Ngày 13-3, Nga đã nhất trí gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen trong thời gian 60 ngày.
Thông báo trên được Moskva đưa ra sau cuộc đàm phán với các quan chức Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề này. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin nêu rõ do tính chất “trọn gói” của các thỏa thuận được ký tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) do Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đề xuất, phía Nga không phản đối việc gia hạn thỏa thuận, nhưng chỉ trong 60 ngày, sau khi thời hạn thứ hai hết hạn vào ngày 18-3 tới. Ông nhấn mạnh rằng Moskva sẽ xác định quan điểm tiếp theo của mình, tùy thuộc vào tiến độ thực sự trong việc cung cấp các sản phẩm của Nga ra thị trường thế giới.
Nga và Ukraine là những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới. Xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt và có nguy cơ đẩy hàng triệu người ở những quốc gia nghèo nhất trên thế giới vào cảnh thiếu lương thực.
ASEAN không ưu tiên thiết lập đồng tiền chung khu vực
Ngày 13-3, trong bài phát biểu thuyết trình trực tuyến tại một trường đại học ở ngoại ô Thủ đô Jakarta của Indonesia, Tổng Thư ký ASEAN Kao Him Hourn cho biết phục hồi hậu đại dịch COVID-19 hiện là ưu tiên hàng đầu của ASEAN. Tổng Thư ký Kao nói rõ: “Tôi nghĩ ý tưởng về liên minh tiền tệ đã được thảo luận từ 10 năm hoặc thậm chí 20 năm trước. Tuy nhiên, hành trình này vẫn còn rất xa vì chúng ta đang có những ưu tiên khác”.
Thay vì liên minh tiền tệ, Indonesia - với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2023 - đã đề xuất phát triển kết nối thanh toán khu vực nhằm thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới. Năm ngân hàng Trung ương khu vực - gồm Ngân hàng Indonesia (BI), Ngân hàng Negara Malaysia (BNM), Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP), Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) và Ngân hàng Thái Lan (BOT) - thậm chí đã nhất trí tăng cường hợp tác kết nối thanh toán trong khu vực. Chương trình hợp tác này sẽ tích hợp cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số của các nước liên quan, bao gồm hệ thống thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới và thanh toán nhanh.
Trên 400 nghìn người ở Cuba bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng
Theo Viện Tài nguyên Thủy lợi Quốc gia Cu Ba, hiện tượng một thời gian dài không có mưa hoặc mưa dưới mức trung bình được gọi là “hạn hán khí tượng”. Số liệu chính thức cho thấy từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 3 có 137 khu vực trên lãnh thổ Cuba không có mưa dù chỉ một lần với hơn 400 nghìn người bị ảnh hưởng. Những người dân Cuba bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán này chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Đông như Guantánamo, Camaguey, Santiago de Cuba và Holguín. Địa phương phía Tây duy nhất nằm trong danh sách này là Thủ đô La Habana.
Giám đốc Viện Khí tượng Cuba (Insmet) Vladimir Guevara cho biết đảo quốc Caribe này đang trong giai đoạn cực đoan nhất của “hạn hán khí tượng”, và các chuyên gia dự đoán tình trạng này sẽ kéo dài đến giữa tháng 5. Insmet dự báo lượng mưa tích lũy trong tháng 3-2023 tại Cuba sẽ dưới mức trung bình lịch sử hàng tháng. Phó Thủ tướng Cuba Inés María Chapman nhấn mạnh đây không phải lần đầu tiên đất nước 11 triệu dân này hứng chịu hạn hán khốc liệt./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin