Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ lạm phát ở Đức tiếp tục giảm trong tháng 5/2023 khi giá tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Nice của Pháp. (Ảnh REUTERS) |
Tháng 4/2023, tỷ lệ lạm phát giảm xuống 7,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022 và các nhà kinh tế dự báo lạm phát sẽ giảm xuống 6,5% trong tháng 5. Các số liệu từ Đức là dấu hiệu quan trọng về tỷ lệ lạm phát trong Khu vực đồng euro (Eurozone), mà Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1/6.
Sự biến động về giá cả ở từng quốc gia trong Eurozone có ý nghĩa quyết định đối với chính sách lãi suất trong tương lai của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đầu tháng 5, ECB tăng lãi suất cơ bản trong Eurozone lên 3,75% lần thứ 7 liên tiếp. Các chuyên gia kỳ vọng ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất cao hơn nữa thời gian tới.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức cũng giảm trong tháng 5/2023 mặc dù chậm hơn bình thường vào giai đoạn mùa xuân.
Theo Cơ quan Lao động liên bang Đức (BA), mặc dù nền kinh tế suy yếu, thị trường lao động nhìn chung vẫn ổn định, tăng trưởng việc làm đang tiếp tục đi lên. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức giảm 0,2 điểm xuống còn 5,5% trong tháng 5/2023, tương đương số người thất nghiệp ở Đức giảm xuống còn 2,544 triệu người, thấp hơn 42.000 người so với tháng 4, nhưng nhiều hơn 284.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Các số liệu báo cáo cho thấy tháng 5/2023, giá tiêu dùng ở Pháp tăng chậm lại, còn 5,1%, giảm so với 5,9% của tháng 4. Lạm phát của Tây Ban Nha giảm từ 4,1% tháng 4, còn 3,2% tháng 5 nhờ chi phí nhiên liệu giảm. Giá tiêu dùng của Italia trong tháng 5/2023 cũng giảm từ 8,2% của tháng 4, xuống 7,6%, nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% đề ra.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s điều chỉnh mức dự báo GDP của Italia năm 2023 tăng 0,8%, cao hơn mức dự báo 0,3% mà cơ quan này đưa ra tháng 2/2023. Ngược lại, Moody’s hạ mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Italia từ 0,6% xuống 0,4%.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos (L.Ghin-đốt), đây là những thông tin tích cực, nhưng còn quá sớm để tuyên bố Eurozone đối phó thành công lạm phát. Phát biểu tại buổi công bố báo cáo định kỳ của ECB về bình ổn tài chính, ông Luis de Guindos cho rằng, châu Âu đang đi đúng quỹ đạo và các nước trong khu vực cần xem xét thận trọng diễn biến của lạm phát lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin