Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn được xác định là một yêu cầu quan trọng, cấp thiết để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và đảm bảo sức khỏe, đời sống của nhân dân, góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Các cấp Hội Nông dân (HND) đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Nông dân xã Tân Thành (Vụ Bản) sản xuất hoa cúc chậu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. |
Triển khai Chương trình phối hợp số 8471/CTPH-BNN&PTNT-HNDVN ngày 14-12-2021 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và HND Việt Nam, 5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức trên 40 lớp tập huấn chuyên đề cho hơn 3.000 lượt cán bộ HND về vận động nông dân sản xuất an toàn; lồng ghép tổ chức 151 hội nghị vận động, tuyên truyền cho 11.683 lượt hội viên; xây dựng 50 chương trình truyền hình tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất an toàn; tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong các đợt cao điểm hàng năm với hàng trăm tin, bài trên Báo Nam Định, Đài Phát thanh huyện, xã, đăng trên trang tin ngành Nông nghiệp, HND và hàng vạn tờ rơi, tờ gấp, băng rôn treo, phát tại các địa phương về hướng dẫn sản xuất an toàn. 100% cơ sở Hội tổ chức cho hội viên, nông dân hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản được đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, hai ngành đã phối hợp hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng 453 mô hình cánh đồng lớn; xây dựng 11 mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị ở 10 huyện, thành phố; cấp mã số vùng trồng cho 32 vùng trồng trọt tập trung của 32 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; cấp 494 mã số cơ sở nuôi lồng bè, đối tượng thủy sản chủ lực cho 494 cơ sở; 1.086 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và muối được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 131 cơ sở xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, HACCP, VietGAP…); vận động được trên 8.000 cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. HND các cấp và ngành Nông nghiệp còn hỗ trợ nông dân đẩy mạnh công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; thường xuyên phối hợp đưa tin điển hình, quảng bá về các cơ sở, sản phẩm tiêu biểu; tổ chức các phiên chợ nông sản an toàn; hỗ trợ hộ nông dân tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất, phát triển các kênh bán hàng phi truyền thống. Trong 5 năm qua đã tổ chức 5 phiên chợ nông sản an toàn tại tỉnh; hỗ trợ trên 200 lượt cơ sở tham gia các hội chợ tại các tỉnh; đẩy mạnh thương mại điện tử, hỗ trợ trên 300 cơ sở tổ chức các gian hàng online trên các nền tảng thương mại điện tử: Lazada, Sendo, Voso, Postmart… và hàng nghìn hộ tham gia tiêu thụ sản phẩm bằng các kênh online khác. HND tỉnh còn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cách thức đưa nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử và chuyển đổi số cho trên 4.000 hội viên, nông dân. Phối hợp với Bưu điện tập huấn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025. Đến nay, các huyện, thành phố đã phối hợp với Bưu điện huyện hỗ trợ nông dân đưa 308 nông sản, hàng hóa lên Sàn thương mại điện tử Postmart. Ngoài ra, các cấp HND trong tỉnh còn tích cực kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản qua hệ thống cửa hàng nông sản an toàn. HND tỉnh chỉ đạo HND huyện Hải Hậu làm điểm ra mắt “Cửa hàng nông sản an toàn Thanh Hoa” tại xã Hải Thanh. HND huyện Trực Ninh phối hợp với cơ sở Hiền Thục, xã Trực Thái ra mắt “Cửa hàng nông sản an toàn” với slogan “Hiền Thục Farm - Vì một tương lai xanh”. HND huyện Giao Thủy phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện khai trương, ra mắt “Cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông sản sạch” tại thị trấn Ngô Đồng. HND huyện Xuân Trường chỉ đạo HND xã Xuân Thượng làm điểm ra mắt “Cửa hàng giới thiệu thực phẩm an toàn Toán Vui”…
Từ việc thực hiện chương trình phối hợp giữa HND và ngành Nông nghiệp trong những năm qua đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của hội viên nông dân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, góp phần bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển tương đối toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững; nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rất nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn hoạt động hiệu quả; tạo ra được nhiều sản phẩm có thương hiệu mạnh, có khả năng cạnh tranh, giúp thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, đem lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất như: Gạo Toản Xuân, Ngao sạch Lenger, Nông sản sấy Minh Dương… Nhiều sản phẩm đã được chấp nhận ở các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU… Toàn tỉnh đã có 191/204 xã/thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 25/188 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn xã Giao Phong (Giao Thủy) là một trong 9 xã của cả nước để thực hiện thí điểm “Mô hình xã NTM thông minh” thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 330 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên; 20 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; đã xây dựng được 39 chuỗi liên kết hoàn chỉnh về sản xuất, tiêu thụ các nông sản, thực phẩm hàng hóa với sự tham gia chặt chẽ của doanh nghiệp, HTX nông nghiệp và các hộ nông dân.
Công tác “Tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn” vẫn được xác định là một hoạt động hết sức quan trọng trong công tác phối hợp giữa HND các cấp và ngành Nông nghiệp. Vì vậy, hai ngành tiếp tục phối hợp tổ chức các diễn đàn, hội thảo, đối thoại chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu kinh tế. Kịp thời tổng kết, biểu dương những điển hình tiên tiến, những mô hình hiệu quả. Quan tâm hỗ trợ hội viên nông dân phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm; kịp thời thông tin về tình hình thị trường, cơ hội hợp tác, liên kết./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin