Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT). Trên quan điểm, nhận thức đó, ngành GD và ĐT tỉnh đã rất quan tâm chỉ đạo xây dựng, phát triển đội ngũ theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm về số lượng, cơ cấu, chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
Cô và trò Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) trao đổi về bài học trước giờ lên lớp. |
Những năm gần đây, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh đã được bổ sung cả về số lượng và chất lượng. Tỉnh đã ban hành các văn bản về chính sách thu hút người giỏi về công tác tại các cơ sở giáo dục. Sở GD và ĐT, các Phòng GD và ĐT huyện, thành phố thực hiện quy trình tuyển giáo viên theo chỉ tiêu được giao theo đúng quy định; chú trọng tuyển chọn đội ngũ giáo viên giỏi cho trường chuyên và các trường xây dựng chất lượng cao của tỉnh. Trong gần 10 năm qua, số lượng, cơ cấu nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp học được bổ sung, nâng cao tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định đối với từng cấp học, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD và ĐT và thực hiện Chương trình GDPT 2018. Hiện toàn tỉnh có 25.663 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và nhân viên; trong đó cán bộ quản lý giáo dục có 1.801 người, giáo viên có 21.038 người.
Để phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới GD và ĐT, năm 2020 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2020-2025, xây dựng kế hoạch lộ trình 2026-2030. Theo đó, hàng năm tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo nâng trình độ trên chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tham gia học tập nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc có đủ giáo viên cho hoạt động giảng dạy và giáo dục. Tính đến nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo ở cấp học mầm non đạt 92,5%, cấp tiểu học đạt 72,43%, cấp THCS đạt 86,3%, cấp THPT đạt 99,96%.
Ngành GD và ĐT quan tâm tổ chức bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cốt cán và đại trà thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo đúng tiến độ. Rà soát đánh giá thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên hàng năm. Tiếp tục bồi dưỡng giáo viên theo tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp.
Ngành đã triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non, đặt hàng và liên kết đào tạo đối với giáo viên tiểu học (giáo viên dạy các môn văn hóa) và giáo viên dạy các môn chuyên. Xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh với tổng nhu cầu bổ sung đến năm 2030 là 2.425 giáo viên; trong đó năm 2026 thêm 687 người, năm 2027 thêm 599 người, năm 2028 thêm 583 người, năm 2029 thêm 556 người.
Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định tổ chức cho các giáo viên tham gia học nghiệp vụ sư phạm và học kỹ năng nghề. Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý Nhà nước cho giáo viên và cán bộ quản lý. Đến nay, khoảng 95% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn theo quy định. Số còn lại đang hoàn thiện về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm và ngoại ngữ, tin học. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD và ĐT nâng cao năng lực đào tạo giáo viên của các cơ sở đào tạo trên địa bàn; giao nhiệm vụ cho Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định triển khai thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên
mầm non.
Triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển GD và ĐT, phát triển đội ngũ nhà giáo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch liên quan đến chủ trương phát triển GD và ĐT của địa phương, trong đó có những nội dung về cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo của địa phương, chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao về tỉnh công tác. Các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ, kịp thời, minh bạch và đúng quy định các chế độ chính sách của Nhà nước đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về lương, phụ cấp ưu đãi; chuyển ngạch, chế độ thâm niên... Đảm bảo đóng đủ, kịp thời BHXH cho người lao động, giải quyết đầy đủ các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất, hưu trí cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành. Hỗ trợ cho học sinh, giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế, tổ chức động viên, khen thưởng kịp thời các nhà giáo đạt thành tích cao, có nhiều đổi mới sáng tạo trong dạy học, tạo động lực cho cán bộ quản lý, giáo viên. Duy trì chế độ cho nhà giáo được cử đi đào tạo theo kế hoạch của tỉnh (thạc sĩ được trợ cấp 20 triệu đồng, tiến sĩ được trợ cấp 30 triệu đồng). Từ năm 2015 đến nay đã thực hiện chế độ trợ cấp học sau đại học cho 86 người; trong đó có 6 người trình độ tiến sĩ và 80 người trình độ thạc sĩ; đã vinh danh 23 Nhà giáo Ưu tú có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Việc chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã góp phần quyết định thành quả của sự nghiệp giáo dục của tỉnh trong những năm qua. Chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế đạt được thành tích rất đáng tự hào. Nhiều mô hình giáo dục, phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Tuy vậy, bên cạnh thành tựu trên, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh còn một số bất cập cả về chất lượng, số lượng, cơ cấu. Một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết; trình độ chuyên môn của một bộ phận nhà giáo còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học theo định hướng phát triển năng lực. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học trong quản lý, dạy và học của nhiều giáo viên còn hạn chế, nhất là ở những giáo viên lớn tuổi. Cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý giữa các cấp học, môn học, địa phương dẫn đến tình trạng có nơi thừa, có nơi thiếu...
Thời gian tới, các cấp, các ngành cần có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải cập nhật, linh hoạt, thiết thực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu, rộng... Qua đó, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin