Hướng tới xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện và hiện đại

13:03, 16/12/2022

Sáng 16-12, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo báo cáo tại hội nghị, 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/NQ-TW, hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo quyền an sinh của người dân theo Hiến pháp 2013. Đời sống của nhân dân trên khắp các vùng, miền, mọi thành phần, dân tộc đều được nâng lên, là tiền đề và điều kiện cơ bản để đảm bảo an sinh xã hội, an ninh con người và phát triển con người, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội. Chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam ngày càng tiến bộ; điểm số HDI tăng từ 0,48 (năm 1990) lên 0,71 (năm 2020), Việt Nam được chuyển từ nhóm trung bình lên nhóm “các quốc gia phát triển con người cao”, đứng ở vị trí 117/189 quốc gia; Việt Nam cũng xếp thứ hạng cao về chỉ số vốn nhân lực (HCI), chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á. Các thành tựu nổi bật đã đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng việc làm cũng không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 70,25%, tăng 1,53 lần so với năm 2012 (46,0%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ tăng từ 15,58% năm 2011 lên 26,1% năm 2021. Thu nhập của người dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động năm 2020 đạt 4,25 triệu đồng/tháng, tăng gần 3 lần trong 10 năm qua. Tốc độ tăng thu nhập bình quân khoảng 10%/năm; thu nhập của người dân nông thôn tăng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 2,23% năm 2021; các huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao giảm 4%/năm. Thu nhập bình quân của hộ nghèo đã tăng 3,5 lần trong 10 năm qua. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 8,27 triệu người năm 2012 lên gần 13,4 triệu người năm 2021 (chiếm 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Năm 2021, có 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 91% dân số; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 45,5% năm 2012 lên 64,5% năm 2020, 66% năm 2021 và ước 67% năm 2022. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 74 tuổi vào năm 2020; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 96%-98%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 80,5% năm 2012 lên 88,5% năm 2020; năm 2021, đạt 90%. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia tăng từ 38,7% năm 2012 lên 54% năm 2021.

Định hướng hoàn thiện chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2034: Thực hiện chính sách xã hội chăm lo cho người dân, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân, là nhiệm vụ chiến lược, trách nhiệm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội, khơi dậy và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển; chính sách xã hội phải đặt ngang tầm với chính sách kinh tế; phát huy tính ưu việt của chế độ và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội bao trùm, toàn diện, bền vững; bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội dựa trên quyền con người, hướng tới con người và vì con người; bảo đảm cung cấp đầy đủ, có chất lượng cơ hội tiếp cận công bằng về dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện và hiện đại, hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng linh hoạt và hiệu quả trước các rủi ro kinh tế-xã hội và môi trường. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, tạo việc làm có năng suất cao và bền vững; tập trung đầu tư phát triển con người, phổ cập nghề cho người lao động và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách xã hội tương xứng khả năng, điều kiện phát triển kinh tế; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp và người dân./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com