Nỗ lực thu hẹp khoảng cách trong giáo dục toàn cầu

08:30, 13/03/2023

Theo thống kê của Liên hợp quốc, gần một nửa số trẻ em không được đến trường trên toàn thế giới tập trung ở các nước kém phát triển. Trong một thế giới với tiến bộ công nghệ diễn ra nhanh chóng, các quốc gia nghèo nhất có nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời nhằm thu hẹp khoảng cách trong giáo dục và đào tạo các kỹ năng cần thiết cho tương lai.

Các nữ sinh viên tại Đại học bang Zanzibar, Tanzania.
Ảnh: UNDP

Các nữ sinh viên tại Đại học bang Zanzibar, Tanzania.

Ảnh: UNDP

Kết quả khảo sát toàn cầu về giáo dục đại học do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thực hiện cho thấy, đại dịch COVID-19 đã làm lộ ra những lỗ hổng lớn trong hệ thống giáo dục trên thế giới, nhất là ở các nước kém phát triển. Việc học tập của khoảng 220 triệu sinh viên đại học trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh. 

Trong khi các tổ chức giáo dục ở các nước phát triển có thể nhanh chóng chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến, hầu hết các trường học ở những nước kém phát triển nhất đã phải đóng cửa hoàn toàn do thiếu các trang thiết bị công nghệ cũng như kỹ năng cần thiết.

Thế giới ghi nhận tiến bộ trong việc tăng tỷ lệ nhập học, song vẫn có khoảng 16,2% số trẻ em trong độ tuổi tiểu học ở các nước kém phát triển không được đến trường; nhất là các trẻ em gái, trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh dễ bị tổn thương vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục. Ở cấp trung học và đại học tồn tại sự chênh lệch lớn về giới và khả năng tài chính của gia đình các học sinh. 

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Đại diện cấp cao cho các nước kém phát triển nhất, các nước đang phát triển không giáp biển và các đảo quốc nhỏ đang phát triển, bà Rabab Fatima nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư cho hệ thống giáo dục ở các nước kém phát triển để trang bị cho những người trẻ tuổi kiến thức và kỹ năng cho tương lai. Theo Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với giáo dục đại học trên quy mô lớn một cách hiệu quả, tiết kiệm chi phí và linh hoạt là nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục trực tuyến ở các nước kém phát triển. 

Theo Chương trình hành động Doha cho các nước kém phát triển nhất trong giai đoạn 2022-2031, Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc một bản phác thảo các sáng kiến, phương thức khả thi cũng như các yêu cầu về nguồn lực tài trợ cho mô hình giáo dục mang tính bền vững. 

Công ước toàn cầu về công nhận trình độ liên quan giáo dục đại học đã được thông qua vào tháng 11-2019 tại phiên họp thứ 40 của Đại hội đồng UNESCO và chính thức có hiệu lực từ ngày 5-3-2023. UNESCO khẳng định, việc Công ước toàn cầu về giáo dục đại học có hiệu lực là một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với hệ thống giáo dục trên toàn cầu, đưa thế giới tiến gần hơn việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục đại học có chất lượng. Liên hợp quốc tiếp tục kêu gọi các nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách và học sinh, sinh viên cùng hành động, xây dựng một thế giới nơi mọi người đều có cơ hội học tập, phát triển và thành công./.

Theo Báo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com