Sáng 13/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. |
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan; lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lâm - thủy sản.
Tăng trưởng có xu hướng chậm lại
Ngành chế biến gỗ, lâm sản và thủy sản xuất khẩu nước ta trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, điểm sáng của ngành nông nghiệp và là một trong rất ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao trên 10 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 17,1 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra. Ngành hàng này đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay; mục tiêu kế hoạch năm 2023 của ngành khoảng 10 tỷ USD.
Ngành lâm - thủy sản đã đóng vai trò là một động lực tăng trưởng, đóng vào sự phát triển kinh tế - xã hội; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, hiệu quả.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. |
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lâm - thủy sản cho rằng, hiện nay các nước đang thực hiện chính sách đa dạng nguồn cung, nhu cầu thiêu thụ giảm, thị trường thu hẹp… Trong khi, công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam còn hạn chế; năng lực cạnh tranh, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường còn yếu; thiếu chủ động trong nguồn nguyên liệu; tín dụng gặp khó khăn…
Các hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; giải quyết các tranh chấp thương mại; quy hoạch, quản lý và phát triển các vùng nguyên liệu, giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất; quản lý, chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nới hạn mức tín dụng và hỗ trợ lãi suất ngân hàng; hoãn, giảm, giãn nộp thuế, phí, lệ phí và thúc đẩy hoàn thuế giá trị gia tăng; hỗ trợ danh nghiệp trong việc nộp bảo hiểm xã hội, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường…
Lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu phân tích rõ các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm gỗ, lâm sản và thủy sản; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần phải triển khai cấp bách cũng như lâu dài; đồng thời giải đáp các kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp lâm - thủy sản…
Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định phát biểu. |
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc gặp gỡ, đối thoại, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh là hoạt động đi vào nền nếp, là văn hóa ứng xử của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, "lợi ích hài hào, rủi ro, khó khăn chia sẻ".
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao kết quả sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mà các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ, lâm sản, thủy sản, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước; ghi nhận các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại hội nghị.
Phân tích tình hình thế giới, trong nước và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, thủy sản, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản tiếp tục đối diện với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn.
Do đó, nhiệm vụ thời gian tới là phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Thủ tướng yêu cầu phải phát triển sản xuất lâm sản và thủy sản hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng các Hiệp hội, doanh nghiệp xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lâm sản, thủy sản, bảo đảm không để kiến nghị của doanh nghiệp không được xử lý; theo dõi sát tình hình để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, ứng phó phù hợp. Trong lúc thị trường xuất khẩu tạm thời bị co hẹp, các bộ, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tận dụng có hiệu quả thị trường tiêu dùng trong nước.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả các Thỏa thuận, Hiệp định của Việt Nam với các nước để mở rộng thị trường; thực hiện đàm phán, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản; quyết liệt gỡ thẻ vàng IUU của EC; xử lý nghiêm những hành vi làm tổn hại hình ảnh, thương hiệu gỗ và thủy sản Việt Nam; công bố, công khai, minh bạch các thông tin, kịp thời tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, tình hình thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Các hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc tháo gỡ các chính sách liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết dứt điểm các vụ kiện thương mại; đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, lâm sản; tháo gỡ khó khăn liên quan đến quy chuẩn mức thải chế biến thủy sản và quy chế mức thải ao nuôi thủy sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. |
Các ngành, doanh nghiệp triển khai các biện pháp phù hợp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp; đẩy mạnh phát triển nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Thủ tướng chỉ đạo, khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản, đầu tư mới, nâng cấp các kho lạnh lưu giữ, trung chuyển sản phẩm thủy sản; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ trồng rừng, các hiệp hội, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản về yêu cầu thị trường, các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp và tiêu chuẩn về sản phẩm đồ gỗ và lâm sản của nước nhập khẩu.
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam; xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm nghiệp, thủy sản; tổ chức điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản để làm cơ sở cho quản lý, phát triển thủy sản bền vững.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; xem xét trình cấp có thẩm quyền quy định giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi Việt Nam; nghiên cứu giữ ổn định thuế xuất khẩu theo biểu thuế để đảm bảo hỗ trợ cho phát triển ngành chế biến gỗ đến năm 2025; xây dựng biểu thuế nhập khẩu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ hiện đại; trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.
Bộ Công Thương hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu; hỗ trợ ngành chế biến, xuất khẩu lâm sản và thủy sản tổ chức các hội chợ quốc tế trong nước để thu hút, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, gia tăng thị phần xuất khẩu sang thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ kế hoạch đàm phán mở cửa thị trường nhập khẩu đối với nguồn nguyên liệu có nguồn gốc; xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo liên thông nguồn dữ liệu về xuất xứ của nguồn nguyên liệu từ khai thác để tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến xuất khẩu đang là thế mạnh của Việt Nam.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật, cơ chế chính sách về thương mại, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, không để ảnh hưởng đến uy tín của ngành chế biến gỗ, thủy sản; thống nhất về cơ chế quản lý thủy sản, lâm sản nhập khẩu đảm bảo nguồn gốc hợp pháp. "Các tham tán thương mại thường xuyên phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp hỗ trợ cho việc cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường tại các quốc gia, thị trường quan trọng", Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ưu tiên bố trí vốn trung hạn để các bộ, ngành địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị định số 57/2018-NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; khẩn trương xây dựng, hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch đảm bảo lồng ghép, thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển lâm nghiệp, thủy sản bền vững; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ lâm sản tập trung, phát triển các dịch vụ logistics, khu ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp gắn với phát triển ngành chế biến gỗ, lâm sản.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn cho các doanh nghiệp, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ cho các khoản vay.
Doanh nghiệp chủ động "tự cứu mình"
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) phát biểu. |
Đối với các tỉnh, thành phố, Thủ tướng yêu cầu tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước; triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư để phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến thủy sản, chế biến gỗ và lâm sản. Các địa phương có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản tập trung; tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, kết hợp khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; thực hiện hiệu quả chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; không khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh gỗ lớn để bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời tạo được nguồn gỗ có đường kính lớn phục vụ cho sản xuất.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tiếp tục triển khai hiệu quả các Chương trình phát triển bền vững ngành thủy sản; triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ; thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ môi trường. Hiệp hội chủ động nguồn nguyên liệu trong nước thông qua việc mở rộng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; dẫn dắt chuỗi liên kết giá trị giữa nông ngư dân và doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiệp hội quan tâm, tăng cường kết nối với người dân và giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước nhằm nắm bắt và có các giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản.
Hiệp hội chế biến Gỗ và Lâm sản tiếp tục trao đổi thông tin, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt và có các giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản; phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện thương mại, đẩy mạnh tổ chức thành công Hội chợ quốc tế xuất khẩu đồ gỗ.
"Các doanh nghiệp, hiệp hội cần phát huy truyền thống, tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo và vượt khó có cách làm mới tự cứu mình thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin