Cúp vàng cho Argentina, thành công cho vùng Vịnh

08:28, 23/12/2022

Quốc gia sa mạc nhỏ bé Qatar không khao khát gì hơn là trở thành một ngôi sao trên trường quốc tế, khi vào năm 2009, chính quyền Doha đưa ra một nỗ lực dường như không thể thực hiện được để tổ chức World Cup 2022. Giải đấu lớn nhất thế giới, sự kiện thể thao phổ biến trên trái đất này đã khép lại vào đêm 18, rạng sáng 19-12, với cúp vàng thuộc về đội tuyển Argentina.

Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani mặc lên người Messi chiếc áo khoác đặc biệt. 
Ảnh: Getty

Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani mặc lên người Messi chiếc áo khoác đặc biệt.

Ảnh: Getty

Tổ chức giải đấu này tốn nhiều chi phí hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng lẫn thời gian. Nhưng vào tối Chủ nhật (18-12), khi pháo hoa lấp lánh trên bầu trời Lusail, khi các cổ động viên Argentina cất tiếng hát và ngôi sao của họ, Lionel Messi rạng rỡ trong khi nâng cao chiếc cúp mà anh đã chờ đợi cả đời để được chạm tay vào, thì mọi người trên thế giới đều biết đến Qatar.

Một trận chung kết trong mơ giữa Argentina với Pháp, danh hiệu World Cup đầu tiên cho Messi - cầu thủ xuất sắc nhất thế giới; một trận đấu giật gân được giải quyết sau 6 bàn thắng và một loạt sút luân lưu với đủ cung bậc cảm xúc. CNN bình luận: Chiếc áo được mặc trong những dịp đặc biệt. Messi cùng đồng đội giương cao cúp vàng mà không quá bận tâm về chiếc áo vừa mới được khoác lên mình như thể một màn quảng bá văn hóa cho cả Trung Đông.

Trong một tháng, Qatar đã trở thành trung tâm của thế giới, tạo nên một kỳ tích mà không nước láng giềng nào trong thế giới Arab có thể đạt được, một kỳ tích mà đôi khi dường như không thể tưởng tượng được trong những năm kể từ khi Sepp Blatter, cựu chủ tịch FIFA, thông báo gây sửng sốt bên trong hội trường Zurich vào ngày 2-12-2010, rằng Qatar sẽ đăng cai World Cup 2022.
Qatar có lẽ là một trong những nước chủ nhà không phù hợp nhất cho một giải đấu có quy mô như World Cup, một đất nước thiếu sân vận động, cơ sở hạ tầng và lịch sử đến nỗi chính FIFA, rồi các nhà tài trợ đã dán nhãn “rủi ro cao”. Nhưng Qatar đã có một mặt hàng mà họ có nguồn cung dồi dào: Dầu mỏ.

Hàng trăm tỷ USD đã được chi tiêu để mang tới thành công của World Cup 2022. Có tới 7 sân vận động mới được xây dựng và các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác được hoàn thành với chi phí tài chính và nhân sự khổng lồ. Nhưng khi điều đó là chưa đủ, Qatar còn chi tiêu xa hoa bên ngoài biên giới của mình, mua lại các đội thể thao (trong đó có PSG) và quyền lực thể thao trị giá hàng tỷ USD, đồng thời thuê các ngôi sao thể thao và các yếu nhân nổi tiếng để ủng hộ công cuộc World Cup. Và tất cả những thứ đó đã được trưng bày vào đêm 18-12. Vào thời điểm trận đấu cuối cùng diễn ra ở sân vận động Lusail trị giá 1 tỷ USD, Qatar đã thắng lớn. Trận đấu được chiếu trên khắp Trung Đông trên beIN Sports, một đài truyền hình thể thao khổng lồ được thành lập sau khi Qatar giành được quyền đăng cai World Cup 2022. Trên sân, Messi của Argentina và ngôi sao người Pháp Kylian Mbappe, cả hai ngôi sao lớn nhất đều đang có hợp đồng với câu lạc bộ Pháp PSG thuộc sở hữu của Qatar.

Nhưng trên sân không tồn tại tình bạn. Những bàn thắng tuyệt vời và những trận đấu tuyệt vời, những pha bóng đảo lộn ngoạn mục tỷ số và vô số những pha ghi bàn đầy bất ngờ đã tạo nên những anh hùng mới, đáng chú ý nhất là trong thế giới Arab. Đó là đội tuyển Saudi Arabia, đó là đội tuyển Morocco, với chuỗi chiến thắng khó tin trước các đối thủ nặng ký của bóng đá châu Âu: Bỉ, Tây Ban Nha và sau đó là Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo.

Những kết quả đó đã làm dấy lên sự ăn mừng trên khắp thế giới Arab. Argentina cũng vậy, Messi cũng thế khi đã có được chính xác những gì họ muốn từ World Cup kỳ này. Và trên hết, Qatar cũng vậy./.

Đình Hùng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com