Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động là Phật giáo, Công giáo và Tin lành; trong đó có 845 ngôi chùa và 894 tăng, ni với khoảng 30 vạn tín đồ đạo Phật; 665 xứ, họ đạo Công giáo, 1 giám mục, 253 linh mục với tổng số gần 47,3 vạn giáo dân; 2 hội thánh Tin lành, 2 mục sư với hơn 800 tín đồ. Xác định công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo hiểu rõ, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, công tác này đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn toàn tỉnh.
Sư ông Thích Thanh Hải, trụ trì chùa Đàm Linh, thôn Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên) tham gia hiến máu nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ phát động. |
Hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành liên quan tổ chức quán triệt, tuyên truyền các văn bản mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của tỉnh liên quan đến công tác tôn giáo. Giao Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác tôn giáo với các nội dung: quan điểm của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; các chỉ thị của Bộ Chính trị và nghị định của Chính phủ về công tác tôn giáo trong tình hình mới... Đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện các chỉ thị, luật, nghị định về tôn giáo phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương đổi mới mạnh mẽ, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong 5 năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp Sở Nội vụ tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác tôn giáo cho hơn 300 cán bộ, công chức của Ban Dân vận cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ tham mưu công tác tôn giáo cấp tỉnh, huyện của các đơn vị liên quan. Phối hợp với Ban Dân vận các huyện ủy, thành ủy tổ chức 5 hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận, công tác tôn giáo cho 1.200 cán bộ, công chức làm công tác dân vận, công tác tôn giáo cấp huyện và cơ sở. Sở Nội vụ đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ và các văn bản có liên quan đến công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở. Thường xuyên đăng tải trên trang thông tin của Sở Nội vụ các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực tôn giáo. Sở Nội vụ tổ chức được 20 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tôn giáo và tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cho 10.598 lượt cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị; 4.855 lượt chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; 3.127 trưởng thôn (xóm), tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn một số huyện, thành phố. Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo cho Ban Đoàn kết công giáo các huyện, thành phố; Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và các huyện, thành phố với trên 1.000 người. MTTQ của 10/10 huyện, thành phố tổ chức hội nghị giới thiệu Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp cho gần 5.000 lượt cán bộ làm công tác Mặt trận, công tác tôn giáo của các xã, phường, thị trấn. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam, Sở Nội vụ tổ chức 3 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội, trong đó dành 20% số tiết học để cung cấp cho học viên về tình hình tôn giáo và kỹ năng tuyên truyền, vận động phụ nữ các tôn giáo trong tình hình mới. Ngoài ra, hàng năm Hội đồng Quốc phòng - An ninh của các huyện, thành phố còn truyền đạt nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, kiến thức an ninh - quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự cho trên 3.650 lượt chức sắc, tăng, ni tham gia các lớp hạ của đạo Phật.
Đặc biệt, việc tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được quan tâm thực hiện. Điển hình như thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 18-12-2014 của Ban TVTU về tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo; Kế hoạch số 10/KH-UBND, ngày 3-2-2015 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU, Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành phát động đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo. Hướng dẫn Giáo hội Phật giáo tỉnh, Toà Giám mục Bùi Chu tổ chức hội thảo với chủ đề: Tôn giáo Nam Định góp phần đảm bảo an ninh xã hội; xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no hạnh phúc, được đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo tham gia. Từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” cụ thể hóa thành phong trào “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu” và phong trào xây dựng “Xứ, họ không ma túy” của Công giáo; phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến” và phong trào “Tâm sáng hướng thiện” của Phật giáo. Đặc biệt, thời gian qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào các tôn giáo” đã huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động các tín đồ, giáo dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Do đó, đã đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước, đảm bảo hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn nền nếp theo quy định của pháp luật.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện tốt công tác vận động, tranh thủ, xây dựng mối quan hệ với chức sắc, chức việc các tôn giáo. Từng bước xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó trên tinh thần tin tưởng, cởi mở giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với chức sắc các tôn giáo. Hàng năm, vào các dịp lễ trọng, những sự kiện lớn của các tôn giáo, Tết Nguyên đán, các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ từ tỉnh tới cơ sở đều tổ chức các đoàn đến chúc mừng, thăm hỏi, động viên tổ chức tôn giáo, chức sắc, nhà tu hành tiêu biểu nhằm tăng cường sự hiểu biết, cởi mở, tạo niềm tin cho tín đồ các tôn giáo đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Một số địa phương như các huyện: Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu có nhiều cách làm sáng tạo; tổ chức các buổi gặp mặt, giao lưu văn nghệ, thể thao; hội nghị gặp mặt đảng viên là người có đạo... Qua đó, cấp ủy, chính quyền thông tin về kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội; về các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế... để tuyên truyền chức sắc, tín đồ đồng hành cùng địa phương trong thực hiện...
Việc đổi mới công tác tuyên truyền, vận động đường lối, chính sách của Đảng, các quy định của Nhà nước đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; sinh hoạt của chức sắc, tín đồ các tôn giáo đúng quy định, chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia công tác xã hội và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin