Nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” và được đông đảo nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động (CBNGNLĐ) toàn ngành hưởng ứng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu mới.
Cô giáo Nguyễn Thị Quý, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trực Hưng, nữ cán bộ “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” tiêu biểu của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Trực Ninh. |
Sở GD và ĐT, Ban chấp hành Công đoàn ngành, lãnh đạo các nhà trường và Ban chấp hành Công đoàn cơ sở luôn quan tâm tạo điều kiện để nữ nhà giáo có điều kiện thể hiện năng lực, vai trò của mình trong các lĩnh vực. Cùng với sự phát triển chung về hệ thống giáo dục, chất lượng và năng lực của đội ngũ nữ CBNGNLĐ được nâng lên, phẩm chất đạo đức, năng lực sư phạm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là cán bộ trẻ, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học; gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của ngành.
Ban Nữ công Công đoàn ngành đã bám sát nhiệm vụ công tác chuyên môn của ngành, của Công đoàn, nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò đại diện quyền làm chủ của phụ nữ; xây dựng nhiều mô hình mới, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, bảo vệ phụ nữ phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo đoàn viên nữ. Thực hiện bình đẳng giới, tổ chức các phong trào thi đua trong nữ CBNGNLĐ toàn ngành vừa là mục tiêu, vừa tạo động lực giúp chị em không ngừng phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất, công tác, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, cống hiến công sức, trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp, góp phần vào thành tích chung của ngành.
Phong trào thi đua “Hai giỏi” của công đoàn được cụ thể hóa theo đặc trưng ngành nghề công tác thành phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” với 5 tiêu chí đánh giá chuẩn mực phụ nữ ngành GD và ĐT: “Yêu nước; có trình độ chuyên môn vững vàng, năng động, sáng tạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có sức khoẻ; có lối sống văn hoá và tấm lòng nhân hậu; quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng”; rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Nam hiện đại: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Các hoạt động thể hiện “màu sắc” giới được quan tâm: Hàng năm phát động “Tuần lễ áo dài” trong nữ CBNGNLĐ và nữ học sinh, sinh viên nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11); sinh hoạt Câu lạc bộ Nữ công; tổ chức Hội thi “Bữa cơm gia đình gắn kết yêu thương”, thi cắm hoa nghệ thuật...; Công đoàn ngành phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành tập huấn kỹ năng ứng xử sư phạm và đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới cho cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục (CSGD), Chủ tịch Công đoàn, trưởng Ban nữ công công đoàn các CSGD; tổ chức thành công các hội nghị tổng kết, sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, “Chia sẻ kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khoẻ sinh sản và giữ lửa hạnh phúc gia đình”...
Cô giáo Trần Thị Lan Dung, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) có nhiều sáng kiến được Sở GD và ĐT xếp loại xuất sắc; hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học đạt nhiều giải thưởng (giải Nhất, Nhì cuộc thi khoa học cấp tỉnh; 2 năm liền đạt giải Nhì cuộc thi KHKT cấp quốc gia). |
Phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” đã đạt được những kết quả đáng kể, thu hút đông đảo nữ cán bộ, giáo viên tích cực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện với hàng chục nghìn lượt nữ nhà giáo tham gia thi giáo viên dạy giỏi và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ nữ nhà giáo đạt giáo viên giỏi, danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp luôn chiếm tỷ lệ cao. Hàng năm, toàn ngành có từ 98% nữ CBNGNLĐ trở lên đạt danh hiệu thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”. Nhiều chị đạt các danh hiệu, giải thưởng cao quý của Nhà nước. Trong phong trào, xuất hiện các đơn vị, cá nhân tiêu biểu như: Công đoàn Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định); Công đoàn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Công đoàn Trường THPT A Hải Hậu; Công đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định... Nhiều nữ cán bộ, nhà giáo tiêu biểu trong phong trào như nhà giáo Trần Thị Thanh Xuân, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhiều năm liên tục có học sinh giỏi đạt giải quốc gia, khu vực và quốc tế, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Ba và đang được đề nghị công nhận danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” năm 2022; NGƯT Nguyễn Thị Dung, Trường THPT B Hải Hậu (Hải Hậu) có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp tỉnh, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo; chị Trần Thị Lan Dung, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) với nhiều sáng kiến được Sở GD và ĐT xếp loại xuất sắc, được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận, đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học đạt nhiều giải thưởng (giải Nhất, Nhì cuộc thi khoa học cấp tỉnh năm 2019 và 2020; 2 năm liền đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia), được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2020, là một trong những đại biểu đại diện cho ngành Giáo dục dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Nam Định lần thứ V (giai đoạn 2020-2025)... Các chị: Phạm Thị Hằng, Trường THPT Nghĩa Hưng A (Nghĩa Hưng); Phạm Thanh Lưu, Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên); Phạm Thị Hằng, Trường THPT Nam Trực (Nam Trực); Nguyễn Thị Ngân, Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định); Hoàng Thị Ngọc Anh, Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định); Nguyễn Thị Huyền, Trường THPT A Nghĩa Hưng (Nghĩa Hưng); Phạm Kim Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Dương Thị Thanh Thúy, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Phạm Thị Kiều Oanh, Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên)... đều là những nữ nhà giáo “hai giỏi”... Đặc biệt, chị Ngô Thu Hằng, Trường THPT Lương Thế Vinh (Vụ Bản) bố mẹ đẻ ốm đau, bố chồng bị ung thư, chồng bị viêm tụy cấp hoại tử nhưng chị vẫn cố gắng khắc phục khó khăn, vượt qua hoàn cảnh để nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi, hai con chị đều là học sinh giỏi cấp huyện, bản thân chị là giáo viên giỏi cấp tỉnh; chị Trần Thị Ngoan, Trường THPT Trần Nhân Tông (Nghĩa Hưng), có chồng là bộ đội Hải quân công tác xa nhà, bố mẹ ốm đau, chạy thận nhiều năm nhưng chị vẫn nuôi dạy con chăm ngoan, là học sinh xuất sắc toàn diện; bản thân chị là giáo viên giỏi cấp tỉnh...
Phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” trong ngành GD và ĐT đang tiếp tục lan tỏa, ngày càng có chiều sâu, phát huy được nhiều phẩm chất tốt đẹp và tiềm năng to lớn của nữ CBNGNLĐ trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, khẳng định được vị thế của đội ngũ nữ CBNGNLĐ trong sự nghiệp “trồng người”.
Để đẩy mạnh phong trào trong giai đoạn tới, Sở GD và ĐT và Công đoàn ngành phối hợp chỉ đạo các CSGD đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, vận động nguồn lực giúp đỡ cho đối tượng là nữ CBNGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, hỗ trợ từ các nguồn quỹ trợ vốn, quỹ tiết kiệm, quỹ “Mái ấm công đoàn”... Chú trọng bảo vệ việc làm bền vững cho nữ CBNGNLĐ trước tác động của cách mạng công nghệ 4.0. Duy trì tổ chức các hoạt động chăm lo cho con CBNGNLĐ như: Tuyên dương, khen thưởng các cháu có thành tích cao trong học tập; hỗ trợ học bổng từ Quỹ khuyến học, tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi. Củng cố và kiện toàn Ban nữ công, Ban nữ công quần chúng các cấp qua các kỳ đại hội, sự chuyển giao nhiệm kỳ lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhằm tham mưu tốt cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị và Công đoàn cùng cấp trong việc tổ chức các phong trào thi đua trong nữ CBNGNLĐ tại đơn vị.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nữ CBGVNLĐ về bình đẳng giới theo Luật Bình đẳng giới; phát hiện đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ nữ đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, điều kiện và tiêu chuẩn để tham gia cấp ủy Đảng, chuyên môn các cấp và bổ sung tham gia ban chấp hành công đoàn các cấp theo quy định. Thực hiện sơ, tổng kết rút kinh nghiệm phong trào hoạt động về giới, về nữ công hàng năm, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, động viên khen thưởng kịp thời và nhân rộng các điển hình cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào, để phong trào phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, có sức lan toả mạnh mẽ, để phụ nữ toàn ngành có nhiều đóng góp xứng đáng hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ ngành Giáo dục trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin