Kỷ niệm tác nghiệp nơi biển, đảo

08:24, 21/06/2024

Trong cuộc đời mỗi người làm báo đều có những trải nghiệm đặc biệt. Với tôi, hơn chục năm làm phóng viên Báo Nam Định, có may mắn 3 lần tác nghiệp ở các vùng biển, đảo tiền tiêu gồm: nhà giàn DK1, trạm Rada 950 và một số cơ quan, đơn vị ở huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa); đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Mỗi chuyến công tác, tôi cũng như các đồng nghiệp tham gia đoàn đều có những trải nghiệm nghề sâu sắc trong quá trình tác nghiệp nơi đảo xa.

Phóng viên Viết Dư (đứng giữa) tác nghiệp tại đảo Lý Sơn.
Phóng viên Viết Dư (đứng giữa) tác nghiệp tại đảo Lý Sơn.

Năm 2019, lần đầu tiên tôi tham gia đoàn công tác số 2, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đến thăm, chúc tết cán bộ chiến sĩ tại nhà giàn DK1, trạm Rada 950 và một số cơ quan, đơn vị ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong hải trình, để phóng viên có đủ sức khỏe, bộ phận quân y và hậu cần trên tàu Trường Sa 19 thường xuyên đến từng phòng để thăm hỏi, chuẩn bị các loại thực phẩm phù hợp với thể trạng từng người trong đoàn công tác. Các phóng viên trên tàu họp, triển khai kế hoạch tác nghiệp theo từng nhóm như: nhóm phóng viên truyền hình; nhóm phóng viên chụp ảnh... nhằm đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng trong quá trình làm việc. Nhờ ghi nội dung khá chi tiết trên phiếu đăng ký tác nghiệp nên đồng chí Chính trị viên tàu Trường Sa 19 đã sớm kết nối tôi với những người con quê hương Nam Định đang công tác trên tàu là Thiếu tá Nguyễn Văn Chính và Trung úy Vũ Văn Ninh. Gặp tôi, cả anh Chính và anh Ninh đều vui mừng trò chuyện như gặp người thân trong gia đình. Cũng từ những chia sẻ của anh Chính, tôi thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của các chiến sĩ đang gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh việc thu thập tư liệu để viết bài về chuyến công tác, một trải nghiệm làm báo với chúng tôi là thực hiện chương trình “Bản tin phát thanh nội bộ tàu Trường Sa 19”. Vào khoảng 10 giờ 30’ và 18 giờ hàng ngày, chương trình phát thanh trên tàu Trường Sa 19 truyền đi thông tin về hải trình của Đoàn như vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thành tích của cán bộ, chiến sĩ. Chương trình xen kẽ chuyên mục “Quà tặng âm nhạc” và các cuộc trò chuyện giao lưu với thành viên trên tàu... Để bản tin duy trì liên tục và phong phú trong suốt hải trình, ê-kip sản xuất chương trình giao chỉ tiêu mỗi nhóm phóng viên mỗi ngày phải có ít nhất một tác phẩm thuộc các thể loại như ghi nhanh, ký, thơ, tản văn. Kịch bản chương trình nhanh chóng được xây dựng, mỗi người một việc, ai cũng tập trung cao độ để thực hiện chương trình. Trong điều kiện khó khăn, ekip vẫn chuẩn bị đầy đủ nhạc hiệu, nhạc cắt, nhạc nền. Bản tin Phát thanh nội bộ của tàu Trường Sa 19 ngoài việc cung cấp thông tin hữu ích cho các thành viên trên tàu còn là dịp để các phóng viên học hỏi kinh nghiệm làm việc theo nhóm, hiểu biết hơn về quy trình sáng tạo các loại hình báo chí.

Đầu năm 2023, tôi được tham gia cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đi thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trên Quần đảo Trường Sa. Đây là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm báo của tôi bởi nếm đủ “đặc sản” say sóng và những khó khăn về thời tiết trong quá trình tác nghiệp trên biển, đảo trong hải trình gần 20 ngày. Vừa ra khỏi vịnh, tiếng loa phóng thanh của thuyền trưởng trên tàu cảnh báo có gió to, sóng lớn. Gần 1 giờ sáng, trong khi nhiều thành viên trên tàu đang say sóng, bỗng tiếng động mạnh trên boong đánh thức tất cả. Cơn sóng bao trùm làm tàu lắc dữ dội. Chỉ huy tàu cùng các thủy thủ nhanh chóng kiểm tra, chằng buộc lại hàng hóa gửi ra đảo. Những ngày biển động, nhiều thành viên trên tàu say sóng không xuống được phòng ăn; các đồng nghiệp khỏe hơn mang cơm, cháo chăm sóc những người say sóng; lực lượng quân y thường xuyên thăm, khám sức khỏe thành viên trong đoàn. Được sự quan tâm chu đáo, các phóng viên trong đoàn như tiếp thêm sức mạnh nỗ lực vượt qua khó khăn. Sau hải trình gần 2 ngày đêm, tàu Quân y 561 chở đoàn công tác đến Đảo Trường Sa. Khi lên đến đảo, tất cả mệt mỏi, âu lo của các thành viên đoàn công tác đều tan biến, thay vào đó là hòa cùng bầu không khí hân hoan của cán bộ, chiến sĩ trên đảo... Do ở các đảo, thời gian tác nghiệp chỉ khoảng 30 phút nên chúng tôi làm việc theo nhóm, các phóng viên bầu người phụ trách, phân chia nhiệm vụ quay, chụp, phỏng vấn… Kết thúc buổi tác nghiệp, chúng tôi cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để đạt hiệu quả thông tin bài viết cao nhất. Cũng trong chuyến đi, tôi gặp nhiều đồng nghiệp - đồng hương Nam Định công tác ở các cơ quan báo chí khác nhau nhưng luôn đau đáu về quê hương như các nhà báo: Vũ Thành - Báo Nhân Dân; Mạnh Hùng - Báo Khánh Hòa; Trần Văn Hiền, Quốc Cường - Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Lắk… Một trong những ấn tượng và tự hào của tôi khi đặt chân đến Trường Sa là những đóng góp của lớp lớp người con Nam Định trong suốt quá trình xây dựng đảo, tham gia gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong chuyến công tác có Thượng tá Trần Văn Quyển, lúc này đang là Phó Lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn Công tác số 2 là người con quê hương Nam Định. Anh Quyền có nhiều năm gắn bó với Trường Sa. Khi biết có phóng viên Báo Nam Định đi cùng đoàn, anh đã dành thời gian gặp gỡ để nắm bắt những nét khởi sắc mới của quê hương qua những trang báo. Thượng tá Phạm Thế Nhương, khi đó là Chỉ huy trưởng đảo, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa dù xa quê nhiều năm nhưng giọng nói, chất hào sảng của người Hải Hậu vẫn in đậm trong con người anh. Trước khi rời đảo, Thượng tá Phạm Thế Nhương có gửi gắm tôi lá cờ Tổ quốc được treo trên đảo Trường Sa cùng bức thư tay ngắn gọn, đầy xúc động. Sau khi về đất liền, lãnh đạo Báo Nam Định và tôi đã về Hải Hậu để trao lãnh đạo huyện lá cờ của Thượng tá Phạm Thế Nhương gửi gắm.

Đầu năm 2024, tôi lại may mắn tham gia cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tổ chức gặp mặt đoàn công tác và cán bộ, phóng viên đi thăm, chúc Tết quân, dân, các lực lượng trên huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Lý Sơn (Quảng Ngãi). Mặc dù hải trình gần hơn so với chuyến công tác Trường Sa và Nhà Giàn DK1 trước đó, nhưng biển động dữ dội khiến anh em phóng viên không thể lên đảo Cồn Cỏ. Sau khi chờ các chuyến chở quà tết vào đảo Cồn Cỏ, đoàn tiến về đảo Lý Sơn trong điều kiện mưa to, gió lớn. Vào gần đảo, tàu được neo, các thuyền nhỏ lần lượt trung chuyển quà và thành viên đoàn công tác vào bờ. Hơn 50 phóng viên được ưu tiên đưa lên đảo trước làm nhiệm vụ. Cơn mưa nặng hạt của đảo Lý Sơn không làm chúng tôi chùn bước. Trước Cột cờ trên đỉnh núi Thới Lới sừng sững thể hiện chủ quyền vùng đảo Lý Sơn, đoàn công tác trang trọng tổ chức lễ chào cờ với lời hứa quyết tâm nỗ lực cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió tại cột mốc chủ quyền quốc gia, trong tôi trào dâng cảm xúc. Từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của bao thế hệ người con đất Việt đã hy sinh để giữ vững chủ quyền đất nước. Đặc biệt, khi chứng kiến công tác chuẩn bị đón tết của cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 550 đảo Lý Sơn (thuộc Trung đoàn 351), tôi cảm nhận không khí ấm tình quân dân với các hoạt động gói bánh chưng, giao lưu văn nghệ, trang trí ban thờ Bác Hồ.... Các anh dù công tác xa nhà, nhưng vẫn vững chí, bền lòng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn, bảo vệ đảo tiền tiêu.

Những chuyến công tác biển, đảo đã giúp tôi cảm nhận rõ hơn về sự cống hiến, hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ. Tôi hy vọng sẽ có dịp được tiếp tục đến với nơi đảo xa, những cột mốc trên biển để truyền tải những hình ảnh, câu chuyện về cuộc sống của những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm vững tay súng canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com