Phát triển kinh tế tập thể - Thực tiễn và giải pháp (kỳ 3)

18:00, 16/02/2023

(Tiếp theo và hết)
 

Kỳ III: Tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện vẫn còn có những hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX). Các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành chức năng đã phân tích, nhận diện các hạn chế, khó khăn; thống nhất các giải pháp thiết thực cần tăng cường để hướng tới mục tiêu tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

Hợp tác xã thủy sản Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) áp dụng mô hình nuôi tôm bằng công nghệ biofloc, nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi thủy sản.
Bài và ảnh: thanh thúy
Hợp tác xã thủy sản Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) áp dụng mô hình nuôi tôm bằng công nghệ biofloc, nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi thủy sản. 

Qua phân tích các hạn chế, khó khăn trong phát triển KTTT, HTX của tỉnh được thẳng thắn nhận diện là: Cơ sở vật chất và vốn hoạt động bình quân của một HTX còn thấp so với nhu cầu đầu tư; HTX khó vay vốn tín dụng do không đủ tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay, trong khi tỉnh chưa có quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Nhiều HTX (nhất là HTX nông nghiệp truyền thống chuyển đổi) còn hạn chế về năng lực tiếp cận kinh tế thị trường, lúng túng trong xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chưa xác định được và chưa chú trọng xây dựng sản phẩm chủ lực gắn với bảo hộ sở hữu trí tuệ, bao bì, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nên chưa tổ chức được hoạt động, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Lực lượng lao động nông nghiệp thực tế chủ yếu là người cao tuổi và phụ nữ; diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún, khó áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, các khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Đất sản xuất của các HTX nuôi trồng thủy sản đa số là đất công, thuê ngắn hạn của xã nên không thể đầu tư theo hướng lâu dài để đảm bảo hiệu quả. Quy mô sản xuất của các HTX tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ, sản phẩm mang tính truyền thống làng nghề, lợi nhuận thấp, chủ yếu giải quyết việc làm lao động thời vụ; công nghệ lạc hậu nên hiệu quả không cao. Một thực trạng chung đối với các HTX là lực lượng lao động trẻ có trình độ nhưng chưa thực sự gắn bó với kinh tế HTX, lương và các chế độ ở HTX không đáp ứng được nhu cầu của lao động. Năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý HTX còn yếu, tỷ lệ cán bộ đào tạo chuyên sâu đúng ngành nghề còn thấp, một số thành viên Hội đồng quản trị và cán bộ điều hành HTX chưa theo kịp với yêu cầu thực tế. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với kinh tế tập thể, HTX theo Luật HTX và Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ còn hạn chế, như hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hỗ trợ quảng bá năng lực còn ít; kinh phí đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cán bộ HTX, thành viên HTX, hỗ trợ thành lập mới HTX, hỗ trợ xúc tiến thương mại tìm kiếm và phát triển thị trường, xây dựng chuỗi cho HTX còn hạn hẹp. Một bộ phận cán bộ, thành viên, người lao động chưa nhận thức đúng, đủ về quan điểm, vị trí và vai trò của việc phát triển KTTT, về bản chất và mô hình HTX kiểu mới, giá trị đích thực của HTX... 

Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa KTTT, HTX trong giai đoạn mới, Tỉnh uỷ đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, kịp thời ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. Theo đó, các giải pháp chủ yếu là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về phát triển KTTT với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, kết hợp sức mạnh tập thể với sức mạnh của từng thành viên, là yêu cầu và xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tăng cường biện pháp triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Trung ương để phát triển KTTT, nhất là các chính sách hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các tổ chức KTTT; ưu tiên hỗ trợ các tổ chức KTTT tăng số lượng thành viên, mở rộng quy mô hoạt động; chú trọng hướng dẫn phát triển KTTT tại địa phương để tăng khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung của HTX, nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành; hiệu quả, chất lượng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quản lý Nhà nước đối với KTTT; bảo đảm tính thiết thực, thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp các tổ chức KTTT phát triển bền vững. 

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT; thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của KTTT (Nợ tồn đọng kéo dài trong HTX, các quan hệ về tài sản của HTX, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai); rà soát, sắp xếp lại các HTX hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX 2012. Phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức KTTT, kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong trào quần chúng nhân dân tham gia phát triển các tổ chức KTTT; khuyến khích liên kết kinh tế giữa các tổ chức KTTT hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực; nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn HTX hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực; tăng cường liên kết giữa tổ chức KTTT với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp Nhà nước, sớm khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa kinh tế Nhà nước với KTTT; hỗ trợ xây dựng các mô hình KTTT kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế, như liên kết sản xuất theo chuỗi, liên kết với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, khuyến khích các tổ chức KTTT chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm. 

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tăng cường quản lý Nhà nước đối với KTTT, đảm bảo bộ máy quản lý Nhà nước đối với KTTT tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành; kiện toàn, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng cán bộ quản lý ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), ở mỗi cấp, ngành đều có cán bộ phụ trách chỉ đạo, hướng dẫn theo dõi về phát triển KTTT. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước về KTTT, thúc đẩy các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đáp ứng nhu cầu giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức KTTT thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức đối với việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển KTTT. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp các cấp và Liên minh HTX tỉnh đối với phát triển KTTT. Trong đó, chú trọng củng cố, tăng cường hoạt động của Liên minh HTX tỉnh nhằm phát huy và làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần KTTT, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và thúc đẩy đổi mới, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện tốt những chương trình, dự án gắn với huy động sức mạnh của nhân dân để đầu tư phát triển KTTT, gắn việc kinh doanh, dịch vụ của tổ chức KTTT với các hoạt động công ích, cộng đồng, nâng cao uy tín của tổ chức KTTT đối với thành viên và khu vực nông thôn. 

Mục tiêu phát triển KTTT của tỉnh đặt ra đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 700 HTX; 5 liên hiệp HTX; mỗi năm thành lập mới 15-20 tổ hợp tác; xử lý cơ bản số HTX không còn hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký, tổ chức lại theo Luật HTX. Bảo đảm trên 60% tổ chức KTTT đạt loại tốt và khá; trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, có khoảng 15% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com