Nga, Kenya nhất trí thúc đẩy quan hệ thương mại song phương

07:39, 31/05/2023

Ngày 29-5, Văn phòng Tổng thống Kenya William Ruto thông báo Nairobi và Moskva sẽ ký một thỏa thuận thương mại song phương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước. Thông báo được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Ruto và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại thủ đô của Kenya cùng ngày.

Theo đó, Tổng thống Ruto cho biết quan hệ thương mại song phương Nga-Kenya hiện vẫn ở mức thấp dù nhiều tiềm năng và khẳng định thỏa thuận được ký lần này sẽ giúp mang lại cho các doanh nghiệp “động lực cần thiết” trong nỗ lực hợp tác giữa hai nước. Thông báo không bao gồm chi tiết về thời điểm ký thỏa thuận cũng như nội dung thỏa thuận. Theo số liệu mới nhất của Chính phủ Kenya, kim ngạch xuất khẩu của Kenya sang Nga đạt 55 triệu USD trong năm 2022, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 266 triệu USD. Ngũ cốc và phân bón là hai mặt hàng xuất khẩu chính của Nga cho Kenya. 

Giá điện ở một số nước thuộc Liên minh châu Âu xuống mức âm

Báo The Guardian ngày 29-5 cho biết, tại một số quốc gia thành viên EU, giá điện giảm xuống mức âm trong ngày do năng suất các nguồn năng lượng tái tạo (RES) tăng và nhu cầu sưởi ấm hoặc làm mát thấp trong bối cảnh thời tiết dễ chịu. Giá điện giảm xuống mức âm khi dư thừa tài nguyên trên thị trường. Điều này là do năng suất cao của các nhà máy năng lượng mặt trời, gió và thủy điện (HPP). Năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu, song điện năng do chúng tạo ra không thể lưu trữ cho tương lai. Trong những trường hợp như vậy, các công ty điện trả thêm tiền cho người tiêu dùng khi sử dụng tài nguyên để tránh làm quá tải hệ thống. Trong tháng 5, các nhà phân tích của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự đoán rằng, đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ vượt quá đầu tư cho khai thác dầu mỏ. Theo họ, cứ mỗi USD đầu tư cho khai thác nhiên liệu hóa thạch thì có gần 1,7 USD được chi cho việc sản sinh năng lượng tái tạo.

Liên hợp quốc cảnh báo nạn đói tại Haiti, khu vực Sahel và Sudan

Liên hợp quốc (LHQ) vừa đưa Haiti, khu vực Sahel, trong đó có Burkina Faso và Mali, cùng Sudan vào danh sách các khu vực cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực cao nhất, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có hành động “khẩn cấp”. Tuyên bố trên được Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đưa ra ngày 29-5. Động thái trên được đưa ra sau những hạn chế nghiêm trọng đối với việc di chuyển của người dân và việc vận chuyển hàng hóa tại Burkina Faso và Mali - nơi các phần tử cực đoan thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công, ở Haiti - vốn đang hứng chịu khủng hoảng, cùng Sudan - nơi chúng kiến xung đột bùng phát gần đây.  Trong báo cáo chung, FAO và WFP cho biết ngoài 4 nước trên, các nước Afghanistan, Nigeria, Somalia, Nam Sudan, Yemen vẫn nằm trong danh sách cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực cao nhất. Tất cả “điểm nóng” trong danh sách này đều có điểm chung là các cộng đồng đang hoặc sẽ phải đối mặt với nạn đói hoặc có thể lâm vào tình trạng thảm khốc, đòi hỏi “chú ý khẩn cấp nhất”./. 

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com