góp phần quan trọng tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đặt mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán công khai, minh bạch, lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các chủ thể liên quan; đến 2025 phải đạt được từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. 

Thủ tướng nêu rõ, Đảng ban hành chủ trương, Quốc hội ban hành các Luật, Chính phủ ban hành các Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định, các chỉ đạo khi cần thiết để góp sức, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường chứng khoán được từng bước xây dựng, rà soát, hoàn thiện, bổ sung phù hợp theo từng thời kỳ và trình độ, yêu cầu phát triển, qua đó thị trường chứng khoán được quản lý phát triển theo hướng đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch; thị trường chứng khoán đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc và hiện đại hóa; cơ cấu của thị trường từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu đến nay đã có thêm thị trường trái phiếu Chính phủ và thị trường chứng khoán phái sinh. 

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập, đó là vấn đề phản ứng chính sách còn chậm, do đó cần phải xây dựng đồng bộ và hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hoạt động của thị trường chứng khoán ngày càng phát triển mạnh mẽ nhưng phải bảo đảm tính an toàn, minh bạch và bền vững. 

Về phương hướng phát triển thị trường chứng khoán thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, chúng ta phải giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư; chính sách phải nhất quán, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp thực tiễn, theo kịp thực tiễn; quản lý Nhà nước phải công khai, minh bạch, đúng quy luật của thị trường; Chính phủ và các cơ quan chức năng luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể liên quan; xây dựng Chính phủ thực sự kiến tạo cho sự phát triển, trong đó có thị trường chứng khoán; Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường và tập trung phát triển theo xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; phát triển nhanh và bền vững; thực hiện các chức năng cung cấp vốn cho thị trường; phát triển mạnh hạ tầng và hệ sinh thái của thị trường chứng khoán./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com