Khi HLV Bandovic Bozidar cất tuyển thủ Phạm Tuấn Hải để sử dụng đủ bộ 3 ngoại binh tấn công người Brazil ở trận ra quân V-League 2023 gặp Viettel FC, giới mộ điệu đã đặt rất nhiều kỳ vọng về sự hoa mỹ trong lối chơi của Hà Nội FC. Xây dựng lối chơi tấn công đẹp mắt, cống hiến cũng là điều mà ông chủ của Hà Nội FC ủng hộ và hướng đến.
Ngoại binh người Brazil là Bruno Cantanhede, vua phá lưới V-League 2019, đã ghi siêu phẩm vào lưới Khánh Hòa đem 3 điểm về cho Thanh Hóa ở trận ra quân. |
Ngay cả đối thủ cùng thành phố với Hà Nội FC là Công an Hà Nội cũng có chung định hướng phát triển, tức lấy tấn công làm chủ đạo. Hai trên 3 ngoại binh của họ, HLV Paulo Foiani và trợ lý số 1 Flavio Cruz cùng đến từ quốc gia có điệu nhảy Samba nổi tiếng. Bên cạnh Hà Nội FC, thì Khánh Hòa, Nam Định và Thanh Hóa là 4 đội ở V-League 2023 đăng ký cả 3 ngoại binh người Brazil.
Dựa vào danh sách đăng ký của 14 đội dự V-League 2023, trong số 42 ngoại binh thì có 25 người mang quốc tịch Brazil, tức chiếm 59,5%. Con số này xô đổ kỷ lục ở lượt về của mùa giải trước, với 24 cầu thủ Brazil. Trong khi số “Vũ công Samba” ở V-League 2020 và 2021 lần lượt là 16 và 19 người. Đó là những lát cắt để minh chứng cho “làn sóng” Brazil đã trở lại V-League, sau một thời gian dài giải đấu bị “Phi hóa” (số lượng cầu thủ châu Phi áp đảo). V-League năm nay chỉ ghi nhận 6 cầu thủ mang quốc tịch châu Phi.
Đã qua rồi cái thời V-League sử dụng “mặt hàng” đến từ châu Phi. Cầu thủ đến từ “lục địa đen” vốn giá thành rẻ, nhưng bù lại cao to, nhanh và khỏe, phù hợp với cách chơi phát bóng dài để độc lập tác chiến phía trên. Nhưng điều này vô tình cản trở sự phát triển của CLB, đặc biệt về mảng tư duy chiến thuật. Và khi gió đã đổi chiều về ngoại binh, điều này tốt cho nền bóng đá. Ba mùa V-League gần nhất, số cầu thủ Brazil chiếm từ 50-60% lượng ngoại binh, đã cho thấy sự thay đổi trong khâu chiến thuật, vận hành của các CLB.
Hầu hết các ngoại binh Brazil ở V-League thi đấu trên mặt trận tấn công, và có sự ổn định về mặt thông số kỹ thuật. Trong tốp 10 cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất V-League 2022, có 6 gương mặt đến từ quốc gia Nam Mỹ này. Xa hơn, khi V-League 2019 và 2020 chứng kiến cầu thủ xứ Samba đoạt danh hiệu Vua phá lưới. Còn riêng vòng 1 ở V-League năm nay đã có 5 ngoại binh Brazil lập công, trong đó Bruno Cantanhede, vua phá lưới V-League 2019, đã ghi siêu phẩm vào lưới Khánh Hòa để góp công giúp Thanh Hóa thắng trận ra quân.
Cầu thủ Brazil đậm chất kỹ thuật, ngẫu hứng khi chơi bóng, biến hóa với những cú lắc hông điệu nghệ. Họ chọn cách khiêu vũ, nhảy múa cùng trái bóng để chinh phục trái tim của người hâm mộ. Một khi người xem mãn nhãn với trận cầu đậm tính cống hiến, hấp dẫn, thì kéo theo chất lượng và tính thương mại của V-League tăng lên, đồng thời nâng tầm về mặt chuyên môn cho các cầu thủ trong nước.
Người được hưởng lợi nhất chính là các cầu thủ nội. Khi họ sẽ có dịp đối đầu lẫn cộng hưởng với những cầu thủ Brazil chơi thiên hướng kỹ thuật, phối hợp ngắn nhỏ, ban bật. Đây cũng là cách đá sở trường của các đội tuyển Việt Nam. Khi các CLB ở V-League đang chú trọng việc cầm và triển khai bóng, nếu tiền đạo tham gia nhiều vào lối chơi, phối hợp cùng đồng đội sẽ giúp chiến thuật toàn diện và hiệu quả hơn. Và các ngoại binh Brazil đáp ứng được chuyên môn lẫn năng lực để vận hành cách chơi như vậy.
Và ngược lại, khi V-League đang ngày càng phát triển, cố gắng dần thu hẹp khoảng cách trình độ chuyên môn với các cường quốc châu Á, điều này buộc các CLB phải vận động và thích ứng nếu không muốn tụt lại phía sau. Một suy nghĩ khác về việc sử dụng ngoại binh cũng là cách để họ đi lên./.
Theo Báo SGGP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin