Ở tuổi 30, Nguyễn Thị Huyền vẫn chạy thoăn thoắt trên đường chạy 400m, tiếp tục mang về vinh quang cho điền kinh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Sự nghiệp của Nguyễn Thị Huyền tại SEA Games có thể gói gọn trong 2 từ "kỉ lục". Với tấm huy chương vàng giành được tại nội dung 400m vượt rào nữ chiều 11.5, Nguyễn Thị Huyền đã trở thành vận động viên điền kinh giành nhiều huy chương vàng nhất tại SEA Games, với 12 lần đứng trên bục cao nhất. Cô vượt qua kỉ lục của Triyaningsih (Indonesia) – người đoạt 11 huy chương vàng từ SEA Games 2007 đến 2017.
Nguyễn Thị Huyền đã làm rạng danh điền kinh Việt Nam, khi giành huy chương vàng tại 5 kỳ Đại hội liên tiếp. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Điền kinh được xem là môn thể thao “nữ hoàng” của SEA Games nói riêng và các đại hội thể thao lớn khác nói chung. Trong gần 10 năm qua, điền kinh Việt Nam đã từng bước khẳng định được tầm vóc, sức mạnh, vươn lên dẫn đầu thành tích bảng thành tích tại 3 kì đại hội liên tiếp vào các năm 2017, 2019 và 2022. Trong thành công đó, Huyền là ngôi sao sáng nhất.
Nguyễn Thị Huyền sinh ra trong một gia đình khó khăn tại Ý Yên, Nam Định. Cô phải làm trụ cột từ khi còn nhỏ, vì vắng cha sớm, phải đỡ đần kinh tế cho người mẹ ốm đau cùng một người chị bị thần kinh không thể lo được cho bản thân.
Lên tuyển quốc gia từ năm 2011, nhưng phải đến 4 năm sau, Nguyễn Thị Huyền mới tỏa sáng rực rỡ bằng việc đoạt 3 huy chương vàng nội dung 400m, 400m vượt rào và tiếp sức 4x400m nữ tại SEA Games 28 năm 2015. Cô cũng phá 2 kỉ lục đại hội, đạt 2 chuẩn B Olympic.
Hai năm sau đó, nữ vận động viên sinh năm 1993 tiếp tục bảo vệ thành công cả 3 tấm huy chương vàng của mình. Nguyễn Thị Huyền không chỉ chạy để thoát nghèo, trên hết những bước chân thoăn thoắt của cô đã làm rạng danh điền kinh Việt Nam.
Sự vĩ đại của Nguyễn Thị Huyền được tô đậm kể từ khi cô lập gia đình, làm mẹ. Không thể nói hết những khó khăn, thách thức mà vận động viên người Nam Định phải đương đầu, khi hạ quyết tâm trở lại đường đua chỉ 3 tháng sau con. Vì sinh mổ, Nguyễn Thị Huyền phải sớm cai sữa để có thể trở lại, khiến cơ thể cô nhiều lúc không thể thích ứng.
Nghĩ đến cô con gái bé bỏng chịu nhiều thiệt thòi, Nguyễn Thị Huyền đã cố gắng, nỗ lực gấp đôi trong tập luyện, thi đấu cho mình và cả cho con.
Chỉ hơn 1 năm sau khi làm mẹ bỉm sữa, Nguyễn Thị Huyền khiến tất cả sửng sốt khi bảo vệ thành công 2 tấm huy chương vàng nội dung 400m và 400m vượt rào.
“Tấm huy chương vàng này có ý nghĩa hơn mọi danh hiệu, kỉ lục tôi giành được trước đây. Ba tháng sau khi sinh, tôi đã trở lại tập luyện và ca sữa sau 6 tháng.
Vì thế, tôi phải cố gắng hết sức để bù đắp cho những ngày xa con”, Nguyễn Thị Huyền chia sẻ khi đó.
Qua 5 kì SEA Games miệt mài cống hiến, Nguyễn Thị Huyền đã 5 lần liên tiếp giành huy chương vàng nội dung 400m vượt rào, 4 lần đoạt huy chương vàng nội dung 400m, chỉ để để vuột vàng vào Shereen Samson Vallabouy – vận động viên trẻ hơn cô 6 tuổi và chưa làm mẹ như cô tại SEA Games 32.
Nguyễn Thị Huyền xứng đáng là tấm gương sáng về tinh thần phấn đấu và nỗ lực hết mình để cống hiến cho thể thao Việt Nam. Cô cũng là biểu tượng về đức hi sinh, nghị lực và ý chí người phụ nữ Việt Nam, vừa làm tròn thiên chức làm mẹ, vừa duy trì thành tích xuất sắc trên đường chạy SEA Games.
Nguyễn Thị Huyền nói rằng, một trong những động lực giúp cô đi vào lịch sử SEA Games là sự động viên của đồng đội, huấn luyện viên và người hâm mộ.
Nhưng ngược lại, cô chính mới niềm cảm hứng để những đồng đội tiếp tục dấn thân, nỗ lực hết mình để chinh phục vinh quang tại SEA Games.
Ở tuổi 30, Nguyễn Thị Huyền tự biết rằng sự nghiệp đỉnh cao của mình không còn dài, nhưng khi nào cơ thể còn cho phép, cô sẽ luôn hết mình trên đường đua…
Theo laodong.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin